Người phụ nữ bị bán ra nước ngoài 30 năm đoàn tụ nhờ... cách ly

Thứ Năm, 09/04/2020 17:37

|

(CATP) Gặp lại con gái sau hơn 30 năm lưu lạc, ông Hà Văn Hoạt cùng vợ là bà Hoàng Thị Liểng (cùng trú khu Còn 1, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) và những người thân trong gia đình cứ ngỡ trong mơ.

Trong căn nhà tuyềnh toàng nằm chơ vơ trên đỉnh đèo, vào những ngày đầu tháng 4-2020, cả nhà ôm nhau khóc nức nở...

Những giọt nước mặt sum họp lăn trên gương mặt người đàn ông tuổi thất thập và người vợ tật nguyền là ngọn lửa sưởi ấm cán bộ Đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, giữa những ngày dịch COVID-19 đang hoành hành.

KÝ ỨC ĐỨT ĐOẠN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

Nhận chỉ đạo của Đại tá Lưu Đức Tỉnh, Phó giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ xác minh thông tin về một người phụ nữ nghi bị mua bán sang Trung Quốc từ năm 1990; trốn dịch COVID-19 trở về nước đã được cách ly đủ 14 ngày tại Trung tâm y tế thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, hiện đang ở tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Nam có lai lịch tự khai báo là Đinh Thị Bích Hà (SN 1983, quốc tịch Trung Quốc, quê quán tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), Thượng tá Phạm Đình Thi, Trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, không khỏi tâm tư.

Thông tin có được về nạn nhân Hà rất mờ nhạt... Trong khi trước đó, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã tổ chức xác minh về thông tin này trong nhiều ngày nhưng không có kết quả.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, quá trình xác minh, anh em phải tiếp xúc với nhiều người. Vì thế, khi cán bộ đơn vị trình kế hoạch, Trưởng phòng Phạm Đình Thi đã tỉ mỉ dặn dò cán bộ trinh sát cẩn trọng trong quá trình tiếp xúc, thu thập tài liệu để phòng, chống dịch bệnh cho mình và những người xung quanh.

Bắt đầu cuộc tìm kiếm từ thông tin duy nhất là lý lịch tự khai của người phụ nữ tên Hà... gặp không ít khó khăn. Với sự giúp đỡ của cán bộ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Nam, hằng ngày trinh sát bắt đầu các cuộc trò chuyện với Hà. Ngay cả việc này cũng không dễ dàng gì bởi: Nhiều năm xa quê, Hà có thể nghe được tiếng Việt nhưng việc trả lời các câu hỏi của điều tra viên gặp rất khó do khả năng ngôn ngữ và tư duy có khiếm khuyết của mình. Hà lúc nhớ, lúc quên. Một câu hỏi có khi điều tra phải diễn đạt nhiều lần và thật chậm.

Quá trình trao đổi, Hà nói rằng nhà của Hà ở gần một nhà thờ, ngày còn nhỏ vẫn thường được mẹ đưa đến làm lễ. Từ thông tin vừa hé lộ, các trinh sát đã không quản vất vả, tìm đến từng nhà thờ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ rà soát, nhưng không có kết quả.

Nạn nhân Hà Thị Chiến đoàn tụ trong vòng tay thương yêu của gia đình

Những ngày sau đó, các trinh sát khéo léo nói chuyện để khơi gợi lại ký ức của Hà. Qua trao đổi, Hà cho biết chị bị lừa bán sang Trung Quốc từ nhiều năm nay. Cùng về với Hà trong lần này còn có một người phụ nữ Việt Nam... Trên đường đi, họ bị lực lượng Biên phòng phát hiện. Sau khi tạm giữ và tiến hành cách ly theo quy định, Hà được cán bộ Biên phòng mua vé ô tô về Phú Thọ còn cô gái đi cùng thì được gia đình đón về.

Trên đường đi, chiếc xe dừng lại ăn cơm, Hà lớ ngớ đã lên nhầm xe khách rồi được đưa vào tỉnh Quảng Nam... Khi Hà lang thang ở bến xe đã được Trung tâm công tác xã hội của tỉnh Quảng Nam đón về.

Dữ liệu đầu tiên rà soát không có kết quả, Đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người lại tiếp tục xác minh các thông tin khác. Họ tìm đến địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La) và huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) là nơi có đông người dân tộc Thái sinh sống để rà soát, bởi theo lời khai của Hà thì cô ta là người dân tộc Thái. Nhưng một lần nữa kết quả thu được không như mong đợi.

Tại các địa danh trên, không có ai tên Hà, có cha và mẹ như lời kể của cô gái đang ở Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Nam... Không nản lòng, những ngày sau đó, các trinh sát và điều tra viên được giao nhiệm vụ vẫn tỉ mỉ nói chuyện với Hà.

Quá trình trao đổi, họ khéo léo gợi nhắc Hà nhớ đến cái tên làng, tên xã và các địa danh mà cô đã từng nghe qua. Sau nhiều ngày hỏi chuyện, Hà nhắc đến đèo Mương, một địa danh của xã Thu Ngạc và nói rằng Hà là người dân tộc Thái.

Với thông tin này, Đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người lại băng rừng, vượt suối, tìm vào những nơi có người dân tộc Thái sinh sống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và mở rộng sang cả các địa bàn giáp ranh là Yên Bái và Sơn La.

NỖ LỰC TỪ NHỮNG TIA HY VỌNG NHỎ NHOI

Quá trình tiếp xúc với Hà, một câu hỏi đặt ra đối với Đại úy Nguyễn Trung Giáp, cán bộ được giao nhiệm vụ truy tìm tung tích của cô gái tên Hà. Nếu ở Thu Ngạc thì chủ yếu là người Mường, phải chăng Hà là người Mường...

Suy nghĩ là vậy, anh sử dụng tiếng Mường để trao đổi với Hà. Những tia hy vọng nhen nhóm dâng lên, niềm vui lan tỏa trong lòng người cán bộ trinh sát khi Hà hiểu và trả lời được những câu hỏi bằng tiếng Mường của anh.

Sau đó, Đại úy Giáp nhờ một người cao tuổi, thông thuộc tiếng Mường nói chuyện với Hà. Trong quá trình đó, anh đặt ra những câu hỏi để người này hỏi Hà bằng tiếng Mường. Sau đó thì đến từng ngõ, gõ từng nhà để truy tìm tung tích của Hà.

Khi vào khu Còn 1, xã Thu Ngạc, họ được một số người trong làng cho biết khoảng những năm 1990, gia đình ông Hà Văn Hoạt (SN 1952) và bà Hoàng Thị Liểng (SN 1950, ở khu Còn 1, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn) có con gái là Hà Thị Chiến rời khỏi địa phương.

Công an tỉnh Phú Thọ quên góp tiền ủng hộ gia đình chị Hà Thị Chiến

Ngay lập tức, các trinh sát lại tìm đến nhà của ông Hoạt, bà Liếng hỏi thông tin về Hà. Nhưng không chỉ người tuổi cao, mắt kém mà các con của ông Hoạt cũng khẳng định rằng cô gái trong ảnh không phải là em gái mất tích của họ.

Trong lúc này, Đội chống tệ nạn xã hội và mua bán người lại nảy ra một ý tưởng khác. Quãng thời gian Hà bị bán ra nước ngoài đã lâu, vẻ bề ngoài của nạn nhân đã thay đổi rất nhiều, vì thế phải làm ngược lại cho Hà nhận diện lại ông Hoạt và bà Liếng....

Và sự vất vả của cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã được đền đáp một cách xứng đáng. Khi nhìn thấy tấm ảnh của ông Hoạt, Hà bật khóc nức nở rồi ngọng nghịu: Bố Hà, bố Hà!

Để đảm bảo khách quan, trinh sát tiếp tục hỏi Hà về đặc điểm của ông Hoạt. Qua trao đổi, Hà cho biết bố bị hỏng một bên chân, đi đâu cũng phải chống gậy. Qua xác minh tại địa phương xác định ông Hoạt bị thọt chân từ nhiều năm nay, việc đi lại rất khó khăn. Từ những chi tiết này, tổ công tác khẳng định Hà chính là Hà Thị Chiến, cô gái đã mất tích trước đó nhiều năm. Khi Đại úy Giáp cho Hà nói chuyện với ông Hoạt và các chị em trong gia đình thì tất cả mừng rơi nước mắt khi nhận ra nhau... Kết thúc hành trình gần một tháng ròng rã trèo đèo lội suối lần theo manh mối thông tin của Công an tỉnh Phú Thọ.

Đến lúc này, chị Chiến mới kể lại lý do vì sao cô mang tên là Hà. Theo chia sẻ của chị thì cách đây nhiều năm, bị một người phụ nữ ở cùng bản, lừa bán sang Trung Quốc cho một người phụ nữ tên là Dung. Dung và gã chồng hờ đổi tên Chiến thành Đinh Thị Bích Hà, nhập quốc tịch Trung Quốc rồi yêu cầu cô phải sử dụng tên này...

Dưới cái tên là Hà, Chiến bắt đầu một cuộc sống tủi nhục, sống mà không bằng chết. Ban đầu, cô phải phục vụ tình cảm cho một gia đình người đàn ông Trung Quốc với nhiều thế hệ. Sau đó, bị bắt phải tiếp khách mua dâm... Một vài lần, Chiến đã bỏ trốn khỏi các ổ chứa. Nhưng đất khách, quê người, lại không thông thạo ngoại ngữ nên cô chỉ trốn được 2 ngày thì bị bắt lại. Mỗi lần như vậy, Chiến bị các đối tượng đánh đập như thời trung cổ. Những vết sẹo ở chân và ở vùng ngực của Chiến bây giờ là do bị các đối tượng dùng dao chém và dùng thuốc lá dí vào người.

Trong sự đau khổ tột cùng cả về thể xác và tinh thần, người phụ nữ ấy vẫn luôn đau đáu được trở về quê hương, gặp lại bố mẹ và những người thân trong gia đình....

Lần này, Chiến cùng cô gái có cùng cảnh ngộ đã trốn thoát ra bên ngoài và được một người Trung Quốc tốt bụng, cho đi nhờ qua đò để về nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang