Chung tay hướng về đồng bào vùng hạn, mặn ở ĐBSCL

Thứ Hai, 16/03/2020 17:03

|

(CATP) Vừa qua, Báo Công an TPHCM thông tin liên tục về tình trạng mới đầu mùa khô năm 2020, người dân ở vựa lúa lớn nhất cả nước đón đợt hạn, mặn khốc liệt. Thời điểm này, nhiều khu vực ở vùng sông nước này đang "khát" nước ngọt. Trước khó khăn trên, nhiều nghĩa cử đẹp đã đến với đồng bào vùng hạn, mặn. Đồng bằng sông Cửu Long đang chờ đón sự chung tay hỗ trợ của cả nước.

"CỨU MẶN NHƯ CỨU HỎA"

Ngày 15-3-2020, 300m3 nước ngọt do cán bộ, chiến sĩ tàu 937 (thuộc Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn) được cấp miễn phí cho bà con khu vực ven biển Bến Tre. Khi tàu cập bến Cái Mơn, hàng trăm người dân tổ chức chào đón. Một cán bộ tàu cho biết, đây là số nước ngọt để cấp nước cho các hộ dân bị nước biển xâm thực nặng tại huyện Chợ Lách (Bến Tre). Để đến với Bến Tre, tàu 937 đang thực hiện nhiệm vụ tại TP.Vũng Tàu phải vượt qua hơn 70 hải lý, với hành trình gần một ngày đêm đến với bà con vùng hạn, mặn.

Trong vòng 20 phút sau khi cập cảng, cán bộ, chiến sĩ tàu 937 cùng đoàn công tác hành quân theo đường bộ đã triển khai cấp nước cho các ghe, xuồng, xe bồn của người dân đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Trước đó, ngày 9-3, tàu 935 (thuộc Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) đã cập bến phà Rạch Miễu cũ (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), chở theo 250m3 nước ngọt cấp miễn phí cho hàng trăm hộ dân vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn của huyện này.

Đoàn Thanh niên cùng Công an tỉnh Bến Tre đưa nước ngọt đến với người dân

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, địa phương đang gặp nhiều khó khăn do hạn, mặn. Người dân nhiều nơi hơn 2 tháng nay phải sử dụng nước máy nhiễm mặn, có thời điểm nước máy mặn như nước biển, độ mặn lên đến 10%0.Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã chung tay hỗ trợ người dân vùng hạn, mặn.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã kịp thời hỗ trợ 800 thùng nước uống tinh khiết loại 20 lít, 150 bồn nhựa chứa nước loại 1.000 lít, 200 bồn nhựa loại 500 lít cùng nhiều suất quà tết trị giá hàng trăm triệu đồng cho bà con vùng hạn, mặn. Tỉnh cũng trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn RO cho 12/35 trạm cấp nước để tạo nước ngọt, cung cấp cho người dân.

Đưa nước sinh hoạt về cho bà con vùng hạn mặn Bến Tre

Hai ngày 10 và 11-3, Công an huyện (CAH) Gò Công Đông (Tiền Giang) huy động lực lượng, phương tiện chở 45.000 lít nước ngọt phục vụ người dân ở các xã. Thượng úy Nguyễn Văn Hậu (Bí thư Chi đoàn CAH Gò Công Đông) chia sẻ: "Nhận được sự chỉ đạo của Ban chỉ huy Công an huyện, Chi đoàn tranh thủ sự ủng hộ của các cơ sở vật liệu xây dựng, kinh doanh vận tải trên địa bàn cho mượn xe, bồn chứa nước để nhanh chóng chở nước ngọt phục vụ bà con".

Những ngày qua, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bến Tre triển khai chương trình hỗ trợ nước ngọt cho người dân vùng hạn, mặn trên địa bàn. Với tinh thần "cứu mặn như cứu hỏa", Đoàn Thanh niên Công an tỉnh vận động các nhà hảo tâm, chở nước ngọt từ đầu nguồn về, sau đó dùng xe chuyên dụng và máy bơm để vận chuyển, cấp cho người dân tại xã Phú Đức (huyện Châu Thành).

Người dân được cung cấp miễn phí nước ngọt

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bến tre còn chỉ đạo chi đoàn các đơn vị nghiệp vụ, Công an cơ sở phối hợp với đoàn thanh niên các cấp tập trung hỗ trợ người dân ứng phó với hạn, mặn đang diễn ra gay gắt, gắn liền với 3 hoạt động chính: vận chuyển nước ngọt đến nơi, hỗ trợ đào giếng khơi, vận động tặng nước ngọt, nước uống cho nhân dân. Qua đó, kết hợp tuyên truyền cho người dân về sử dụng tiết kiệm nước ngọt, chủ động trữ nước.

Hiện các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước, nâng công suất nhà máy cấp nước. Số hộ dân thiếu nước còn lại ở Kiên Giang sẽ được cấp nước di động bằng xe bồn. Tỉnh Bạc Liêu đang ứng vốn trước đầu tư mở rộng 36km mạng lưới đường ống, khoan bổ sung 4 giếng nước ngầm để cấp nước cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Nhiều ghe chở nước ngọt đến vùng hạn, mặn

Tỉnh Long An hỗ trợ kinh phí mua 160 bồn trữ nước cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Cần Giuộc. Tiền Giang lắp đặt 50 vòi nước công cộng, đảm bảo khắc phục hoàn toàn tình trạng thiếu nước của 2.200 hộ dân trong các ngày xâm nhập mặn lên cao. Tổng cục Thủy lợi đang phối hợp với các cơ quan liên quan thu thập thông tin về dòng chảy ở thượng nguồn sông Mekong, phục vụ việc dự báo xâm nhập mặn, dự báo nguồn nước cho các công trình thủy lợi vận hành.

MANG NƯỚC NGỌT ĐẾN VỚI NGƯỜI DÂN

Trưa 14-3, trang Facebook của ca sĩ Hồ Ngọc Hà thông tin, nữ ca sĩ này và nhà thiết kế Lý Quí Khánh cùng vận động 3 tỷ đồng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hạn, mặn ở miền Tây. Từ nửa tháng nay, Hồ Ngọc Hà cùng Lý Quí Khánh và những người bạn thân âm thầm vận động, đến nay quyên góp được hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, nữ ca sĩ chi 1 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, còn lại 2 tỷ đồng ủng hộ người dân miền Tây vượt qua hạn, mặn lịch sử (1 tỷ đồng tiền mặt, 1 tỷ đồng mua thiết bị lọc nước). Từ đầu tháng 3, đại diện của Hồ Ngọc Hà đi khảo sát để đào giếng, xây nhà máy nước, lên kế hoạch cấp nước cho người dân các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang... Ngày 14-3, ê kíp sẽ tiếp tục về Bến Tre khảo sát.

Nhiều nghệ sĩ khác cũng đóng góp cụ thể bằng cách hỗ trợ lắp đặt máy lọc nước cho người dân miền Tây. Ca sĩ Phi Nhung trao 50 bồn chứa nước trị giá 100 triệu đồng cho người dân huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre); tặng 100 triệu đồng cho một ngôi chùa ở Tiền Giang làm kinh phí khoan giếng tầng sâu phục vụ bà con. Vợ chồng Đông Nhi - Ông Cao Thắng ủng hộ 50 triệu đồng, Ngọc Trinh ủng hộ 200 triệu đồng, MC Đại Nghĩa quyên góp, ủng hộ hàng trăm máy lọc nước loại nhỏ, hàng trăm thùng chứa nước lớn, nhỏ cho người dân Bến Tre, Trà Vinh... để đối phó với hạn, mặn.

Ca sĩ Thủy Tiên đi khảo sát lắp máy lọc nước ngọt công suất lớn cho người dân miền Tây

Mới đây, ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi hỗ trợ lắp đặt máy lọc nước giúp đồng bào miền Tây qua cơn hạn, mặn: "Hiện tại, Tiên đã tìm được cách để lọc nước biển bằng máy, giá thành khá cao và nhiều loại, có loại giá lên đến 380 - 500 triệu đồng mới đủ công suất dùng cho cả vùng. Máy giá thấp hơn thì phải lắp nhiều máy mới đủ. Mình có thể lắp ở trạm, sở hoặc nhà văn hóa cho tất cả người dân ai cũng có thể đến lấy nước về dùng". Cô cho biết ủng hộ trước 50 triệu đồng. Nhiều đồng nghiệp, bạn bè của Thủy Tiên nhanh chóng hưởng ứng, chung tay quyên góp.

Chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều văn, nghệ sĩ kêu gọi giúp đỡ miền Tây vượt qua cơn hạn, mặn. Nhiều diễn viên, ca sĩ, người mẫu... cùng suy nghĩ: vựa lúa miền Tây đã nuôi hàng chục triệu dân của cả nước, lúc bà con vựa lúa gặp khó khăn, chúng ta cần chung tay giúp đỡ. Vợ chồng Lý Hải - Minh Hà phối hợp với sư thầy Minh Phước (trụ trì Niệm Phật Đường Liên Hoa) đứng ra vận động hỗ trợ 20 máy lọc nước cho bà con 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Mỗi bộ máy lọc nước nhỏ công suất 15 - 20 lít/giờ khoảng hơn 4,25 triệu đồng, mỗi bộ lọc công suất 500 lít/giờ giá khoảng 40-70 triệu đồng.

Nhiều nơi ở miền Tây đang khô hạn

Kiên Giang: Thừa nước mặn, thiếu nước ngọt

Hiện nay, tình trạng thừa nước mặn, thiếu nước ngọt diễn ra trầm trọng tại tỉnh này, vì nhiều nơi không thể khoan giếng ngầm. Ông Ngô Chấn Hỷ (Bí thư Đảng ủy xã Nam Thái A, huyện An Biên, Kiên Giang) cho biết, xã có 2.091 hộ, nhưng chỉ hơn 50% có nước máy sử dụng, còn lại phải mua nước do người dân chở bằng ghe về bán, giá từ 40 - 60 ngàn đồng/m3. Tại huyện An Minh, gần 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn này. Đa số đều là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách sống rải rác ven các kênh, rạch, không có điều kiện mua phương tiện trữ nước ngọt để sử dụng.

Bến Tre: Thực hiện Chương trình trữ nước ngọt, nước mưa

Ông Nguyễn Hữu Lập (Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre) cho biết, hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn diễn biến ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn. Địa phương kiến nghị Trung ương xem xét, sớm triển khai các dự án lớn, như: Jica 3, dự án Nam Bến Tre, hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy nước thuộc khu vực cù lao Minh... để đưa vào phục vụ, giúp kiểm soát mặn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất bố trí chương trình cấp nước quy mô hộ gia đình cho 20.000 hộ không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỉnh ủy cũng có văn bản chỉ đạo về Chương trình trữ nước ngọt, nước mưa.

Cà Mau: Người dân thiếu nước sinh hoạt

Khoảng 4.000 hộ dân tại Cà Mau đang gặp khó khăn do không có đấu nối với cơ sở cung cấp nước ngọt. Tỉnh đang lập đoàn khảo sát, phân loại nhu cầu của người dân, như: bồn nước, phương tiện chuyên chở nước... để cấp bách hỗ trợ nước ngọt giúp người dân vùng hạn, mặn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang