Tan hoang rừng phòng hộ La Ngà

Thứ Hai, 28/11/2016 11:29  | Hải Văn - Ngọc Huy

|

(CAO) Ngoài nhiều sai phạm trong sử dụng ngân sách, chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục mét khối gỗ quý tại rừng phòng hộ (RPH) La Ngà (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) bị triệt hạ, khiến người dân lẫn cán bộ bức xúc. Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh đã ra quyết định khởi tố vụ án, công an và các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc điều tra.

“NƯỚC MẮT” RỪNG PHÒNG HỘ

Huyện Tánh Linh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 67 ngàn héc-ta, gồm 90 tiểu khu được giao cho 13 đơn vị quản lý, trong đó có Ban quản lý (BQL) RPH La Ngà. Nhiều nhân viên bảo vệ rừng và người dân ở xã Đa Mi cho biết, từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2016, RPH La Ngà xảy ra nhiều vụ phá rừng, nhiều vụ vận chuyển gỗ có dấu hiệu bất thường.

Ông Phạm Thanh Huy - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh - cho biết: “Chín tháng đầu năm 2016, toàn huyện xảy ra 104 vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 5 vụ so với năm 2015. Riêng tại RPH La Ngà và nhất là tại Trạm bảo vệ rừng Đa Mi, nạn phá rừng lại gia tăng. Tại RPH La Ngà có 20 vụ vi phạm; đến tháng 9-2016, số vụ vi phạm tại BQL này là 37 vụ, tăng 17 vụ”.

Một cán bộ bảo vệ rừng Đa Mi cho biết: “Ngày 17-9-2015, đội cơ động của RPH La Ngà bắt giữ 4 lóng gỗ tròn, 2 phách gỗ trai hộp, khối lượng khoảng 1,5m3 do lâm tặc khai thác. Số gỗ này được đưa về Trạm bảo vệ rừng La Ngâu, nhưng trạm không lập biên bản xử lý, 2 ngày sau thì chở đi tiêu thụ. Lúc đến địa bàn xã Đức Tân (huyện Đức Linh), số gỗ trên bị CAH Tánh Linh bắt giữ”.

Những thớ gỗ khai thác trái phép từ rừng phòng hộ La Ngà 

Dịp Tết Nguyên đán 2016, tại tiểu khu 332, giáp ranh với huyện Hàm Thuận Bắc thuộc RPH La Ngà, 4 cây gỗ sao thuộc nhóm II bị các đối tượng cưa hạ trái phép. Ngày 3-4-2016, nhân viên trạm Đai Mi phát hiện 3 cây gỗ sao khác bị cưa hạ. Ngày 25-4-2016, tổ kiểm tra trạm Đa Mi phát hiện tại tiểu khu 337 có 2 cây gõ thuộc nhóm II bị cưa hạ. Khoảng cuối tháng 6-2016, tại tiểu khu 337, trạm Đa Mi phát hiện 13 phách gỗ sao bị chặt phá, ngày 11-7-2016 phát hiện 1 cây bằng lăng thuộc nhóm III bị thiệt hại tại tiểu khu 336A...

Ngày 9-8-2016, Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh có báo cáo xác định rừng tại khu vực Đa Mi bị tàn phá nghiêm trọng, chủ yếu là gỗ sao. Từ tháng 12-2015 đến tháng 4-2016, tại các tiểu khu 332B, 333 thuộc rừng phòng hộ, tiểu khu 336A và 337 thuộc rừng sản xuất trong lâm phần RPH La Ngà bị khai thác 19 cây gỗ, tổng khối lượng 34,64m3.

Giải thích việc nhiều cây gỗ quý trong khu vực mình quản lý bị triệt hạ, ông Hồ Quang Đạo (nguyên trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Đa Mi) và ông Nguyễn Trọng Kiều (Trưởng BQL RPH La Ngà) cho biết, do lực lượng bảo vệ rừng mỏng, không được trang bị công cụ hỗ trợ nên rất khó quản lý và ngăn chặn nạn phá rừng...

CÓ HAY KHÔNG CÁN BỘ TIẾP TAY PHÁ RỪNG?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Đức Vinh - Phó chủ tịch UBND huyện Tánh Linh - cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện nhận được đơn thư của công dân phản ánh ông Đạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn khai thác gỗ trái phép. Huyện đã giao hạt kiểm lâm chủ trì, phối hợp với CAH và các ban, ngành liên quan xác minh, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm”.

Trong đơn gửi Báo CATP, một số cán bộ bảo vệ rừng ở huyện Tánh Linh phản ánh: “Ông Đạo lúc làm trạm trưởng bảo vệ rừng, lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, từ trước đến nay không kinh doanh gì, nhưng không hiểu sao lại có tiền mua xe hơi cả tỷ đồng. Người dân vào rừng cưa gỗ thì coi là “lâm tặc”, nếu bị phát hiện sẽ xử lý thích đáng, nhưng có một số cán bộ lợi dụng danh nghĩa bảo vệ rừng để phá rừng quy mô lớn, kéo dài mà không bị xử lý là không công bằng...”.

