Đầu tư siêu lợi nhuận: 1 tỷ, sau 10 ngày lãi 1 triệu mỹ kim (!)
Gia đình có khu đất rộng nên sau khi bán, bà Phạm Thị (SN 1953, ngụ H.Củ Chi) thu về nhiều tỷ đồng. Là chỗ thân tình nên thỉnh thoảng bà Thị có tâm sự với Lâm Thị Thảo (SN 1963, ngụ Q3) việc sẽ dùng tiền hùm hạp kinh doanh hay đầu tư để phát sinh lợi nhuận, nhưng hiện tại vẫn chưa biết làm gì và không biết đầu tư vào đâu. Thấy vậy, Thảo hé lộ quen nhóm bạn "có chức quyền, được Nhà nước giao khai thác kho báu trị giá nhiều triệu Mỹ kim", nếu bà Thị muốn tham gia thì để Thảo thăm dò nhóm này xem sao.
Ngày 19-4-2021, bà Thị đang ở nhà thì nhận được điện thoại của Thảo, hối thúc bà đón xe bus xuống ngay khu mũi tàu ở đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) để dắt đi gặp mối làm ăn lớn. Gặp nhau, Thảo đưa bà Thị đến căn nhà trên đường Nguyễn Đức Thuận (P13Q.Tân Bình).
Các đối tượng Tiến, Tuyết và Tâm Em bị tạm giam
Tại đây, bà Thị gặp 1 người đàn ông trung niên, tự giới thiệu là "cán bộ, quen biết lớn với bên chính phủ”, được giao khai thác kho báu cổ của quốc gia trị giá cả tỷ đô-la. "Quan chức" này là Lê Văn Tiến (SN 1970, thường trú Hà Nội, tạm trú Q.Tân Bình, TPHCM). Theo lời Tiến thì trong kho báu có nhiều tiền cổ, các đồ vật quý hiếm, đô-la Mỹ...
Để minh chứng cho những điều mình nói, Tiến mở điện thoại cho bà Thị xem các hình ảnh về tiền cổ, cổ vật quý hiếm đã khai thác được và cho biết, việc khai thác đã đi vào giai đoạn cuối nên nếu bà Thị chịu tham gia góp vốn đầu tư thì sau 10 ngày sẽ được chia lợi nhuận 1 triệu đô-la và còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi lâu dài của chính phủ. Thảo ngồi kế bên, thỉnh thoảng cũng nhấn nhá cho biết mình đã đến xem khu vực khai thác kho báu rồi, quả thật rất giá trị.
Được Thảo xác thực, lại xem qua những hình ảnh quá mãn nhãn, bà Thị rất hưng phấn với việc sẽ góp vốn đầu tư khai thác và mơ về nguồn lợi nhuận kếch xù mình thu được trong tương lai. Tuy nhiên, vì Thảo gọi đi gấp nên bà không mang theo tiền.
Sáng 21-4-2021, Thảo chở bà Thị sang nhà người quen ở Bình Dương lấy 500 triệu đồng rồi đem thẳng xuống nhà Tiến để góp vốn. Tại đây, ngoài Tiến còn một số đàn ông và phụ nữ khác, tất cả đều xưng danh là "cán bộ nhà nước, nhà đầu tư cùng góp vốn kinh doanh với Tiến". Sau khi nhận tiền, Tiến động viên rằng nếu bà Thị đầu tư thêm 1 tỷ nữa thì sẽ được chia số lợi nhuận nhiều hơn. Thế là hôm sau, Thảo lại đến nhà chở người phụ nữ này ra ngân hàng rút 1 tỷ đồng mang đến nhà góp cho Tiến. Cũng như hôm trước, "quan chức và nhà đầu tư” cũng có mặt đầy đủ, hào hứng làm chứng việc góp vốn của cổ đông mới đã được Tiến biến hóa thành giấy vay tiền của Tiến với bà Thị.
Đổi lại, Tiến đưa cho bà Thị xấp đô - la, mỗi tờ có mệnh giá 1.000.000 USD (100 tờ = 100 tiệu USD) để làm... bảo chứng. Bà Thị đón nhận số "bảo vật" này với tâm trạng phấn khích...
Vạch trần màn kịch lừa đảo
Thấy nhà đầu tư vẫn còn tiềm năng khai thác tiếp, Tiến tiếp tục kêu gọi bà Thị góp vốn thêm 2 tỷ đồng nữa thì lợi nhuận thu về sẽ kếch xù hơn. Vì số tiền kêu gọi góp vốn lần này quá lớn, bà Thị không tự quyết định được nên hẹn Tiến gặp chồng con mình để bàn bạc kỹ hơn. Từ đây, vở kịch với đa vai diễn được sắp đặt trước nhằm dẫn dụ nhà đầu tư sập bẫy.
Các đối tượng liên quan
Điểm hẹn gặp chồng con bà Thị được Tiến ấn định tại một nhà hàng sang trọng ở quận 1, TPHCM. Bà Thị đi cùng chồng và hai con trai, trong đó có anh Trương Mạnh Đ. Còn Tiến đến cùng Tống Thị Thanh Thủy (SN 1965, quê Đắk Nông, ngụ cùng nhà với Tiến tại Q.Tân Bình), Diện và Lộc. Trong bữa tiệc, Tiến giới thiệu Lộc là "cán bộ chính phủ”, qua tuần sẽ ra Hà Nội bàn kỹ hơn về lộ trình khai thác tiếp theo của kho báu; Lộc sống ở đảo ngọc Phú Quốc, rất giàu có, đã góp nhiều tiền mặt và vàng vào dự án khai thác kho báu. Tất nhiên, để kêu gọi được nhiều nguồn vốn, các "diễn viên" cố trổ tài thuyết phục bằng nhiều cách khác nhau. Kẻ tâng, người bốc, câu chuyện cứ thế xoay vòng lôi cuốn khiến nhà đầu tư như lạc vào mê cung siêu lợi nhuận...
Về phần anh Đ., sau 2 ngày được chủ đầu tư hối thúc việc góp vốn, nhận thấy "có gì đó sai sai" nên bí mật làm cuộc thử nghiệm để vạch rõ trắng đen bằng việc hẹn gặp, góp vốn đầu tư thêm 1 tỷ đồng nữa. Điểm hẹn của hai bên là quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo (Q5). Tại đây, sau khi nhận của anh Đ. 1 tỷ đồng, Tiến đưa ra hộp gỗ chứa nhiều tờ giấy tiền cổ làm bảo chứng, với cả nhóm "quan chức và nhà đầu tư” cùng có mặt. Giữa lúc hai bên chưa kịp cất tiền và "bảo vật" thì cán bộ chiến sĩ Đội Phòng chống tội phạm theo tuyến và địa bàn (Đội 4) - Phòng CSHS đã ập vào bắt quả tang, vạch trần màn kịch lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng.
Trước bằng chứng quả tang, qua đấu tranh, nhóm tội phạm khai nhận: Tiến và Nguyễn Thị Tuyết (SN 1971, quê Thanh Hóa) quen biết rồi thuê phòng sống với nhau từ tháng 10-2020. Cùng không nghề nghiệp, lại muốn sống an nhàn nên Tiến bàn với Tuyết và một số bạn bè xã hội gồm Nguyễn Tâm Em (SN 1980, quê Bến Tre, tạm trú Q.Tân Bình), Lâm Thị Thảo và Tống Thị Thanh Thủy tìm kế kiếm tiền. Từ đây, nhóm này dựng lên kịch bản giả là cán bộ, quen biết tướng lĩnh và nhiều quan chức, được Chính phủ giao khai thác kho báu cổ rồi tìm người có tiền kêu gọi đầu tư để chiếm đoạt tiền của họ.
Số tiền giả các đối tượng dùng để lừa bà Thị
Để thực hiện hành vi, chúng phân công vai trò cho từng thành viên và chuẩn bị sẵn "đạo cụ” cần thiết nhằm tạo sự thuyết phục với "con mồi". Theo đó, Tâm Em đưa sẵn cho Tiến xấp đô-la giả có mệnh giá 1 tờ là 1.000.000 USD và 1 hộp gỗ bên trong có 10.000 tờ giấy giống tiền cổ. Để cho giống thật, Tiến còn lưu sẵn vào điện thoại nhiều hình ảnh cổ vật, tiền cổ, Mỹ kim, việc tiếp theo là tìm "con mồi" có tiền để dẫn dụ lừa đảo. Chợt nhớ người thân của mình là bà Thị vừa bán đất có nhiều tiền, Thảo báo cho cả nhóm biết và thực hiện các màn của vở kịch lừa đảo đoạt tiền nhà đầu tư như trên.
Về số tiền chiếm đoạt được của bà Thị, nhóm đối tượng khai: Tiến đưa cho Tâm Em 1 tỷ đồng, vợ chồng Tiến - Tuyết giữ lại 400 triệu và đưa cho Lộc 100 triệu. Giữ vai trò giúp sức tích cực nhưng Thảo chỉ được chia 10 triệu đồng, còn Thủy được Tiến cho tiền mua đồ ăn và bao khoản thuê nhà trọ.
Với vai trò cung cấp tiền giả để đồng bọn trong nhóm hành nghề, Lã Huy Trường (SN 1982, ngụ Q.Bình Tân) được Tâm Em chia cho 520 triệu đồng. Vì nguồn tiền giả này Trường lấy qua Ngô Kim Tuyến (SN 1972, ngụ Q12) nên Trường chia lại cho Tuyến 150 triệu.
Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM đã tạm giam Tiến, Tuyết, Tâm Em về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và đang củng cố hồ sơ, tiếp tục điều tra xử lý đúng người, đúng tội với 4 đối tượng còn lại là Thảo, Trường, Thủy, Tuyến. Hiện Phòng CSHS đã thu giữ nhiều tang vật quan trọng.
Ai từng là nạn nhân của băng nhóm lừa đảo này có thể liên lạc cung cấp thông tin cho Đội 4 - Phòng CSHS (số 459 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q1), ĐT: 0693187200.