Phạt hơn 30 năm tù với 2 'đối tác' của nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga

Thứ Ba, 20/09/2016 00:08

|

(CAO) Sau 5 ngày xét xử và nghị án, chiều 19-9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án vụ Lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (gọi tắt là Công ty HAIC).

Theo đó, Tòa tuyên phạt 2 bị cáo: Nguyễn Văn Tuẫn (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc HAIC) 18 năm tù và Bùi Mạnh Hà (nguyên Kế toán trưởng HAIC) 13 năm tù về cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài 2 bị cáo, dính líu đến hành vi phạm tội của Tuẫn cùng đồng phạm còn có bà Châu Thị Thu Nga, nguyên Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, do bà Nga đang bị cơ quan tố tụng xem xét ở một hành vi tội phạm khác nên chỉ tham dự phiên tòa với tư cách người liên quan.

Theo cáo trạng, năm 2008, HAIC và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư. Tháng 7-2008, HAIC có tờ trình gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng 20.000 m2 đất tại khu B5 thị trấn Cầu Diễn để lập, thực hiện dự án Khu chung cư và biệt thự nhà vườn, kèm theo tờ trình hợp tác đầu tư với Housing group.

Từ năm 2008 đến năm 2011, mặc dù Dự án B5 Cầu Diễn chưa được cấp phép xây dựng, thiết kế nhà ở chưa được phê duyệt nhưng Nguyễn Văn Tuẫn đã chỉ đạo và cùng Bùi Mạnh Hà tổ chức huy động vốn của khách hàng có nhu cầu mua nhà để thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn, thu tổng số tiền hơn 263 tỷ đồng, đem sử dụng vào mục đích khác.

Hậu quả là Dự án B5 Cầu Diễn chưa được triển khai, số tiền huy động vốn đầu tư ra ngoài Công ty khó có khả năng thu hồi. Công ty HAIC không có khả năng trả số tiền là hơn 88 tỷ đồng cho 84 khách hàng có đơn xin rút vốn.

Tại phiên tòa, sau quá trình thẩm vấn và tranh tụng, Hội đồng xét xử đã quyết định đổi tội danh xét xử 2 bị cáo từ “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” chuyển sang tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, bản án sơ thẩm cũng quyết định các công ty, cá nhân liên quan có trách nhiệm thanh toán những khoản còn nợ cho HAIC.

Cụ thể, Công ty Xây dựng Trường Giang có nghĩa vụ trả lại số tiền 97 tỷ đồng hợp đồng mua thép và trả lại 55 tỷ đồng do HAIC chi góp vốn vào Dự án khu biệt thự nhà vườn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội (Dự án đang bị rà soát, phân loại, điều chỉnh quy hoạch).

Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Thiên An có trách nhiệm trả lại số tiền vay 7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Đức (ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) trả lại 5,3 tỷ đồng (HAIC chi mua đất). Như vậy, tổng số tiền mà HAIC có thể thu hồi là hơn 160 tỷ đồng.

Xác định việc huy động vốn là trái pháp luật, Tòa cấp sơ thẩm còn tuyên buộc HAIC có nghĩa vụ hoàn trả cho khách hàng số tiền gốc đã nộp. Tòa cũng xét đây là giao dịch dân sự trái pháp luật, nên các khách hàng không được tính lãi từ số tiền gốc do HAIC huy động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang