Quyết tâm chặt đứt các đường dây ma túy xuyên quốc gia

Thứ Sáu, 15/03/2024 09:18  | Thanh Hòa

|

(CATP) Từ nhiều năm nay, một trong những chiến lược chủ yếu trong công tác PCMT của Chính phủ, của Bộ Công an là tập trung chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát, bắt giữ được toàn bộ đường dây, tổ chức tội phạm.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Tình hình tội phạm ma túy (TPMT) cả thế giới và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đường dây ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam cũng ngày càng nhiều. Cùng với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại ma túy tổng hợp (MTTH), chất hướng thần có xu hướng gia tăng ở hầu hết các quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ khó kiểm soát.

Nguyên nhân làm gia tăng TPMT xuyên quốc gia là do vị trí địa lý, nhu cầu trong nước, siêu lợi nhuận từ việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy cùng với những chính sách thông thoáng trong cấp thị thực và hải quan khiến các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia và quốc tế tiếp tục hoạt động mạnh nhằm biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ, trung chuyển ma túy.

Tang vật trong một vụ án ma túy

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của những "ông trùm" này vẫn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cùng nhiều phương thức mới, đặc biệt lợi dụng triệt để thành tựu của công nghệ 4.0 nhằm đơn giản hóa, gián tiếp hóa việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường núp bóng danh nghĩa hoạt động kinh doanh để chỉ đạo mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Chúng triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 trong khâu liên lạc, vận chuyển và thanh toán tiền. Các đối tượng sử dụng máy chủ đặt ở nước ngoài, có tính bảo mật cao như Cipher, Viber, Telegram, Whatsap, Signal... và sử dụng số điện thoại ở nước ngoài kết nối toàn cầu để liên lạc trao mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Đồng thời, lợi dụng các công ty Logistis, công ty dịch vụ vận chuyển, chuyển phát để vận chuyển ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, chúng sử dụng "xe ôm công nghệ", dịch vụ chuyển phát sau đó giao cho các đầu mối tiêu thụ hoặc cất giấu vào hàng hóa để vận chuyển đi nước thứ ba.

Để đối phó với cơ quan chức năng, TPMT còn lợi dụng công nghệ Smartbanking, Western Union... và các tài khoản ngân hàng rác (mua trên mạng của các hội nhóm) để thanh toán tiền hàng cho nhau. Đơn cử như quá trình điều tra chuyên án 103H mới đây về đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam đi Đài Loan (Trung Quốc), do "ông trùm" Liêu Chí Hoài cầm đầu, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an phát hiện,các đối tượng thành lập công ty sản xuất thuốc Covid-19, nhưng mục đích là thử nghiệm sản xuất ma túy (Ketamine, Methamphetamine..) tại Phnôm Pênh, Lào.

Liêu Chí Hoài

Sau khi sản xuất thành công, chúng dùng hóa chất để tạo chất phủ mà không có loại máy móc soi chiếu hay chó nghiệp vụ nào có thể phát hiện ra, nhằm qua mặt lực lượng chức năng trong quá trình vận chuyển, sau đó cho thêm hóa chất hoặc sử dụng phản ứng hóa học để trở lại chất ma túy ban đầu trước khi tiêu thụ. Thế nhưng sau 9 ngày nghiên cứu, giám định, Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an đã bóc trần thủ đoạn tinh vi này.

Vũ Hoàng Oanh

Quyết tâm bóc gỡ toàn bộ đường dây

Trong thời gian qua, Cục C04 đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các đơn vị địa phương và lực lượng chuyên trách PCMT đấu tranh thành công nhiều chuyên án mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài.

Điển hình như Chuyên án 322D đấu tranh với tổ chức TPMT từ nước ngoài về Tây Ninh đi TPHCM tiêu thụ do Nguyễn Văn Thơm (36 tuổi, là đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trốn nợ sang nước ngoài, bị Công an tỉnh Đồng Nai truy nã) cầm đầu. Sau khi hàng loạt đàn em bị bắt giữ cùng lượng ma túy lớn, dù ở nước ngoài nhưng "ông trùm" này thấy động đã nhanh chóng thay đổi số điện thoại, chuyển sang nơi ở mới, thiết lập đường dây mới để tiếp tục vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau thời gian dài trinh sát, ngày 24/6/2022, Cục C04 phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại nước ngoài và lực lượng chức năng nước bạn bắt được Thơm khi đang lẩn trốn ở khu vực biên giới.

Hay như Chuyên án 822T bắt "bà trùm" ma túy khét tiếng có 7 tiền án, tiền sự, bị Interpol phát lệnh truy nã "đỏ” là Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh Hà, chị gái của Dung Hà, bị trùm "xã hội đen" Năm Cam sai đàn em bắn chết vì tranh giành lãnh địa) khi tuồn 1,6 tấn ma túy từ khu vực Tam giác vàng về TPHCM và Hải Phòng tiêu thụ. Cục C04 phối hợp với Công an TPHCM và đơn vị chức năng cũng phá Chuyên án 922-T đấu tranh với đường dây ma túy lớn từ Campuchia về TPHCM tiêu thụ do Nguyễn Thị Tiên (36 tuổi, ngụ TPHCM) và Ek Sopheak (40 tuổi, quốc tịch Campuchia) cầm đầu. Riêng số ma túy tang vật thu giữ tại một căn chung cư ở Diamond Riverside do Tiên thuê là 57kg ma túy đá, 40 bánh heroin...

Theo dự báo của Cục C04, Bộ Công an, trong thời gian tới, TPMT nói chung và TPMT hoạt động xuyên quốc gia, quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trong đó, các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam vẫn là tuyến trọng điểm phức tạp về ma túy. Tuyến hàng không, bưu điện tiềm ẩn nhiều phức tạp. Các đường dây ma túy quốc tế tiếp tục chọn tuyến đường biển để vận chuyển "hàng" với số lượng ngày càng lớn, tới hàng tấn mỗi chuyến như đường dây của "ông trùm" Liêu Chí Hoài vận chuyển 1,3 tấn Ketamine, ngụy trang trong 100 tấn xi măng từ cảng Hải Phòng đi Đài Loan (Trung Quốc) bị phát hiện mới đây. Bên cạnh đó, xu hướng tội phạm lợi dụng các chuyến bay quá cảnh tại Việt Nam để vận chuyển trái phép chất ma túy, nhất là vận chuyển cocain từ Nam Mỹ và các quốc gia Châu Phi về Việt Nam. Mục đích của bọn chúng là tạo đường đi lòng vòng qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm đối phó với hoạt động điều tra, theo dõi và bắt giữ của cơ quan chức năng.

Thời gian tới, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy sẽ tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 06 của Ban Chấp hành TW Đảng và Thông tư 60/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định về công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Trong đó, với quan điểm là phòng ngừa và ngăn chặn TPMT từ xa, từ sớm, từ nơi xuất phát; chủ động nắm tình hình, thu thập tài liệu, xác lập chuyên án và đấu tranh, điều tra xử lý TPMT với phương châm "không bắt khúc giữa", bắt cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển ma túy.

Lực lượng Công an cũng sẽ tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quản lý người nước ngoài thuê, mua địa điểm... liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu tại Việt Nam; rà soát lên danh sách, nắm tình hình và tổ chức các biện pháp xác minh hoạt động nghi vấn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà kho, nhà xưởng sản xuất có liên quan đến người nước ngoài. Qua đó, CSĐT tội phạm về ma túy chủ động phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót không để TPMT lợi dụng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia.

Bình luận (0)

Lên đầu trang