Bài 1: ĐI QUA VÙNG ĐẤT "CHẾT"
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Thê (SN 1972, ngụ xã Tân Thạnh, H.Gò Công Đông, Tiền Giang) đúng lúc ông vừa thăm đồng trở về. Chưa đến cổng, ông vội cất tiếng gọi: "Bà ơi, lúa chết hết rồi!".
Lục bình còn chết, lúa sao sống nổi!
Theo ông Thê, vụ đông xuân năm nay, ông làm 6 công lúa. Ban đầu, thấy lúa phát triển tốt, ông rất mừng vì mùa bội thu sẽ đem lại cho gia đình chi phí sinh hoạt. Nào ngờ sau đó nắng gay gắt kéo dài. Mỗi ngày ba bận, ông Thê mở đài để theo dõi chuyên mục dự báo thời tiết và bất lực khi nghe thông tin năm nay hạn, mặn sẽ kéo dài đến tháng 6.
Người dân bên ruộng lúa chết vì khô hạn
Tương tự gia đình ông Thê, nhiều hộ dân khác ở vùng ngọt hóa Gò Công (thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX.Gò Công, Tiền Giang) đang gặp thảm cảnh hạn, mặn. Hàng chục năm trước, để bảo vệ lúa khỏi cảnh thiếu nước, người dân vùng ngọt hóa Gò Công tin tưởng các hệ thống kênh thủy lợi cung cấp đủ nước tưới tiêu. Khi đồng ruộng có dấu hiệu khô hạn, nông dân sẽ dùng máy bơm nước vào đồng. Năm nay, các con kênh đã cạn kiệt. Kênh Tham Thu (huyện Gò Công Tây) đã trơ cạn đáy. Nhiều hộ dân đành bất lực nhìn ruộng lúa đang trổ đòng khô héo.
Xin giúp đồng bào miền Tây qua cơn hoạn nạn!
Mong con nước, con nước chưa về. Mong một cơn mưa, cơn mưa chưa đổ. Đất và người ở miền Tây đang quay quắt trong đỉnh điểm của cơn hạn mặn. Tình trạng này theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn còn kéo dài trong hai tháng tới. Thương đồng bào sẽ kiệt sức giữa cơn hoạn nạn.
Báo CATP kêu gọi người dân, các Mạnh thường quân, cơ quan, doanh nghiệp... mở rộng tấm lòng, chia sẻ cùng đồng bào miền Tây, giúp bà con vượt qua cơn bĩ cực. Báo CATP xin trân trọng ghi nhận mọi đóng góp của quý vị và sẽ triển khai thành chương trình Tiếp sức miền Tây vượt qua hạn mặn.
Mọi sự đóng góp xin gửi về: Báo CATP, số 110 Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM, tài khoản: Báo Công an TPHCM (XH-TT), số 0071001983085, Ngân hàng Vietcombank TPHCM.
Ông Nguyễn Thành Được (SN 1968) đứng tại cống kênh N7 (huyện Gò Công Tây), nói: "Đầu mùa khô, chính quyền đặt máy bơm dưới kênh Tham Thu để bơm nước lên cứu cánh đồng lúa Đồng Thạnh, Đồng Sơn. Dù bơm hết công suất, nhưng tạm thời chỉ cứu được những ruộng đầu nguồn, còn những cánh đồng xa thì vẫn thiếu nước".
Đến xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi cảm nhận khung cảnh khá đìu hiu. Trên cánh đồng, hàng loạt thửa ruộng lúa đổi màu vàng hoe vì thiếu nước. Nghe chúng tôi hỏi về ảnh hưởng hạn, mặn của địa phương, ông Trần Trung Tính (Chủ tịch UBND xã Liêu Tú) dẫn chúng tôi đi mục sở thị vùng hạn, mặn. Ông chia sẻ: "Qua thông tin trên báo chí, địa phương nhận thấy năm nay tình hình hạn, mặn hết sức phức tạp. Xã đã vận động người dân xuống giống sớm một tháng để né mặn, nhưng không né được. Người dân bị thiệt hại từ 30 - 70%, có hộ mất trắng do thiếu nước".
Nông dân lỗ nặng do vườn dưa leo khô héo
Bà Sa Ly (SN 1960, ngụ xã Liêu Tú) kể về chuyện thu hoạch lúa mà không giấu được giọt nước mắt. Thấy nắng gay gắt kéo dài, vợ chồng bà thường xuyên ra thăm đồng. Thấy lúa héo dần rồi chết, vợ chồng bà huy động người thân ra gặt. "Hai công lúa được 14 bao. Nghe tôi gặt được lúa, chủ nợ bán giống, phân bón, thuốc trừ sâu đến đòi tiền. Tôi bán số lúa trên, nhưng thương lái có mua đâu! Họ chê lúa lép.." - bà Ly than thở.
Cắt lúa cho bò ăn, bò còn... chê
Tại đỉnh hạn, mặn ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại (Bến Tre), 3 tháng nay, người dân đang khốn khó trăm bề. Gần cả đời gắn bó mảnh vườn, thửa ruộng, bà Trần Thị Hiền (ngụ xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm) không tưởng tượng nỗi khó khăn mà gia đình đang gặp.
Để có đủ tiền nuôi 2 đứa con ăn học, bà Hiền thuê 7 công ruộng, cùng với 5 công của gia đình để gieo sạ lúa đông xuân. Lúa đang xanh mơn mởn thì nắng hạn kéo về. Nắng làm khô cả kênh. Nắng làm héo cả lúa. Cánh đồng phì nhiêu của gia đình bà Hiền trở nên nứt nẻ. Lúa bắt đầu khô dần và chết. Tiếc của, bà Hiền cắt một số lúa còn sót lại để cho bò ăn, nhưng bò còn... "chê". "Năm nay, gia đình tôi gánh nợ không biết bao giờ mới trả hết..." - bà Hiền than. Để có tiền trả nợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chồng và con trai bà Hiền phải đi làm phụ hồ.
Những con kênh vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã khô cạn.
Chung hoàn cảnh, ông Năm (một lão nông tri điền ở xã Bình Thành) gieo sạ gần 10 công lúa. Giờ chiều nào ông cũng cầm câu liêm, bao tải ra ruộng cắt lúa về cho bò ăn. Ông giải thích: "Để lúa ngoài đồng ít hôm nữa cũng khô cháy hết, giờ bấm bụng cắt về cho bò ăn, coi như đỡ tốn tiền mua rơm. Nói ra xấu hổ, ai đời làm ruộng lại đi cắt lúa non cho bò ăn, mà thua lỗ, thiếu nợ, không đủ ăn...".
Hoa màu, cây ăn trái cũng chết "khát"
Không chỉ lúa, hoa màu, cây ăn trái ở ĐBSCL cũng đang trong tình trạng chết "khát". Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL có hơn 300.000 héc-ta cây ăn quả (chiếm gần 40% diện tích cây ăn quả của cả nước), nhưng đang đối phó với hạn, mặn rất khắc nghiệt. Nước mặn trên 3 phần nghìn đã bao phủ nhiều khu vực trồng cây đặc sản của vùng, như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang... Do thiếu nước ngọt, hàng nghìn héc-ta vườn sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi, vú sữa có biểu hiện vàng lá, cháy lá và sẽ chết nếu nắng hạn kéo dài. Tại các xã ven sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy (Tiền Giang), đã có từ 10 - 20% cây sầu riêng bị chết.
Nhiều diện tích hoa màu bị chết do thiếu nước
Ông Lê Phong (Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, thiệt hại về hoa màu càng làm đời sống người dân khó khăn hơn. Từ lâu, huyện này nổi tiếng nghề trồng đậu xanh, với hơn 1.000 héc-ta. Trồng đậu xanh dưới ruộng ở địa phương được coi là vụ sản xuất thứ 3 trong năm, mang lại thu nhập khá, từ 25 - 30 triệu đồng/héc-ta, dù chỉ trong khoảng 2 tháng canh tác. Năm nay, người dân mất trắng vụ này do thiếu nước ngọt.
Do thiếu nước, bông lúa bị lép gần hết
Theo ông Quách Vĩnh Phương (Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), ấp này có cả trăm hộ trồng hơn 100 héc-ta hoa màu. Hiện tại, 10 hộ trồng thì có đến 9 hộ bị mất mùa, thiệt hại từ 30 - 60%, thậm chí có hộ mất trắng. Gia đình ông Phương trồng hơn 1 héc-ta dưa hấu và gần 1,5 héc-ta dưa leo, tổng thiệt hại hơn 35 triệu đồng, chưa kể chi phí công sức gia đình bỏ vào. Tại các vùng chuyên canh trồng ớt, ớt cũng héo. Các cánh đồng màu xanh ngả sang vàng, bởi không còn sự sống...
Tỉnh Cà Mau thiệt hại hơn 19.000 héc-ta lúa, hoa màu bị thiệt hại và giảm năng suất hơn 340 héc-ta. Tỉnh Bến Tre có hơn 5.200 héc-ta lúa bị thiệt hại, khoảng 20.000 héc-ta cây ăn trái, 72.000 héc-ta dừa, hơn 1.000 héc-ta cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Tại Tiền Giang, nước mặn đã xâm nhập, ảnh hưởng tới 2.270 héc-ta lúa, hơn 36.000 héc-ta vườn cây ăn trái đang thiếu nước trầm trọng. Tỉnh Long An ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng là khoảng 13.500 héc-ta (khoảng 2.600 héc-ta ở các huyện Thủ Thừa và Tân Trụ có khả năng mất trắng)...
(Còn tiếp...)