Bẫy kiếm tiền nhanh giao dịch vàng trực tuyến

Thứ Tư, 28/08/2024 14:26

|

(CATP) Trong thời gian gần đây, nhiều người đã bị lừa đảo khi tham gia các sàn đầu tư tài chính và sàn vàng online, mất cả gia tài chỉ trong thời gian ngắn. Các đối tượng lừa đảo sử dụng những chiêu trò tinh vi nhắm vào tâm lý hám lợi nhuận nhanh của nhà đầu tư.

Liên tiếp nhiều nạn nhân sập bẫy

Trường hợp điển hình là bà N. (SN 1981, ngụ Hà Nội) vừa làm đơn trình báo Công an H.Đan Phượng về việc bị chiếm đoạt tài sản khi tham gia sàn giao dịch đầu tư tài chính online. Trước đó, bà N. được mời tham gia một sàn giao dịch tài chính thông qua những cuộc gọi từ các đối tượng lừa đảo. Với lợi nhuận được các đối tượng hứa hẹn lên đến 20 - 30%, chỉ trong vài tuần, bà N. đã bị thuyết phục bởi những lời cam kết kiếm tiền nhanh chóng rồi nạp gần 800 triệu đồng vào hệ thống.

Ban đầu, sàn giao dịch hiển thị lợi nhuận đúng như cam kết, cho phép bà N. rút một khoản tiền nhỏ để tạo niềm tin. Tuy nhiên, khi bà N. muốn rút toàn bộ số tiền thì hệ thống lại báo lỗi liên tục, không cho phép rút. Sau nhiều lần liên lạc với các đối tượng hỗ trợ bất thành, bà N. nhận ra mình đã sập bẫy lừa, không thể lấy lại được tiền nên cầu cứu cơ quan chức năng.

Một đối tượng đang phân tích xu hướng để dụ phóng viên đầu tư vào sàn vàng

Một nạn nhân khác là ông P. (SN 1979, ngụ TPHCM) tham gia vào nhóm giao dịch vàng, dầu, cổ phiếu... trên mạng xã hội Facebook. Sau khi vào nhóm, ông P. được một nhóm "chuyên gia" rủ rê, mời chào giao dịch sàn vàng trực tuyến với lời hứa hẹn lợi nhuận lên tới 15%/tháng. Các đối tượng cũng tạo niềm tin để ông P. rút tiền lời sau khi nạp 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ông này tiếp tục đầu tư thêm 2 tỷ đồng và yêu cầu rút tiền thì bị phía quản lý sàn buộc phải nạp thêm phí phát sinh dựa trên lợi nhuận có được. Tin tưởng, bị mê hoặc bởi số lãi quá lớn, ông P. tiếp tục nạp thêm tiền rồi mất toàn bộ số tiền khi nhóm "chuyên gia" cắt đứt mọi liên hệ và xóa tài khoản.

Một ví dụ khác về sự tinh vi, gian xảo của các đối tượng lừa đảo là vụ chị T. (ngụ Hà Nội). Nạn nhân này đã mất tới 24 tỷ đồng khi đầu tư vàng qua ứng dụng giả mạo IG. Ban đầu, chị T. được các đối tượng tiếp cận qua mạng xã hội Facebook với lời hứa hẹn về lợi nhuận cao từ việc đầu tư vàng trực tuyến. Sau khi nạp khoản tiền lớn, chị T. được mời tham gia các gói đầu tư "Vip" để nhận thêm ưu đãi. Lúc chị T. yêu cầu rút tiền thì bị các đối tượng dụ dỗ nạp thêm 4 tỷ đồng để "kích hoạt tính năng rút tiền nhanh". Tin tưởng vào lời giải thích đó, chị T. tiếp tục nạp thêm tiền. Cuối cùng tất cả số tiền đầu tư của chị này bị các đối tượng chiếm đoạt, còn tài khoản của chị thì bị khóa. Đến lúc này, chị T. chỉ còn cách làm đơn tố giác vụ việc đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP.Hà Nội.

