(CATP) Sáng 23/5, một số biến động liên quan đến giá vàng, vé máy bay, bất động sản... là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến trong Phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội.
Đấu thầu vàng hiện nay đang là "đấu thầu ngược"
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, trong khoảng 2 năm gần đây, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 15 - 20 triệu đồng mỗi lượng. Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, gây ảnh hưởng mạnh lên tỷ giá tự do và gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá chính thức. Tuy nhiên, theo ông Đồng, điều mà nhiều người băn khoăn là, thực chất nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và do đâu? Liệu có phải đây chủ yếu là do một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường?
Lo diễn biến thị trường vàng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (đoàn Quảng Ninh) bày tỏ sốt ruột khi Nghị định 24 về quản lý thị trường này vẫn chưa được sửa, dù được đề cập rất nhiều lần. Ông Thanh cho biết tới đây dự kiến Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên giải trình liên quan đến quản lý thị trường vàng.
Tại tổ TP.Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Nhà nước phải sớm có biện pháp đưa giá vàng trong nước về trạng thái bình ổn, ít nhất là phải tương đồng với thế giới. Về dài hạn, đại biểu Cường đề nghị sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bởi theo ông, quy định tại văn bản này chỉ còn hiệu quả trong giai đoạn trước đây nhưng hiện nay đang gây tác dụng ngược trong quản lý thị trường vàng. Theo ông Cường, khi giá vàng tăng cao sẽ tác động đến rất nhiều yếu tố, tâm lý của người dân sẽ ảnh hưởng. Người dân sẽ đổ xô đi mua, tích trữ vàng thay vì đem tiền đi đầu tư, gửi tiết kiệm hay sản xuất kinh doanh.
Các đại biểu thảo luận tại tổ
Đối với câu chuyện ứng phó linh hoạt hiện nay, ông Cường dẫn câu chuyện Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu vàng để tăng cung, nhằm giảm giá. "Nhưng thực tế ta có thể thấy cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng lên nhiều hơn", ông Cường nói. Nhìn nhận cơ chế đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay đang là "đấu thầu ngược", tức chính việc đấu thầu vàng của Nhà nước là tác nhân làm giá vàng tăng lên, ông Cường phân tích, Nhà nước đặt giá sàn cao hơn mức thị trường thì khi người tham gia đấu thầu trúng, người ta phải bán cao hơn mức mua vào, làm giá vàng tiếp tục tăng lên.
Bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ phải có giải pháp giải quyết tận gốc tình trạng giá vàng nhảy múa, biến động thời gian qua. "Dù có nguyên nhân khách quan nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có những thời điểm tăng rất lớn. Đây cũng là lý do khiến tình trạng buôn lậu vàng nhiều hơn. Cùng đó, dòng tiền không đưa vào sản xuất mà đưa vào vàng, vào đất", ông Thắng phân tích.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch nhiều, dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực đến việc ổn định kinh tế vĩ mô. "Nên chăng không còn độc quyền sản xuất vàng miếng nữa, mà nên mở rộng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời cho phép các doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu vàng", đại biểu Hòa kiến nghị.
Tình trạng thiếu giáo viên: Bao giờ giải quyết?
Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao nỗ lực từ các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nhất là Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri.Dù vậy, một số ĐBQH cũng băn khoăn về việc kiến nghị của cử tri gửi đến các bộ, ngành dù đã được tiếp thu, xem xét giải quyết nhưng trong thời gian dài vẫn chưa có kết quả, hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.
Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) cho biết, có một số kiến nghị của cử tri về tình trạng thiếu giáo viên nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; thực tế hiện nay thiếu giáo viên nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình, việc thiếu giáo viên so với định mức được giao ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy tại các trường học dẫn đến một số giáo viên phải giảng dạy trái chuyên môn... Đại biểu Chu Thị Hồng Thái kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu có giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Trả lời các ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, vừa qua Bộ đã có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này, trong đó có việc ký hợp đồng cho giáo viên. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, khó khăn do thiếu nguồn. Chẳng hạn, lương và thu nhập cho đối tượng giáo viên ký hợp đồng còn thấp, chưa động viên người lao động. Nhiều địa phương còn ngần ngại ký hợp đồng với giáo viên theo Nghị định 111.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đối với một số vấn đề trả lời kiến nghị cử tri mà cử tri chưa hài lòng, Bộ đang nghiên cứu và tiếp tục giải quyết.