SỚM CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình hạn, mặn năm nay khắc nghiệt hơn năm 2016. Tính đến thời điểm này, đã có hơn 39.000 héc-ta lúa bị thiệt hại, chỉ bằng 9,6% so với năm 2016 (thiệt hại lên đến 405.000 héc-ta). Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi các cơ quan trung ương dự báo sớm và chính xác về tình hình hạn, mặn.
Mặc khác, địa phương kịp thời vận động người dân gieo sạ vụ đông xuân sớm để né hạn. Điển hình là tỉnh Sóc Trăng, tính đến nay, tỉnh thu hoạch hơn 161.000 héc-ta lúa (tăng gần 25%), năng suất bình quân đạt 6,32 tấn/héc-ta, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, năm nay có sự chuyển biến lớn nhất của người nông dân để ứng phó với hạn, mặn là giảm đáng kể sản xuất lúa vụ 3 (tức vụ xuân hè), nhất là vùng ngọt hóa ven biển. Có thể kể đến 22.000 héc-ta ruộng ở huyện Trần Đề, hơn 42.000 héc-ta ở vùng Long Phú - Tiếp Nhật. Ngay cả giống ST 25 vừa được giải Gạo ngon nhất thế giới cũng có khả năng chịu mặn được khá tốt.
Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở Cà Mau
Một cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng thừa nhận, để thích ứng với khô hạn, xâm nhập mặn, địa phương phải tính đến chuyển đổi cây trồng, vì trồng lúa sử dụng lượng nước rất lớn. Nếu cả tỉnh ngừng lúa vụ 3 vừa rồi thì địa phương vẫn đủ lượng nước tưới hoa màu và cây ăn trái. Năm 2018, tỉnh có kế hoạch chuyển từ đất lúa sang hoa màu là 2.000 héc-ta, nhưng nông dân đã chuyển đổi gần 9.000 héc-ta để tăng thu nhập, tránh thiệt hại do hạn, mặn.
Tại một số nơi khác từng gánh chịu thiệt hại thảm khốc trong đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016, người dân đã linh hoạt trong sản xuất để giảm thiệt hại. Ông Bùi Quang Đức (50 tuổi, ngụ xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) có khoảng 1,5 héc-ta trồng lúa. Bốn năm trước, ông trắng tay vì đợt hạn, mặn lịch sử, nên tự chuyển đổi sang trồng rau, ổi, thu hoạch rất khả quan.
"Điều quan trọng mà người dân cần là thông tin về khoa học, thị trường. Nguồn đất này thích hợp trồng cây gì ít sử dụng nước, chịu phèn mặn? Thị trường tiêu thụ sẽ ra sao? Nếu có giống cây trồng phù hợp với thời tiết, tiêu thụ được trên thị trường thì chúng tôi đồng ý trồng ngay. Hiện nay, ở một số nơi, chúng tôi phải tự "bơi", tự tìm giống cây trồng và tự tìm đầu ra" - Một nông dân trăn trở.
TĂNG CƯỜNG TÍCH TRỮ NƯỚC NGỌT
Bên cạnh hàng ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng để sinh hoạt, số ít hộ đã tăng cường việc tích trữ nước. Một số nhà vườn chủ động đào ao, vét kênh mương, trữ nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Nhà nông cũng nhạy bén sử dụng nguồn rơm rạ, lục bình, cỏ khô, màng phủ nông nghiệp để giữ độ ẩm cho cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết, những ngày qua, ông chỉ dám dùng nước máy để rửa chén bát, chứ không dùng để nấu nướng, ăn uống, bởi độ mặn quá cao. Sông ngòi, kênh rạch nhiễm mặn, nước máy cũng bị ảnh hưởng, người dân đành mua nước ngọt sử dụng với giá lên tới 100.000 đồng/m3, thậm chí có thời điểm lên tới 150.000 đồng/m3. Riêng gia đình ông Nghĩa không tốn kinh phí mua nước ngọt. Sau đợt hạn, mặn lịch sử, ông Nghĩa thực hiện "công trình trữ ngọt" với 10 lu nước và 3 bể chứa cỡ lớn. Mùa mưa đến, ông hứng đầy nước vào lu, bể.
Một số nông dân ở Vĩnh Long, Hậu Giang chuyển sang trồng mít Thái, ít tốn nước
Những ngày qua, khi các dòng kênh cạn tới đáy, bà Nguyễn Thị Xuân (ngụ xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) vẫn có nước ngọt trữ trong lu để sử dụng. Bà cho biết, mấy năm nay, bà con xung quanh đều dùng lu trữ nước mưa, nhà nào không trữ mới bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.
Ông Nguyễn Hữu Lập (Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre) cho biết, đến nay Tỉnh ủy đã có nhiều văn bản chỉ đạo về chương trình trữ nước ngọt, nước mưa đến tận các huyện, thành phố, xã, ấp, chi bộ. UBND tỉnh cũng xây dựng kịch bản, chương trình, kế hoạch cụ thể và sớm triển khai để các đơn vị thực hiện.
CẦN LIÊN KẾT "4 NHÀ"
Giáo sư Võ Tòng Xuân (chuyên gia tâm huyết trong ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long) không giấu suy tư, trăn trở. Ông nói: "Trong công cuộc chuyển đổi và tái cơ cấu cây trồng, phải biết "thuận thiên". Những tháng nước ngọt thì trồng lúa, những tháng nước mặn thì thả nuôi tôm, cua luân canh... Vừa giúp nông dân có thêm thu nhập, vừa thích ứng hài hòa thiên nhiên. Việc đó, nông dân không thể tự "bơi", mà phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về chủ trương. Nhà khoa học thì nghiên cứu về chọn giống, cách nuôi cụ thể, phù hợp; doanh nghiệp định hướng tìm đầu ra. Liên kết "4 nhà" là vậy".
Đồng ý với quan điểm của giáo sư Võ Tòng Xuân, hầu hết các chuyên gia đề nghị thay đổi cách thức sản xuất, giảm nhu cầu sử dụng nước ngọt, chuyển sang các phương án sử dụng nước mặn, nước lợ như nuôi trồng thủy sản. Công tác này cần làm gấp, không thể chần chờ. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này phải theo phương pháp bền vững, nếu không thì người dân sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng nước (ô nhiễm nước) không kém gì xâm nhập mặn.
"Đừng làm lúa trái mùa nữa. Phải phục hồi chung "sức khỏe" của đồng bằng, bằng cách giảm trồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười, "tứ giác Long Xuyên", để mùa nước có chỗ nước lũ vào, đồng ruộng hấp thu nước. Khi mùa khô tới, nước từ từ rỉ ra, bổ sung giúp cho vùng cửa sông cân bằng mặn, ngọt" - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.
PGS-TS Lê Anh Tuấn (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ) đề xuất: "Các địa phương nên tập trung kinh phí hoặc vốn dự phòng phòng, chống thiên tai để làm những vùng trữ nước trong nội đồng, mương, vườn và các bồn trữ nước cho cộng đồng. Không nên vì những khó khăn hiện nay mà đầu tư xây dựng những công trình quá lớn như cống đập chặn sông, vừa lãng phí, kém hiệu quả, vừa tác hại lớn cho môi trường và tính đa dạng sinh học. Việc tiếp tục đầu tư hệ thống cảnh báo sớm và mạng lưới thông tin đến cộng đồng là cần thiết".
Và điều mà các chuyên gia đề xuất nhiều, nhưng vẫn không nhận được sự tiếp nhận của chính quyền các địa phương: phải giảm ngay tỷ lệ khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu. Đầu thế kỷ XX, Hà Lan và các nước ở thượng nguồn như Đức và Thụy Sĩ đã nhận ra khai thác cát là một mối đe dọa chính đến chức năng của dòng sông, nên bắt đầu tìm kiếm nguồn cát thay thế. Sau đó, họ khai thác cát biển thay cát sông. Còn ở nước ta, nhiều địa phương vẫn cấp phép khai thác cát sông, đến khi bị sạt lở, lại mua cát ném xuống sông mà sạt lở vẫn tiếp diễn.
Khai thác cát làm xói mòn lòng sông gây sạt lở, xâm nhập mặn
Từ chiều tối 8-4 đến ngày 9-4, tại Tiền Giang có nhiều huyện như: Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước và TP.Mỹ Tho đã xuất hiện những cơn mưa. Riêng huyện Tân Phước, lượng mưa đạt 19,4mm. Nhiều địa bàn ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, TP.Bến Tre (tỉnh Bến Tre) mưa lớn cũng xuất hiện và kéo dài gần 30 phút.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang, đây là những cơn mưa trái mùa chứ chưa phải vào thời điểm chuyển mùa mưa, lượng mưa còn hạn chế, người dân chưa nên vội bắt tay vào xuống giống vụ mùa. Tuy nhiên, vào cao điểm hạn, mặn ở miền Tây, nguồn nước ngọt đang cạn kiệt, cơn mưa "vàng" trên đã tiếp nước ngọt vô cùng cần thiết cho hàng nghìn héc-ta trồng sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, xoài... ở Tiền Giang và Bến Tre, đồng thời góp phần làm giảm độ mặn trên sông Tiền, xoa dịu bầu không khí oi bức.
Chiều 9-4-2020, Phòng NN&PTNT huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) cho biết, do ảnh hưởng hạn, mặn kéo dài, cộng với giá cả thời gian qua không cao, nhiều nông dân không còn mặn mà với cây mía. Niên vụ 2019 - 2020, toàn huyện trồng hơn 2.478 héc-ta mía, nhưng kế hoạch vụ mới 2020 - 2021 chỉ còn khoảng 1.800 héc-ta.
Theo UBND huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), lúc cao điểm toàn huyện có hơn 8.500 héc-ta mía. Đến năm 2020, nông dân ồ ạt bỏ trồng mía, chỉ còn khoảng 3.900 héc-ta. Ở Hậu Giang hiện chỉ đạt khoảng 5.900 héc-ta mía. Đặc biệt, nông dân huyện Phụng Hiệp giảm hơn 1.260 héc-ta mía, chuyển sang trồng sầu riêng, bưởi, chanh không hạt...
(CATP) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất cả nước, không chỉ góp phần đảm bảo lương thực cho người dân trong nước mà còn cung ứng lượng lớn gạo xuất khẩu. Vùng đất "Chín Rồng" xanh tươi với nhiều gạo ngon, trái ngọt này đang phải đối mặt với cảnh nhiều cánh đồng khô cằn, nứt nẻ. Ngoài đồng, những bụi lúa đang độ trổ đòng khô héo, còn trong vườn, trái bí, cây cam… ngả màu vàng vì thiếu nước ngọt. Đi dọc tâm điểm hạn, mặn ở ĐBSCL, chúng tôi đau lòng khi chứng kiến vùng đất phì nhiêu ngày nào đang trở thành vùng đất… "chết".
(CATP) Nhìn dòng nước trong veo, không đục màu phù sa như trước, ông Hai Tuấn - ngư dân cố cựu trên dòng sông Hậu chua chát: "Nước trong kiểu này, sớm muộn gì tôi cũng chuyển nghề. Nước không có phù sa, cá, tôm ít về, nghề câu của tôi sắp bị giải nghệ". Những năm gần đây, trong khi nước sông Tiền, sông Hậu không còn chở nặng phù sa thì các dòng sông cung cấp nước ngọt cho người dân lại chuyển sang chở dòng… nước mặn, xâm hại vùng cây trái trù phú miền Tây Nam bộ.
(CATP) Theo các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là hạ lưu của dòng Mê Kông. Thời gian gần đây, không chỉ các tỉnh ĐBSCL đang phải đối mặn với hạn, mặn khốc liệt, mà các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc cũng đang trong thảm cảnh tương tự. Nếu ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông "có nước mà không có cá" thì vùng hạ lưu khu vực ĐBSCL "không có nước" lẫn "không có cá". Nguyên nhân chính do sự tác động quá mức của con người làm thay đổi dòng chảy.