MẶN SẼ TẤN CÔNG NGAY DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN
Báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện lưu vực sông Mê Kông đang ở thời kỳ đầu mùa khô năm 2020 - 2021. Năm 2020, khu vực thượng nguồn Trung Quốc thiếu hụt tổng lượng mưa so với trung bình nhiều năm khoảng 10% - 20%, các hồ thủy điện Trung Quốc tích và xả nước cầm chừng, không xả tràn, lượng xả nước mùa khô 2020 - 2021 dự báo trên dưới 1.000m3/s. Mưa hạ lưu vực đã giảm, dự báo dòng chảy về đồng bằng giảm, mặn có xu hướng tăng dần trong tháng 12-2020 và các tháng đầu mùa khô. Nguồn nước mùa khô năm nay về vùng ĐBSCL thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm, chỉ tương đương với các năm có hạn mặn lịch sử 2015 - 2016 hoặc 2019 - 2020.
Trước thực tế buồn trên, cơ quan chức năng dự báo, hạn mặn ở khu vực này tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, dự báo từ ngày 6 đến 16-2-2021 (tức 25 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu) mặn 4g/lít có thể xâm nhập sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 50 - 95km trên sông Vàm Cỏ...
Thông tin trên làm các địa phương "đỉnh" vùng hạn mặn lo lắng trước thiệt hại kinh hoàng mà địa phương gặp phải. Ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau - cho biết, mùa khô năm 2015 - 2016 làm thiệt hại gần 53.000ha lúa, 158.000ha nuôi trồng thủy sản, 1.500ha cây ăn quả và cây trồng khác; sụp, lún, lở đất, hư hỏng 112km đường giao thông, hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt...
Hạn mặn măa khĩ 2019 - 2020, cc tuyến kânh ở Cđ Mau đều cạn
Mùa khô năm 2019 - 2020 thiệt hại trên 20.000ha lúa, hoa màu; hơn 16.000ha nuôi trồng thủy sản, gần 21.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trên 43.000ha rừng ở mức báo động cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); 18 công trình thủy lợi bị hỏng (xói bản đáy cống thủy lợi) dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn vùng ngọt vào nội đồng; hơn 1.300 điểm thuộc các tuyến đường giao thông sạt lở, sụt lún tổng chiều dài trên 42km (lộ bê-tông khoảng 50%), trong đó tuyến đường do cấp tỉnh quản lý có 10 điểm sụt lún, có 2 điểm sụt lún làm sụp hoàn toàn mặt đê biển Tây đoạn Đá Bạc - Kênh Mới với chiều dài 240m và gần 2km đã xuất hiện vết nứt sụt lún từ 6 - 12cm ở đoạn Hương Mai - Tiều Dừa...
Thống kê của Bộ NN&PTNT, mùa khô 2019 - 2020, 10/13 địa phương vùng ĐBSCL thiệt hại nặng nề do hạn mặn. Nhiều nơi, các tổ chức, cá nhân hoạt động xã hội đã hỗ trợ nước sạch cho bà con bị ảnh hưởng. Hạn mặn năm 2019 - 2020 kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp, hạn mặn gây thiệt hại 43.000ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở ĐBSCL ứng phó.
3 KỊCH BẢN ỨNG PHÓ VỚI HẠN MẶN
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, vùng ven biển ĐBSCL, bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, dự báo năm 2021 là năm hạn mặn cao, chủ động các biện pháp tích trữ nước ngay từ bây giờ khi nguồn chưa bị ảnh hưởng mặn đồng thời chủ động tích trữ nước bảo vệ các vườn cây trái và nước sinh hoạt để giảm thiểu thiệt hại. Hiện các địa phương đã triển khai biện pháp ứng phó với "3 kịch bản" của hạn mặn (ít gay gắt, gay gắt tương đương và gay gắt hơn mùa khô năm 2019 - 2020) với phương châm "hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân"...
Công an tỉnh Bến Tre mang nước ngọt hỗ trợ người dân vùng hạn mặn
Nhiều địa phương chọn kịch bản 2 gay gắt tương đương mùa khô năm 2019 - 2020 để ứng phó. Bộ NN&PTNT dự kiến có thể xảy ra 2 kịch bản: kịch bản 1: hạn mặn làm ảnh hưởng khoảng 85.000ha lúa, 50.000ha cây ăn quả; kịch bản 2: hạn mặn khả năng ảnh hưởng khoảng 97.000ha lúa, 82.000ha cây ăn quả. Cùng với đó, hạn mặn có khả năng làm hơn 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt.
Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 với 3 kịch bản. Bạc Liêu chủ động giảm thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, theo đó diện tích sản xuất lúa Đông Xuân của Bạc Liêu sẽ giảm 3.400ha ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt. Trong trường hợp khẩn cấp, toàn tỉnh sẽ tiến hành đắp hệ thống 380 đập tạm để tổ chức bơm chuyền trữ nước ngọt cho vụ lúa Đông Xuân, dự kiến đầu tháng 3-2021.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu - cho biết: "Về đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, hiện ngành nông nghiệp và các ngành, địa phương tiếp tục huy động vốn xây các trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn để cấp nước sạch cho người dân đồng thời hạn chế tình trạng khoan giếng tự phát, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm. Tỉnh sẽ vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới vào cuối tháng 1-2021 để điều tiết nước phục vụ sản xuất, đồng thời phối hợp tốt với tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối và hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, tôm...) trong toàn khu vực liên tỉnh".
Đồng ruộng nứt nẻ, lúa chết vào mùa hạn mặn
Theo ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, tháng 10-2020 sở đã hoàn thành kịch bản ứng phó với hạn mặn. Thời điểm này, sở phối hợp với các địa phương xác định khả năng thực tế về cung cấp nước cho sản xuất những vùng vừa xảy ra hạn hán. Từ đó, sở tiếp tục điều chỉnh phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước hiện có đảm bảo sản xuất đến khi thu hoạch; phối hợp với các ban ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình cống đập, kênh mương để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố; liên tục cập nhật diễn biến hạn hán, nguồn nước để hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh trong điều kiện hạn hán... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo, các địa phương nên chủ động biện pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ; vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về; đồng thời tăng cường giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với diễn biến nguồn nước.
Việc tăng cường các giải pháp tích nước vào hệ thống kênh, mương, ao, các dụng cụ trữ khác ngay từ bây giờ đến ngày 7-2-2021 sẽ hạn chế thiệt hại đợt hạn mặn tăng cao do ảnh hưởng của giảm xả nước hồ chứa phía thượng lưu. Các địa phương chủ động bố trí sản xuất hợp lý, hạn chế sản xuất ở vùng có nguy cơ cao đã bị ảnh hưởng trong năm 2020, chủ động biện pháp trữ nước phục vụ sản xuất, bảo vệ các vườn cây và cấp nước sinh hoạt...
Để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 36, chỉ đạo các ban ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn... Mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xóm, ấp, làng, xã, huyện, tỉnh cần chủ động có giải pháp phù hợp để dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ. Hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước...
Trong buổi làm việc với các địa phương ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn mặn mùa khô 2020 - 2021 tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Bằng mọi cách, chúng ta phải bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân, không để tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra".