Sự thật về giống lúa “Thiên Đàng”:

Kỳ cuối: Khuếch trương công dụng như… “thần dược”!

Thứ Năm, 12/03/2020 07:10  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Không chỉ quảng bá trên mạng xã hội, đại diện Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng còn "tung hô" công dụng của lúa này như “thần dược” có thể chữa được nhiều bệnh.

Cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã vào cuộc xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Đến ngày 10-3, nhiều trang mạng Facebook, Youtube đã lần lượt gỡ bỏ nội dung quảng bá cho giống lúa “Thiên Đàng”.

Cơ quan chức năng tỉnh An Giang làm việc với đại diện Công ty Thiên Đàng.

CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC

Ông Trần Thanh Hiệp - Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang cho biết: Hiện nay, diện tích gieo trồng giống lúa Thiên Đàng (OM RUMA) trên địa bàn có gia tăng. Cụ thể, vụ thu đông 2019 với diện tích 72,3 héc-ta, đến vụ đông xuân 2019-2020 là 296,5 héc-ta, tập trung tại các huyện: Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú và TP.Long Xuyên.

Tuy nhiên, giống lúa này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và công ty đã tự ý thực hiện ký kết với nông dân trong tỉnh để sản xuất, sau đó thu mua lúa nguyên liệu về phơi sấy, đóng bao lúa giống “Thiên Đàng” để tiếp tục quảng bá, cung cấp cho hộ dân nhằm mở rộng diện tích ở các vụ tiếp theo.

Trước đó vào ngày 25-2-2020, đoàn kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT An Giang đã làm việc với đại diện Công ty TNHH giống lúa Thiên Đàng (địa chỉ số 24, Quốc lộ 1A, ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).

Qua làm việc, công ty xác nhận giống lúa “Thiên Đàng” chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ngoài ra, theo thông tin từ nông dân huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cung cấp, trồng lúa giống “Thiên Đàng” bị nhiễm đạo ôn và một số đối tượng dịch hại khác như muỗi hành, sâu lá… và không giống như khuyến cáo của công ty.

Theo cơ quan chức năng tỉnh An Giang, việc sản xuất, kinh doanh giống lúa này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ cấu giống lúa chung của tỉnh. Đồng thời các tổ chức, cá nhân sản xuất giống lúa này vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt tại Khoản 1, Điều 9, Luật Trồng trọt; vi phạm quy định về quản lý giống cây trồng và bị xử lý theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP.

Để tăng cường kiểm soát chặt chẽ và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống lúa trên địa bàn tỉnh nhằm phòng ngừa thiệt hại xảy ra đối với người dân.

Mới đây, ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang có ra văn bản đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Đồng thời, công khai giống lúa “Thiên Đàng” chưa có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và việc sử dụng giống này gieo trồng là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, thống kê tình hình sản xuất nông nghiệp, trong đó giống lúa tự cho là giống Thiên Đàng (OM RUMA). Trong công văn, người đứng Sở NN-PTNT An Giang cũng đề nghị Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh An Giang tham mưu, đề xuất lãnh đạo thông tin phương thức hoạt động của Công ty Thiên Đàng đến công an huyện, thị, thành biết để tăng cường các biện pháp quản lý tại cơ sở.

Ông Bùi Tấn Kiệt - đại diện Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng cầm bọc gạo giới thiệu công dụng “trên trời” vì cho có thể chữa bệnh.

GẠO CÓ THỂ CHỮA ĐƯỢC… “BỆNH CORONA”!

Đó là khẳng định “chắc nịch” của ông Bùi Tấn Kiệt - đại diện Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng khi làm việc với chúng tôi.

Ông Kiệt cho biết trước đây làm nghề nuôi trồng thủy sản. Năm 2012, ông làm ăn thất bại nên ra nước ngoài, rồi gặp được một người tên R.M giới thiệu cho giống lúa “sạch”. Vào tháng 8-2018 âm lịch, ông “thỉnh” 2kg lúa giống từ người này tại Campuchia.

Về Việt Nam được một người khác cho thêm 2kg nữa nên số giống có được gieo sạ trên phần đất 4 công đất tại ấp Bắc Sơn, TT.Núi Sập.