Hiện đang có nhiều người khác vì hám lãi suất cao và nhanh chóng cũng rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Ngày 26/8/2024, phóng viên nhận cuộc gọi từ số ĐT: 0911.5... mời tham gia nhóm trên ứng dụng Zalo về đầu tư vàng, dầu, cổ phiếu. Người gọi xưng tên Thùy, nói giọng nữ rất nhanh và lưu loát theo "kịch bản" có sẵn: "Dạ em thấy số điện thoại của mình có quan tâm đến việc đầu tư. Em có một số tài liệu đầu tư vàng, dầu, cổ phiếu muốn gửi anh tham khảo và mời anh tham gia nhóm gồm các "chuyên gia" trên thị trường để nhận tín hiệu giao dịch mỗi ngày. Em xin được phép kết bạn qua Zalo để gửi anh tài liệu tham khảo...". Khi được hỏi, Thùy nói đang làm việc cho "sàn giao dịch F...RY" có trụ sở tại nước Anh.

Trước đó, hàng loạt tin nhắn khác cũng được gửi đến qua mạng xã hội Facebook với mục tiêu lừa đảo, dụ dỗ đăng ký tham gia, nạp tiền đầu tư khi phóng viên bấm nút tham gia một số hội, nhóm chuyên về giao dịch vàng, cổ phiếu ảo trên mạng như "Forex - Đầu tư”, "Đầu tư tài chính Forex - Gold - Crypto", "Forex - Đầu tư thông minh", "Forex - Trader có tâm"...

Bảng lợi nhuận được các đối tượng đưa ra để dụ dỗ người dân tham gia

Kiềm chế lòng tham để tránh bị lừa qua mạng

Lực lượng chức năng đã nhiều lần cảnh báo về các rủi ro từ những sàn giao dịch tài chính trực tuyến và sàn vàng online giả mạo. Dù vậy, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều nạn nhân tiếp tục sập bẫy vì thiếu kiến thức và nổi lòng tham về lợi nhuận cao, nhanh chóng.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian gần đây có nhiều người dân nhận được lời mời đầu tư vàng online với lãi suất vô cùng hấp dẫn, lên đến 10 - 15%/tháng hay 100 - 200%/năm. Lợi dụng sự lan tỏa của mạng xã hội, các đối tượng lập ra những hội, nhóm, giới thiệu mình là "chuyên gia" nhằm dụ dỗ người dân bỏ tiền vào đầu tư. Các đối tượng lừa đảo sẽ giăng nhiều "bẫy" để lừa người dân đầu tư, thậm chí còn mở các phòng họp trực tuyến để hướng dẫn, thực chất là vẽ vời dối trá về cách đầu tư và tiềm năng lợi nhuận mà hình thức đầu tư vào các sàn vàng đem lại.

Theo Cục An toàn thông tin, dù chiêu trò lừa đảo của các đối tượng không mới nhưng rất tinh vi nên nhiều người dùng mạng xã hội vẫn bị lừa. Đối tượng lập các sàn giao dịch, website giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên "telesale" gọi điện chào mời nhà đầu tư tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua các ứng dụng Zalo, Telegram...

Ai nhẹ dạ, hám lợi cao sẽ dễ sập bẫy lừa qua mạng

Để tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo này, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thận trọng trước những lời mời chào tham gia đầu tư qua mạng. Trước khi quyết định đầu tư, hãy tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của sàn giao dịch, kiểm tra thông tin từ những nguồn đáng tin cậy, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài chính uy tín. Ngoài ra, người dân cần lưu ý không nên dễ dàng tin tưởng vào những con số lợi nhuận khổng lồ được hứa hẹn thu được trong thời gian ngắn. Các khoản lợi nhuận không tưởng thường đi kèm với rủi ro tiềm ẩn rất lớn. Nếu người dân có bất kỳ nghi ngờ nào về các hoạt động mời chào đầu tư qua mạng thì nên liên hệ với cơ quan chức năng để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin, trong năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại khoảng 390.000 tỷ đồng. Trong đó, có 91% liên quan đến lĩnh vực tài chính (tăng gần 65% so với năm 2022), tỉ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Các chuyên gia tại Hội thảo về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức vào tháng 5/2024 nhận định: Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo qua mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Nạn nhân mà tội phạm lừa đảo qua mạng nhắm tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp... để thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính (Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an), các đối tượng lừa đảo trực tuyến hoạt động có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng "kịch bản" chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Cầm đầu các đường dây này thường là người nước ngoài, thành lập công ty bình phong để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng (Lào, Campuchia, Myanmar...) để hoạt động phạm tội tại Việt Nam. Trong năm 2023, các đơn vị đã đấu tranh, khởi tố hơn 1.500 vụ án, với hơn 500 đối tượng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, răn đe, trấn áp các loại tội phạm lừa đảo qua không gian mạng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang