KỲ 1: NÔNG DÂN Ồ ẠT XUỐNG GIỐNG VÌ... GIÁ HỜI!?
Đại diện công ty bán giống và bao tiêu còn quảng cáo, gạo của giống lúa này ăn vào có thể chữa được bệnh (!). Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành với giá bán giống cho nông dân từ 50 ngàn đồng cho đến 2 triệu đồng/kg. Trước những thông tin trên, phóng viên Báo Công an TPHCM đã vào cuộc xác minh.
Hàng trăm héc-ta lúa “Thiên Đàng” được nông dân ở An Giang gieo trồng dù chưa được cấp chứng nhận.
ĐUA NHAU TRỒNG LÚA “LẠ”
Những ngày đầu tháng 3-2020, phóng viên tìm về thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), nơi được cho là gieo trồng đầu tiên giống lúa “Thiên Đàng”. Sau khi dò hỏi, chúng tôi gặp được anh Trần Ngọc Giang (39 tuổi, ngụ xã Định Thành, huyện Thoại Sơn), chủ đồng lúa 3 héc-ta chuẩn bị thu hoạch ở kênh G.
Anh Giang cho biết: “Đến nay tôi đã canh tác được 4 vụ rồi. Trước đó tôi tình cờ biết được lãnh đạo công ty nên mua lúa “Thiên Đàng” về gieo sạ, với giá giống là 50 ngàn đồng/kg. Lúc đầu cấy thưa công chỉ vài ký, còn sau này giống nhiều nên cấy 10kg/công. Lúa này nở giữ lắm, bụi lên đến 20 – 30 cây, quy trình canh tác rất dễ làm. Khi sạ là tiến hành xịt thuốc diệt ốc, sau đó phun thuốc diệt mần và lượng phân bón chỉ rải 15 – 20kg/công (bón 3 lần/vụ). Đây là giống lúa có tính kháng bệnh cao so với các giống khác. Sau sạ 105 ngày là thu hoạch với năng suất đạt từ 500 – 700kg/công”.
Dứt lời, anh Giang nhổ bụi lúa lên chỉ vào phần gốc nói: “Lúa có rất nhiều rễ và dài khỏe nên vượt trội hơn các giống lúa khác”. Chúng tôi hỏi khi được giới thiệu bán giống công ty có đặt điều kiện sản xuất như thế nào không?
Anh Giang nói: “Chú Ba Lực (đại diện công ty bán giống và bao tiêu) có đặt điều kiện là trồng lúa không được phun thuốc hóa học. Giống này mình mua 1 lần, rồi khu nào tốt là khử lẫn để làm giống chứ không mua nữa. Do đây là gạo sạch nên mỗi vụ thu hoạch tôi đều chừa lại để ăn”. Được biết ruộng lúa anh Giang 2 tuần nữa sẽ cho thu hoạch.
Canh tác 9 héc-ta lúa giống “Thiên Đàng”, ông Lê Văn Hiếu (49 tuổi, ngụ xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, đây là vụ đầu tiên ông canh tác và một số diện tích đã thu hoạch thu hoạch với sản lượng đạt 650kg/công.
Ông Hiếu nói giọng phấn khởi: “Lúc nhỏ lúa có bị sâu cuốn lá nhưng nhìn chung không ảnh hưởng gì đến năng suất. Theo kinh nghiệm của tôi là phân chỉ nên bón 20kg, gieo sạ 12kg lúa giống và tổng chi phí chỉ 1,2 triệu đồng/công. Nếu bán cho công ty giá 10 ngàn đồng/kg tính ra lời hơn 4 triệu đồng/công thay vì chỉ 2 triệu đồng/công so với các giống khác”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giống lúa “Thiên Đàng” không chỉ được nông dân ở tỉnh An Giang sản xuất mà còn nhiều tỉnh, thành khác như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp…
Trao đổi với phóng viên về giống lúa có tên rất “lạ” này, ông Đỗ Văn Sang - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Thoại Sơn - cho biết: “Công ty TNHH giống lúa Thiên Đàng bán giống chưa được phép lưu hành. Năm vừa rồi triển khai cho nhiều nông dân tại địa phương, nhưng năm nay đối với Thoại Sơn giảm mạnh. Hiện ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên triển khai rất nhiều. Đối với việc kinh doanh và sản xuất của đơn vị này Trạm Bảo vệ thực vật đã có văn bản báo cáo về tỉnh”.
Nhiều nông dân chọn cách sấy rồi trữ lúa lại vì công ty ngưng mua do “cạn” tiền.
“KHÓC RÒNG” VÌ CÔNG TY NGƯNG MUA SẢN PHẨM
Nhiều trường hợp nông dân gieo trồng giống lúa của Công ty Thiên Đàng không có hợp đồng bao tiêu, nếu có cũng không được nhận tiền cọc hoặc xác nhận của bên thứ 3 là chính quyền địa phương. Do vậy khi công ty ngừng thu mua sẽ khiến không ít nông dân điêu đứng.
Theo ghi nhận của phóng viên, Công ty Thiên Đàng còn hợp đồng với nhiều tập thể để trồng lúa “Thiên Đàng”. Tháng 6-2019, Công ty này có hợp đồng với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long).
Theo hợp đồng, phía HTX sẽ sản xuất và bán cho công ty với thời gian là 3 năm (từ 2019 – 2022). Diện tích sản xuất là 20 héc-ta. Giá công ty bán giống cho HTX là 40 ngàn đồng/kg. Lúa thu hoạch sẽ được thu mua với giá từ 10 - 12 ngàn đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp làng hữu cơ Hiếu Thuận cho biết: “Vụ trước có hợp tác với Công ty Thiên Đàng để làm lúa nhưng vụ này không còn hợp tác nữa. Nguyên nhân là mình làm lúa hữu cơ, còn sau này công ty bắt làm kiểu vô cơ, tức kêu bón phân hóa học. Cách canh tác phản khoa học này nông dân không dám làm, bởi bón phân vô cơ mà không phun thuốc sẽ bị sâu hại tấn công lấy gì trị?!
Giống lúa “Thiên Đàng” cho năng suất 500kg/công nên sau khi trừ chi phí các xã viên có lợi nhuận 2,5 triệu đồng/công. Tuy nhiên việc ký hợp đồng HTX Hiếu Thuận cũng không biết giống lúa được bao tiêu lại thuộc trường hợp chưa được cấp phép gieo trồng. Sau khi gieo sạ họ “tá hỏa” khi được cơ quan chức năng khuyến cáo ngưng sản xuất.
“Hiện nông dân ở ngoài cũng còn hợp đồng với Công ty Thiên Đàng, rải phân vô cơ và bán giá 8 ngàn đồng/kg. Đến khi lúa chín họ có xuống cho giá mua 10 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên cân rồi thì không có trả tiền, không lấy lúa mà bỏ cho tới nay, nông dân phải tự xử” – ông Sơn cho hay.
Gạo “Thiên Đàng” được công ty đóng gói để quảng bá thương hiệu.
Ông Trần Văn Cường - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn - cho biết: “Vụ thu đông 2019, Công ty Thiên Đàng “lấn sân” sang huyện Tri Tôn thuê đất gieo sạ. Đến vụ đông xuân 2019 – 2020, địa phương có khoảng 220 héc-ta làm giống lúa “Thiên Đàng”. Theo công ty này tuyên truyền, giống lúa không bị dịch bệnh, giống giá 50 ngàn đồng, thu mua từ 7 - 10 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên qua ghi nhận từ người dân giống lúa có xảy ra dịch bệnh”.
Theo ông Cường, Công ty Thiên Đàng triển khai theo hình thức là đi trực tiếp xuống nông dân không thông qua địa phương, rồi hỏi thăm ai có nhiều đất đến gặp tuyên truyền hoạt động của công ty. Sau đó đơn vị này thỏa thuận với nông dân là hợp tác trồng lúa hoặc cho thuê đất. Đến nay, xã Cô Tô còn lại khoảng 18 héc-ta và Tân Tiến là 80 héc-ta vẫn chưa thu hoạch. “Trường hợp của ông Lý Thanh Vân (ngụ xã Tà Đảnh) canh tác 23 héc-ta giống lúa “Thiên Đàng”. Đến thời điểm thu hoạch đại diện công ty đến thông báo là hết tiền nên đặt cọc lại 1 triệu đồng/công nên ông này không cho cân lúa mà quyết định sấy trữ lại” – ông Cường thông tin.
Được biết, Công ty TNHH giống lúa Thiên Đàng được thành lập vào ngày 1-4-2019, địa chỉ số 24, Quốc lộ 1A (ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang); do bà Bùi Thoại Anh làm giám đốc.
Trả lời phóng viên, ông Bùi Tấn Kiệt (cha của bà Thoại Anh, đại diện Công ty Giống lúa Thiên Đàng) nói: “Tại tỉnh Bình Thuận đã thu hoạch được 400 tấn lúa, còn hiện tại công ty thu mua được 2.000 tấn. Riêng bên Vĩnh Long cân được trăm ngoài tấn người ta điện qua để lấy nhưng mấy ngày nay Mạnh Thường Quân sợ nên không dám gửi tiền. Nói thật là anh em ủng hộ thu mua lúa chứ tôi không có tiền. Hiện lúa đang tồn đọng cần thu mua phải hơn 100 tỷ đồng. Do vậy tôi kêu người dân phơi khô và sẽ thu mua trong khoảng 1 tháng trở lại với giá 15 ngàn đồng/kg. Tôi làm việc này không phải vì kinh doanh…”.
Không chỉ ngưng thu mua lượng lúa nông dân gieo trồng đã thu hoạch mà công ty còn “biệt tăm” với các đối tác. Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch HTX nông nghiệp Bình Minh (Đồng Tháp) cho biết: “Cách nay khoảng 1 tháng, Công ty Thiên Đàng có đến để giới thiệu giống lúa cũng như ngỏ lời hợp tác. Công ty này nói sẽ đưa giống và làm theo quy trình an toàn, lúa thu hoạch được thu mua với giá 10 ngàn đồng/kg. Lúa giống họ bán cho mình là giá 23 ngàn đồng/kg. Họ nói đang làm ở Tri Tôn nên dự định liên hệ sang xem mô hình như thế nào, nếu thấy phù hợp sẽ triển khai. Tuy nhiên thời gian gần đây họ đã… “lặn” mất tăm”.
Giống lúa “Thiên Đàng” được quảng cáo rầm rộ trên Youtube và mạng xã hội Facebook (ảnh cắt từ clip).
“CHOÁNG” VỚI QUẢNG CÁO GIỐNG LÚA THIÊN ĐÀNG Trên Youtube và mạng xã hội Facebook, giống lúa “Thiên Đàng” được quảng bá hết sức rầm rộ. Nhiều người trong clip phát biểu rằng, Việt Nam có nhiều giống lúa nhưng chưa thấy giống lúa nào ngon cơm và kỳ lạ như vậy. Gạo có mùi sữa rất đặc biệt. Theo nội dung clip, vào tháng 11-2018, ông Bùi Tấn Kiệt (Ba Lực) đã “thỉnh” 2kg lúa giống “Thiên Đàng” từ miền đông bắc Thái Lan về Việt Nam gieo trồng. Chỉ trong thời gian ngắn, giống lúa này đã phát triển nhanh đến chóng mặt tại nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, miền Bắc với tổng lượng lúa giống 6.000 tấn. Giám đốc công ty này phát biểu khá trơn tru về những ưu việc của giống lúa cho chính cha mình “thỉnh” về. |
(Còn tiếp...)