“Việc canh tác không phân thuốc mà chỉ xịt mấy chai vi sinh. Sau khi thu hoạch cho sản lượng cho 2,3 tấn. Có nhiều giống đi đâu tôi cũng nói với mọi người, cây lúa này ngày sau một hạt gạo thôi cũng cứu được một mạng người. Tôi nói không ai tin nên cố gắng nhân giống với tốc độ rất nhanh. Lúc đầu tôi bán cho nông dân với giá 2 triệu đồng/kg. Đưa ra giá như thế vì 1 công làm 1kg thay vì 30kg như lúa thông thường. Việc đưa ra giá cao để bà con gìn giữ” – ông Kiệt cho hay.

Theo ông Kiệt, đợt thứ 3 này công ty đã thuê được 2.700 công đất để tự trồng lúa “Thiên Đàng”, còn đưa cho bà con toàn quốc từ Nam tới Bắc là khoảng 30.000 công (3.000 héc-ta). Đối với khu vực từ Móng Cái về Bình Thuận có 1 người quen của ông Kiệt đang triển khai theo kiểu “người nghèo cho giống”. Giá bán lúa giống đối với các tỉnh phía Bắc là 23 ngàn đồng, còn trong miền Nam 50 ngàn đồng/kg.

Phóng viên đặt vấn đề: “Khi triển khai giống xuống nông dân có thông qua địa phương?”. Ông Kiệt lý giải: “Khi làm có tiến hành đăng ký nhưng sớm nhất là 1 năm, còn trễ phải mất 3 năm mới được cấp giấy phép. Tôi biết vào tháng 2-2020 sẽ có sự cố nên bứt phá không cần giấy tờ, bởi nếu được cấp giấy thì sẽ không đủ số lượng để cứu quả địa cầu. Gạo này mà bệnh nếu ăn không hết gia đình tôi sẽ chịu trách nhiệm” – ông Kiệt "khẳng định" về công dụng của giống lúa “Thiên Đàng”.

Chúng tôi hỏi tiếp: “Gạo này cụ thể chữa được bệnh gì?”. Ông Kiệt liền "khuyếch trương" về công dụng của giống lúa được gieo trồng trái phép tại nhiều tỉnh trên cả nước: “Bệnh cả thế giới đang rối ren, tức corona. Người nào bị bệnh ăn 1 hạt 5 phút sẽ hạ nhiệt ngay. Vấn đề này không cần đi khảo sát nữa. Đối với người bị bệnh nặng ăn 5 hạt sẽ khỏi ngay”.

Chúng tôi đặt vấn đề có cơ sở nào mà ông khẳng định ăn sẽ chữa được bệnh? Lập túc ông Kiệt lớn giọng: “Tôi đảm bảo gạo ăn hết nếu không sẽ tử hình”. Kèm theo đó, ông ta dùng nhiều lời lẽ khó nghe với phóng viên.

Trước đó, Công ty Giống lúa Thiên Đàng còn giới thiệu công dụng “thần dược” trên với nhiều đối tác khác. Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp làng hữu cơ Hiếu Thuận (Vĩnh Long) cho biết: “Khi xuống hợp tác với mình, ông Ba Lực nói gạo “sạch”, không có thuốc hóa học nên ăn tốt cho sức khỏe, ăn vô phòng bệnh…”.

Ông Trần Thanh Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp – cho biết: “Việc đem giống không nằm trong danh mục được cấp phép sản xuất nên khi doanh nghiệp “bỏ chạy” thì thiệt thòi vẫn là người nông dân. Do vậy cần xử lý mạnh những công ty bán giống không rõ nguồn gốc hoặc liên kết lén lút để bảo vệ quyền lợi cho những nhà nghiên cứu, lai tạo giống mới, cũng như quyền lợi nông dân canh tác”.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên sản xuất giống lúa “Thiên Đàng” vì nhiều lý do.
Ông Trần Thanh Hiệp – Chánh thanh tra Sở NN-PTNT An Giang: Khi ngành nông nghiệp phát hiện Công ty Thiên Đàng sai phạm trong kinh doanh và nhân giống lúa sai quy định, Sở NN-PTNT đã đề nghị công ty ngưng sản xuất và kinh doanh dưới mọi hình thức đến khi có quyết định công nhận lưu hành của cơ quan có thẩm quyền. Đối với giống lúa nêu trên chưa biết sâu bệnh như thế nào, nên làm không khéo sẽ gây ảnh hưởng đến giống lúa trên địa bàn. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tiếp tục canh tác giống lúa “Thiên Đàng ”.
Sự thật về giống lúa “Thiên Đàng”
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang