(CAO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định 43/2020/NĐ-CP về việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Theo đó, từ 15/4/2020, trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau 10 phút mà người bị thi hành án chưa chết thì tạm dừng thi hành án.
Theo Nghị định này, quy trình thực hiện tiêm thuốc gồm: cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện các bước: chuẩn bị đủ 3 liều thuốc (trong đó có 2 liều dự phòng); Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm. Trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch, sau đó đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo quy trình.
Thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình gồm thuốc làm mất tri giác; thuốc làm liệt hệ vận động; thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Một liều thuốc gồm 3 loại thuốc dùng cho 1 người, sau khi tiêm thuốc làm mất tri giác, tiêm thuốc làm liệt hệ vận động, bước cuối cùng sẽ tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
Trường hợp sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng. Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ 3 sau 10 phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng thi hành án.
Trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình gồm giường nằm có các đai dùng để cố định người bị thi hành án; Máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; Máy kiểm tra nhịp đập của tim; Màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án; Các dụng cụ và trang thiết bị khác phục vụ cho thi hành án.
Các Trại giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình phải tổ chức cho người bị thi hành án tử hình ăn, uống (được hưởng bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày lễ, Tết quy định đối với người bị tạm giam), viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng; bàn giao cho gia đình thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tài sản, tiền mà người bị thi hành án tử hình gửi lại trong thời gian bị giam giữ (nếu có); bàn giao hồ sơ của người bị thi hành án tử hình theo quy định.
Trại tạm giam có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện và nơi làm việc theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình đồng thời bàn giao người bị thi hành án tử hình cho Đội thi hành án tử hình theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình.
Về chế độ, chính sách đối với người tham gia thi hành án tử hình, Nghị định quy định, người tham gia Đội thi hành án tử hình được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng 3 lần mức lương cơ sở khi thi hành án tử hình đối với 1 người và nghỉ dưỡng 10 ngày theo quy định chung về chế độ nghỉ dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ CAND, QĐND.
Người tham gia Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ quản giáo, người ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, phiên dịch, thực hiện lăn tay người bị thi hành án tử hình, khâm liệm, mai táng tử thi được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng một lần mức lương cơ sở khi thi hành án tử hình đối với 1 người.