Về sự việc mà công dân phản ánh, báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Tánh Linh cho biết, lúc 2 giờ 30 ngày 4-5-2016, theo tin báo, tổ kiểm lâm địa bàn Tà Pao (xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh) phối hợp với tổ kiểm lâm cơ động kiểm tra tại khu vực nhà bảo vệ Nhà máy thủy điện Đa Mi, phát hiện ôtô 12 chỗ ngồi BS: 60K-4374 đang bốc gỗ. Khi phát hiện thì đã bốc lên xe 8 khúc, còn dưới đất 17 khúc gỗ sao nhóm II, khối lượng 4,1m3. Phát hiện có kiểm lâm, các đối tượng bỏ chạy, để lại toàn bộ tang vật và phương tiện.

Những cây cổ thụ trơ gốc vì nạn phá rừng ở rừng phòng hộ La Ngà

Khoảng 5 giờ cùng ngày, ông Đạo đến chỗ tổ công tác, đưa cho ông Nguyễn Văn Cường (Tổ trưởng Tổ kiểm lâm địa bàn Tà Pao) một tờ giấy, gọi đó là hợp đồng vận chuyển lâm sản. Ông Cường nhận thấy hợp đồng này không có giá trị pháp lý nên trả lại. Tổ công tác quyết định đưa toàn bộ tang vật, phương tiện về Hạt kiểm lâm huyện Tánh Linh lập hồ sơ xử lý.

Trong thời gian phối hợp với các ngành chức năng xác minh, xử lý vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh nhận được hai công văn của BQL RPH La Ngà về việc, cho ý kiến xử lý ôtô BS: 60K-4374 do Trạm bảo vệ rừng Đa Mi hợp đồng vận chuyển lâm sản và đơn xin giải quyết xe của ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, tự nhận là chủ xe). Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận đã mời lãnh đạo BQL RPH La Ngà, ông Đạo, ông Hưng vào ngày 26-7-2016 đến Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh để giải quyết. Tuy nhiên, lãnh đạo BQL RPH La Ngà cáo bận, ông Hưng vắng mặt không lý do.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đạo cho rằng việc một số người viết đơn phản ánh với Báo CATP nội dung như trên là không đúng sự thật. Chiều 3-4-2016, theo tin báo, ông và anh Trương Minh Tâm (nhân viên trạm) đi kiểm tra, phát hiện tại đập phụ lòng hồ thủy điện Đa Mi, tiểu khu 337 ở xã La Ngâu có 25 phách gỗ sao. Ông Đạo gọi điện cho ông Kiều xin ý kiến. Ông Kiều bảo thuê xe chuyển số gỗ trên về trạm, đo đếm cụ thể, lập hồ sơ nộp cho bộ phận pháp chế để xử lý.

Số gỗ bị chặt nằm la liệt 

Ông Đạo giải thích: “Để chở số gỗ trên, tôi thuê xe hiệu Toyota BS: 60K-4374 của anh Hưng. Tôi phân công anh Tâm làm hợp đồng. Anh Tâm và tôi điều khiển xe dừng trước cửa chốt bảo vệ nhà máy thủy điện, xin anh Công mở cửa, nhưng lúc này anh Công không trực tại chốt. Thấy cửa cổng bảo vệ không khóa, tôi mở cửa cho xe qua. Chở xong chuyến thứ nhất về trạm, đến chuyến thứ hai (cũng là chuyến cuối), chúng tôi đang bốc gỗ xuống thì anh Cường dẫn anh em đến kiểm tra, trên xe còn 7-8 phách chưa bốc xuống.

Lúc này quá nửa đêm, tôi ra gặp anh Cường trình bày rõ việc kiểm tra phát hiện 25 phách gỗ, gọi điện thoại xin ý kiến lãnh đạo tiến hành thu gom chở về trạm. Anh Cường bảo giữ nguyên hiện trường, đợi trời sáng rồi tính. Sáng ra anh Cường làm việc và tạm giữ hợp đồng vận chuyển giữa trạm với ông Hưng. Sau đó, anh Cường đưa cả gỗ lẫn xe thuê của anh Hưng về Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh. Không hiểu sao anh Cường cho rằng xe chúng tôi thuê là xe chở gỗ lậu nên lập biên bản vắng chủ?”.

Quang cảnh rừng phòng hộ La Ngà 

Ngoài ra, ông Đạo cung cấp cho phóng viên một số biên bản, kế hoạch kiểm tra rừng và hợp đồng thuê xe ông Hưng. Ai đúng, ai sai, hiện đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thực tế có nhiều điều không bình thường trong công tác quản lý, bảo vệ khu vực rừng nêu trên.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang