(CATP) Từ Kết luận thanh tra (KLTT) số 22 ngày 15/12/2022, UBND TPHCM đã chỉ đạo Thanh tra thành phố (TTTP) tiếp tục thanh tra việc “quản lý, sử dụng vốn ngân sách tại các dự án (DA) đầu tư xây dựng” trên địa bàn H.Cần Giờ. Ngày 04/8/2023, Chánh TTTP đã ký Quyết định (QĐ) thanh tra số 209/QĐ-TTTP-P3. Căn cứ hồ sơ tài liệu đã thu thập được, báo cáo kết quả thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, giải trình của đối tượng thanh tra, ngày 11/10/2024, Chánh TTTP đã ký KLTT số 385/KL-TTTP-P3 (KLTT số 385), chỉ ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng tại nhiều DA…
TỪ ĐIỆP KHÚC “CHẬM”
Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình, nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực H.Cần Giờ (viết tắt là “Ban QLDA Cần Giờ”) được thành lập theo QĐ số 11/2009/QĐ-UBND ngày 30/6/2009 của UBND H.Cần Giờ. Ban này có nhiệm vụ làm chủ đầu tư một số DA và thực hiện chức năng khác theo yêu cầu của UBND H.Cần Giờ.
Trong giai đoạn từ năm 2018-2022, Ban QLDA Cần Giờ đã đề xuất và được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công tại 251 DA với tổng số vốn được giao hơn 5.531,5 tỷ đồng; đã thực hiện giải ngân hơn 5.360,7 tỷ, đạt 96,9% kế hoạch vốn. Trong số 251 DA, có 22 DA do sở, ngành QĐ đầu tư; 229 DA do UBND H.Cần Giờ QĐ đầu tư và 3 DA chưa có QĐ đầu tư.

Một đoạn hệ thống đê bao sông Hà Thanh
Trong 251 DA, có 90 DA bố trí vốn kéo dài (29 DA nhóm B đã quá 4 năm và 61 DA nhóm C đã quá 3 năm, vi phạm khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công 2019. Điển hình trong số này là DA xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh, H.Cần Giờ (hiện đang thực hiện dở dang). Đây là DA nhóm B, thời gian bố trí vốn thực hiện dưới 4 năm nhưng kéo dài đã hơn 5 năm (2017-2023). DA đã được Kiểm toán Nhà nước Khu vực IV kiểm toán có kết luận ngày 20/01/2022, kiến nghị giảm thanh toán, giảm giá trị hợp đồng hơn 26,8 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến DA kéo dài đã được TTTP chỉ ra: Do không có mặt bằng (?!). Bên cạnh đó, ranh giới đất DA theo bản vẽ hiện trạng không “khớp” với ranh đăng ký thu hồi đất đã được UBND TP phê duyệt (đến năm 2020 mới được khắc phục), vi phạm Điều 12 Luật Đất đai 2013 và Điều 51 Luật Xây dựng 2014.
Về bồi thường, hỗ trợ: Đến năm 2023, chi phí bồi thường, hỗ trợ đã hơn 239,4 tỷ đồng (tạm tính), tăng hơn 7,2 lần so với dự toán đã được phê duyệt năm 2017 (32,834 tỷ). Nguyên nhân chính do Ban QLDA Cần Giờ “quên” điều tra, khảo sát, thống kê việc sử dụng đất, công trình trên đất bị ảnh hưởng DA, mà chỉ căn cứ theo tài liệu địa chính 2003-2005, dẫn đến sai lệch lớn số liệu diện tích đất đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ. Cụ thể: Tại thời điểm phê duyệt DA năm 2017 chỉ có 33.345m2/134.031,8m2 đất được bồi thường, hỗ trợ và không có tái định cư; thời điểm kiểm kê thực tế năm 2023, diện tích đất đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ lên đến 83.070m2 và 7 hộ dân đủ điều kiện bố trí tái định cư.
ĐẾN NHÀ THẦU “SIÊU TỐC”
Về lựa chọn nhà thầu: TTTP đã chọn mẫu 4/15 gói thầu của DA để kiểm tra, gồm: gói thầu số 1 “xây lắp”, gói thầu số 12 “tư vấn giám sát thi công xây lắp” và hai gói thầu (số 7 và 8) “tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu” cho gói thầu số 1 và số 12. Tất cả đều có các sai sót, vi phạm.
Cụ thể, nhà thầu thực hiện hai gói thầu số 7 và 8 là Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng Trần Lê C.O (Công ty Trần Lê) bằng hình thức “chỉ định” với giá trị trúng thầu hơn 136,45 triệu đồng và 15,87 triệu. Thật không thể tin, với hàng loạt công việc từ tư vấn, thẩm định, phê duyệt, cho đến nghiệm thu, bàn giao hồ sơ mời thầu, Công ty Trần Lê làm “siêu tốc”, chỉ trong một ngày (07/02/2018) là xong! Càng khó tin hơn, quyết định số 63/QĐ-SNN “phê duyệt thiết kế và dự toán xây dựng công trình hệ thống đê bao sông Hà Thanh” cũng được Sở NN&PTNT ban hành đúng vào ngày 07/02/2018 (?!).

Sông Hà Thanh đoạn gần cầu Hà Thanh
Từ kết quả thanh tra liên quan đến gói thầu số 1 DA xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh giá trị hơn 190 tỷ đồng, TTTP nhận thấy có nhiều dấu hiệu vi phạm mang tính cố ý. Từ đó, Chánh TTTP kiến nghị Chủ tịch UBND TP giao TTTP chuyển thông tin nội dung về dấu hiệu “Gian lận trong đấu thầu” và “Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” đến Công an TPHCM để xem xét, xử lý theo Điều 222 và theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 theo quy định.
Ngoài ra, DA này còn có gói thầu số 12 “Tư vấn giám sát thi công xây lắp” với giá trị gói thầu là 2,421 tỷ đồng, được thực hiện đấu thầu rộng rãi. Công ty Trần Lê được “chỉ định” làm đơn vị tư vấn lập và đánh giá hồ sơ mời thầu, dự thầu.
Có 3 đơn vị nộp hồ sơ nhưng chỉ 1 nhà thầu đáp ứng. Do chỉ “một mình một ngựa”, không ai cạnh tranh nên nhà thầu đã trúng thầu với giá 2,377 tỷ đồng. Theo TTTP, tiết kiệm qua đấu thầu mang lại so với chi phí để tổ chức đấu thầu không đáng kể.
(Còn tiếp...)
(CATP) Từ năm 2022 đến 2024, Thanh tra Thành phố (TTTP) đã tiến hành hai cuộc thanh tra tại H.Cần Giờ liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là việc "quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) tại các dự án (DA) đầu tư xây dựng" trên địa bàn huyện. Hàng loạt sai sót, vi phạm đã được TTTP chỉ ra tại hai Kết luận thanh tra (KLTT), trong đó có DA "ngốn" hàng trăm tỷ đồng, lộ rõ dấu hiệu hình sự, đề nghị chuyển Cơ quan điều tra…