Dự án Phù Nam - Techo: Kênh đào gây tranh cãi (kỳ 1)

Thứ Hai, 27/05/2024 10:49

|

(CATP) Với hệ thống các đập thủy điện trên sông Mê Kông từ thượng nguồn, đã và đang biến Mê Kông thành "dòng sông chết". Nay với dự án kênh đào Phù Nam - Techo, không chỉ Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà hệ sinh thái dòng sông này trên đất Campuchia, đặc biệt là Biển Hồ Tonle Sap cũng bị tác động môi sinh rất nghiêm trọng.

Mê Kông bị bức tử

Mê Kông là con sông lớn nhất ở Đông Nam Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) sông chảy qua lãnh thổ 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đây là con sông dài thứ 12 thế giới, dài thứ 7 ở Châu Á, có tổng chiều dài 4.350km, tổng diện tích lưu vực 795.000km2.

Mê Kông chảy qua thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia, làm cho nơi này này có vị trí rất đặc biệt, nằm ở ngã tư sông. Tại đây, Mê Kông chảy về từ thượng nguồn giao với dòng Tonle Sap, kết nối Biển Hồ về hướng Tây Bắc. Biển Hồ là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, như trái tim về môi sinh của vương quốc này. Tonle Sap là sông duy nhất trên thế giới chảy theo hai hướng ngược nhau trong hai mùa mưa và khô. Vào mùa mưa, mực nước Mê Kông dâng cao, ngược dòng Tonle Sap chảy vào Biển Hồ. Mùa khô, mực nước sông Mê Kông xuống thấp, là lúc sông Tonle Sap đổi dòng, nước từ Biển Hồ lại bổ sung cho dòng Mê Kông xuôi về hạ lưu.

Cách Phnôm Pênh chừng 2 km, dòng Mê Kông lại rẽ làm đôi, chảy ra biển qua lãnh thổ Việt Nam. Dòng Mê Kông chảy qua ngã Tân Châu, phía Việt Nam gọi là sông Tiền, dòng Bassac qua ngã Châu Đốc còn gọi là sông Hậu. Kênh Phù Nam - Techo khởi đầu từ sông Bassac.

Nơi hội tụ 4 nhánh sông: (1) Mê Kông thượng, (2) sông Tonle Sap, (3) Mê Kông hạ/có tên là sông Tiền, (4) sông Bassac/sông Hậu khi chảy vào Việt Nam. Đường chỉ đỏ nối sông Bassac và tỉnh Kep là sơ đồ của con kênh Phù Nam - Techo sẽ khởi công vào năm 2024, hoàn tất năm 2028

Từ nhiều năm qua Trung Quốc, Thái Lan, Lào đã xây dựng nhiều đập thủy điện trên sông Mê Kông. Dữ liệu đập thủy điện trong vùng Mê Kông năm 2022 cho thấy có 103 đập trên các dòng chính. Ngoài ra còn có 16 đập thủy điện trên dòng chính đang đề xuất quy hoạch, 31 đập đang xây dựng và 56 đập đang hoạt động. Trung Quốc là nước có nhiều đập thủy điện lớn, tích trữ một lượng nước khổng lồ như Đập Nọa Trát Độ, con đập lớn nhất ở lưu vực sông Mê Kông, đã tích trữ khoảng 364 triệu mét khối nước; đập Hoàng Đăng tích trữ ước tính 428 triệu mét khối nước... Dự kiến giai đoạn 2040 - 2060, các đập thủy điện trên sông Mê Kông sẽ tích trữ 120 tỷ mét khối nước, sẽ càng làm cho sông Mê Kông ở hạ lưu cạn kiệt nước. Đặc biệt lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm kỷ lục, chỉ còn 5% so với thời điểm cao nhất.

Hậu quả của những đập thủy điện này tác động môi sinh rất lớn ở phía hạ nguồn lưu vực sông Mê Kông - ĐBSCL. Những năm gần đây, ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu nước, thiếu lũ, gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở...

Theo Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Mùa khô năm 2023 - 2024, khu vực ĐBSCL xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12/2023, sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 33 ngày. Từ tháng 4/2024 đến nay, diễn biến xâm nhập mặn vùng ven biển Tây biến động khó lường, có thời điểm độ mặn tại một số nơi đã tăng cao đột biến.

Chỉ với những đập thủy điện trên thượng nguồn, sông Mê Kông đang cạn dòng và đến năm 2060 có thể trở hành "dòng sông chết" ở hạ lưu. Nay Campuchia tiến hành dự án đào con kênh Phù Nam - Techo (Funan Techo) nối từ sông Bassac (mà phía Campuchia gọi là "sông nhánh") ra biển Tây, chắc chắn vùng hạ lưu càng thiếu nước, đe dọa môi sinh.

Tại Hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia diễn ra ở TP.Cần Thơ ngày 23/4 do Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức, các chuyên gia nhìn nhận, việc xây dựng kênh đào này sẽ có tác động đáng kể đến các quốc gia trong khu vực, nhất là với vùng ĐBSCL của Việt Nam nằm ở hạ nguồn sông Mê Kông.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, một chuyên gia về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL phát biểu: "Việc chuyển nước này liên quan đến dòng chính của sông Mê Kông, chứ không phải dòng nhánh hay phụ lưu gì cả, bởi nó lấy nước của cả sông Tiền, sông Hậu trước khi đến Việt Nam". Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, kênh Phù Nam - Techo không chỉ là kênh đường thủy mà còn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh mà con kênh đi qua, gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, khả năng sẽ lấy đi ít nhất 50% lượng nước sông Mê Kông vào mùa khô.

Vùng đồng bằng mà kênh này đi qua khác ĐBSCL, rất hút nước vì thổ nhưỡng khác ĐBSCL, nhiều cát, rất hút nước. Do vậy mùa khô của ĐBSCL sẽ càng khắc nghiệt hơn, xâm nhập mặn vùng ven biển Tây biến động khó lường.

Cần dữ liệu để đánh giá tác động môi trường

Dự án kênh Phù Nam - Techo khởi động từ tháng 5/2023 thì đến ngày 17/10/2023 lễ ký kết chính thức cấp Chính phủ đã diễn ra ở Bắc Kinh, dưới quyền chủ tọa của tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet, cho phép Công ty Cầu Đường Trung Quốc/CRBC thực hiện nghiên cứu tính khả thi của dự án.

Dự án này tiến triển rất nhanh, trong khi đó Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen liên tục hối thúc đẩy nhanh tiến độ dự án, tiếp tục lên tiếng bảo vệ cho dự án.

Phát biểu tại buổi cơm thân mật của đại gia đình Oknha Campuchia (các gia đình được quốc vương phong tước hiệu) hôm 26/4, ông Hun Sen khẳng định dự án kênh đào Phù Nam không sử dụng toàn bộ nguồn nước từ sông Mê Kông, mà chỉ sử dụng nhánh (phụ lưu) của con sông này. Ông Hun Sen cho rằng kênh đào Phù Nam sẽ giúp Campuchia "có mũi để thở" trong ngành vận tải đường thủy, giúp hàng hóa của Campuchia không phải nộp thêm phí và quá cảnh Việt Nam nữa. Ông cho biết sẽ không đàm phán với bất kỳ bên nào khác, đặc biệt là Việt Nam, vì lợi ích của Campuchia.

Ngày 16/5, ông Hun Sen lại phát biểu: "Tôi khuyên các nhà lãnh đạo Chính phủ không nên mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ về vấn đề này. Dự án nên khởi động càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ Chính phủ nên tổ chức lễ động thổ". "Chúng ta phải trở nên độc lập trong lĩnh vực giao thông vận tải và điều này vượt xa sự phát triển kinh tế xã hội đơn thuần", cựu Thủ tướng Campuchia nói thêm.

Ông Hun Sen cho biết kênh Phù Nam - Techo sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cho hàng hóa của Campuchia bằng cách giảm chi phí vận chuyển, đồng thời kênh đào này cũng sẽ đóng vai trò là hệ thống thủy lợi ở phía tây nam Campuchia; giúp tăng sản lượng cá và nuôi cá, đặc biệt giúp giảm lũ cho khu vực này. Ngoài ra, kênh đào này cũng sẽ đóng góp cho du lịch và người dân sẽ được hưởng lợi từ dự án này.

Trong cuộc họp báo ngày 6/5, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol cho biết lưu lượng nước qua kênh đào Phù Nam Techo dự kiến là 5m3/s, tương đương 0,053% lưu lượng sông Mê Kông. Con kênh sẽ được sử dụng để tưới tiêu trên đất liền (sản xuất nông nghiệp) và đánh bắt cá. Tuyến đường ngắn hơn của kênh đào ra biển dành cho sà lan và tàu đến Phnôm Pênh chở hàng dệt may và nguyên liệu thô, điều này sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Chanthol cho biết thêm, Campuchia đã thực hiện trách nhiệm theo Hiệp định Mê Kông năm 1995 bằng việc thông báo dự án kênh đào Phù Nam - Techo cho Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) vào tháng 8/2023.

Thông tin này chính xác nhưng Campuchia mới chỉ trình lên MRC một thông báo về dự án này vào ngày 08/8/2023. Thông báo chỉ gồm những thông tin cơ bản, không cung cấp đầy đủ chức năng của kênh đào. Đây là lý do Việt Nam cũng như MRC đã yêu cầu phía Campuchia cung cấp thêm chi tiết về dự án, đặc biệt là kết quả đánh giá tác động môi trường.

Trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào chiều 09/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, những thông tin liên quan kênh đào Phù Nam - Techo mà Việt Nam có được cho đến thời điểm này chưa đủ để có thể đánh giá cụ thể về mức độ tác động của dự án. "Vì vậy, chúng tôi mong muốn phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong MRC chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án, tiến hành đánh giá chi tiết tác động môi trường của dự án với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mê Kông", bà Hằng nói.

Dự án kênh Phù Nam - Techo tiến triển rất nhanh

Ngày 19/05/2023, hai tháng trước khi rời chức Thủ tướng, ông Hun Sen đã chủ trì một buổi họp nội các đưa ra quyết định về "Dự án Đường thủy Tonlé Bassac và Hệ thống hậu cần", hay còn gọi là kênh Phù Nam - Techo. Dự án được Quốc hội Campuchia thông qua. Ngày 07/06/2023, Chính phủ Campuchia thành lập Ủy Ban liên bộ để triển khai dự án Kênh đào Phù Nam - Techo.

Ngày 08/08/2023, Chính phủ Campuchia gửi tới Ban Thư ký MRC thông báo về dự án này, cho rằng việc xây dựng kênh Phù Nam - Techo chỉ "trên nhánh sông Mê Kông", thực tế khác, nó ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy chính của sông Mê Kông.

Bản đồ so sánh hai tuyến vận tải đường thủy từ Phnôm Pênh ra Biển Đông qua ĐBSCL Việt Nam và đường thủy qua kênh Phù Nam - Techo vòng qua Mũi Cà Mau vào Vịnh Thái Lan - xa hơn gấp đôi

Kênh có chiều dài 180 km, nối các cảng biển của Campuchia ở phía tây nam với sông Mê Kông, tạo ra tuyến đường thủy hai làn đường, tàu có trọng tải 3.000 tấn có thể lưu thông, vào mùa mưa tàu hơn 5.000 tấn, sà lan 1.000 tấn lưu thông được. Kênh qua các khu vực trọng điểm như Kadal, Takeo và Kampot, Kep, có khoảng 1,6 triệu người sống ở hai bên bờ, tới cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville.

Dự án cần kinh phí lên đến 1,7 tỷ USD và mất khoảng 4 năm để hoàn thành. Chính phủ Campuchia khẳng định "không vay tiền từ Bắc Kinh để xây dựng kênh đào" và nhấn mạnh rằng nhà phát triển Trung Quốc sẽ chịu rủi ro tài chính. Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ về thông tin này.

Dự án tiến triển rất nhanh, với sự hợp tác của các công ty Trung Quốc. Ngày 17/10/2023 lễ ký kết chính thức cấp Chính phủ đã diễn ra ở Bắc Kinh, dưới quyền chủ tọa của tân Thủ tướng Hun Manet, cho phép Công ty Cầu Đường Trung Quốc/CRBC thực hiện cuộc nghiên cứu tính khả thi dự án này, theo phương thức thực hiện dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) với Chính phủ Campuchia.

Dự kiến dự án này sẽ khởi công vào cuối năm 2024, sẽ hoàn tất và vận hành vào năm 2028.

Theo hợp đồng đã ký kết, phía công ty Trung Quốc có quyền quản lý độc quyền đối với kênh đào trong thời gian kéo dài từ 40 - 50 năm để thu hồi vốn đầu tư và có lãi. Sau thời gian này, quyền quản lý kênh đào sẽ được chuyển giao cho Campuchia.

(Còn tiếp...) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang