Sau khi thành lập công ty, Tĩnh đã chỉ đạo Như và Dương tổ chức các hội nghị, hội thảo, đưa ra thông tin không đúng sự thật về các loại hình đầu tư. Để huy động vốn, công ty tạo ra hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh phân chia lợi nhuận với ngành nghề bất động sản, du lịch, tư vấn thiết kế, thi công công trình, xuất nhập khẩu, kinh doanh mua bán ôtô, sản xuất công nghệ...
Thực chất công ty không có hoạt động sản xuất kinh doanh. Bản chất là hợp đồng huy động vốn không có tài sản đảm bảo để hưởng lãi suất kỳ hạn từ 6 - 72 tháng, lãi suất từ 3 - 5,1%/tháng (43,2%/năm). Khách hàng là nhà đầu tư còn được công ty hứa đối ứng cho sang tên 1 "sổ đỏ” giá trị bằng 45% mức đầu tư.
Để huy động được nhiều người tham gia nộp tiền, Quản Văn Dương, Nguyễn Thị Như liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại, kích cầu với các quà tặng giá trị như tặng vàng, tặng "sổ đỏ”, tặng ôtô, xe máy SH, điện thoại iPhone... đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Ngoài ra, các bị can còn tuyên truyền việc công ty sở hữu nhiều dự án bất động sản ở các vị trí đắc địa, thực chất đây là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép đầu tư dự án. Điển hình là việc công ty tổ chức sự kiện mở bán dự án phân lô tách nền và tuyên truyền là "đất vàng thương mại - du lịch - dịch vụ tổ hợp Hồng Vân" ở thôn Cẩm Cơ, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội. Muốn đầu tư, khách hàng phải đặt cọc 50 triệu đồng là "phiếu đặt cọc thiện chí”.
Theo kết luận điều tra, các bị can bàn bạc nhau để Nguyễn Văn Minh đi kiểm tra, thẩm định, tìm mua các bất động sản giá rẻ, đất nông nghiệp... để Minh đứng tên sổ đỏ, cung cấp thông tin về cho công ty nhằm dựng lên dự án, kêu gọi nhà đầu tư nộp tiền và tạo thuận lợi cho hoạt động công ty khi phân lô, bán nền, sang nhượng, ủy quyền cho nhà đầu tư khi có yêu cầu.
Nhằm phục vụ công việc, Tĩnh mua cho Minh máy flycam để chụp ảnh các thửa đất và gửi ảnh về công ty. Khi Minh khảo sát, chụp ảnh các thửa đất thì thấy UBND xã Hồng Vân đã cắm biển cảnh báo không có dự án nào tại khu đất trên. Nhưng khi chụp ảnh, Minh tránh chụp biển cảnh báo trên.
Theo Cơ quan điều tra, Minh biết rõ các thửa đất trên không được phép phân lô, bán nền như công ty quảng cáo, giới thiệu cho khách hàng. Tĩnh còn chỉ đạo các nhân viên chụp lại hình ảnh các cuốn sổ đỏ mới với mục đích quảng cáo, chứng minh đây là tài sản công ty.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 12/2021 - 6/2022, công ty thu hơn 439 tỷ đồng và sử dụng để tạm ứng, chuyển cho Vũ Đức Tĩnh, chi hoa hồng, chi lương... Với hành vi trên, Công an TP.Hà Nội đề nghị truy tố Vũ Đức Tĩnh và 5 bị can cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã ban hành kết luận bổ sung, đề nghị truy tố 6 bị can cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo kết luận, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bankland (Công ty Bankland) được thành lập sau chỉ đạo của Vũ Đức Tĩnh. Nguyễn Thị Như giữ chức Tổng Giám đốc, còn Quản Văn Dương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) doanh nghiệp này.
Bankland đã dùng thủ đoạn tổ chức các hội nghị, hội thảo, đưa ra thông tin không đúng sự thật về các loại hình đầu tư để kêu gọi góp vốn cùng kinh doanh như: bất động sản, du lịch, tư vấn thiết kế... Khi vụ án lừa đảo bị công an điều tra, cơ quan tố tụng xác định có 4.736 nhà đầu tư đã ký hợp đồng và nộp tổng số tiền 464 tỷ đồng cho Công ty Bankland.
Tại Cơ quan điều tra, Tĩnh và Như khai, Bankland bổ nhiệm nhiều Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc nhưng chỉ 3 người có vai trò chính trong hoạt động của doanh nghiệp gồm: Vũ Hồng Quân (37 tuổi), Đỗ Văn Cư (41 tuổi) và Nguyễn Văn Quyền (42 tuổi, đều trú ở Hà Nội). Quân, Cư và Quyền là những người thường xuyên được giao phát biểu tại các hội nghị, hội thảo khách hàng do Công ty Bankland tổ chức. Họ là những người được hưởng lương, thưởng cao hơn so với các cá nhân khác.
Cơ quan điều tra đã làm việc với 3 cá nhân trên để làm rõ vai trò trong Công ty Bankland. Theo đó, Quân và Cư khai chỉ được công ty trả lương với mức khoảng 30 - 60 triệu đồng/tháng và cũng chỉ được trả đủ trong 1 - 2 tháng đầu, sau đó Bankland trả lương không đều, không đủ. Số tiền được công ty trả đều được cả hai sử dụng vào việc đi thị trường và chi tiêu công việc khi được cử đi công tác nên cũng không được hưởng lợi gì. Ngoài ra, cả hai còn đầu tư 1 - 2 hợp đồng theo hình thức hợp tác đầu tư với Bankland (10 - 20 triệu đồng/hợp đồng).
Cơ quan điều tra đã yêu cầu Quân, Cư sao kê tài khoản để chứng minh số tiền Bankland chi trả nhưng cả hai không hợp tác, cung cấp. Do đó, cơ quan Công an đã yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê tài khoản của hai người này, song chưa có kết quả. Trong khi đó, Quyền cho biết, bản thân tham gia chia sẻ trực tiếp với nhà đầu tư về quy trình vận hành sàn bất động sản của Bankland, về các gói đầu tư, chính sách hợp tác, rồi mời họ tham gia đầu tư.
Quá trình làm việc tại Bankland, Quyền được trả lương 90 triệu đồng/tháng với chức Phó Tổng giám đốc, 110 triệu đồng/tháng chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT. Tổng số tiền lương, thưởng, Quyền được nhận khoảng gần 3 tỷ đồng và được tặng thưởng 1 xe ôtô Huyndai Santafe (trị giá khoảng 1,3 tỷ đồng). Quyền khai, tiền được nhận đã sử dụng, chi tiêu trong quá trình đi phát triển thị trường, chi cho đội nhóm trong việc tư vấn cho nhà đầu tư, chi thưởng cá nhân xuất sắc...
Về chiếc ôtô trên, Quyền đã bán hồi tháng 10/2022 để lấy kinh phí hỗ trợ cho đội nhóm do mình quản lý. Ngoài ra, Quyền có tham gia hợp tác đầu tư 10 triệu đồng và mua cổ phiếu BLI là 50 triệu đồng tại Bankland.