(CATP) Ngày 11/11, Công an huyện Bình Chánh, TPHCM, cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các đối tượng: Lê Ngọc Diệp (tên thường gọi là Trâm, SN 1983, tạm trú xã Phong Phú, huyện Bình Chánh); Phạm Thị Kim Loan (SN 2003, quê Bình Dương); Phạm Văn Khánh Phi (SN 2006); Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 2003); Lê Thị Mỹ Tiên (SN 2007) và Trần Thị Diễm Hương (SN 2002, cùng ngụ huyện Bình Chánh) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bằng thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng để lừa người có nhu cầu vay tiền, chỉ trong thời gian ngắn, nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt của hàng chục nạn nhân thuộc nhiều tỉnh, thành với tổng số tiền khoảng 750 triệu đồng.
Cuộc tập kích bất ngờ
Trao đổi với PV Chuyên đề Công an TPHCM, Trung tá Lê Xuân Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an huyện Bình Chánh, cho biết: Trước đó qua tiếp nhận tin báo của một số nạn nhân, về việc bị các đối tượng tự xưng nhân viên ngân hàng, gọi điện tư vấn mời chào các gói vay tín dụng từ 10 triệu đến 150 triệu đồng rồi chiếm đoạt tiền "phí bảo hiểm", phí làm hồ sơ... Được sự chỉ đạo của Ban chỉ huy Công an huyện, qua công tác quản lý địa bàn và bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau nhiều ngày bí mật theo dõi, thu thập chứng cứ, Công an huyện Bình Chánh đã lần ra trụ sở hoạt động cũng như phương thức lừa đảo bằng công nghệ cao của nhóm đối tượng trên.
Phối hợp cùng lực lượng Công an xã, lúc 23 giờ 15 phút ngày 15/9/2024, Đội CSHS Công an huyện Bình Chánh bất ngờ kiểm tra hành chính tại căn hộ N1 đường số 12, KDC Phong Phú 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Tại thời điểm kiểm tra, trinh sát phát hiện tại căn phòng trên lầu một có 6 chiếc điện thoại bàn cùng nhiều hồ sơ tài liệu, hợp đồng vay vốn, danh sách thông tin cá nhân của các khách hàng thuộc nhiều tỉnh, thành... Qua khai thác nhanh, đối tượng Phạm Thị Kim Loan (tạm trú tại địa chỉ trên) thừa nhận cùng một số nhân viên khác làm thuê cho một người phụ nữ tên Trâm. Nhiệm vụ của nhóm này là sử dụng dữ liệu khách hàng cùng kịch bản do Trâm chuẩn bị trước để liên hệ với những người có nhu cầu vay vốn, gọi điện tư vấn rồi yêu cầu "nạn nhân" chuyển các khoản tiền bảo hiểm, phí hồ sơ... thì mới "giải ngân" số tiền vay vốn được. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng sẽ kết thúc trao đổi, chiếm đoạt số tiền đã nhận được qua tài khoản ngân hàng.
Các đồng phạm bị bắt tạm giam
Đối tượng chủ mưu Lê Ngọc Diệp
Được triệu tập làm việc vào ngày hôm sau, biết sự việc đã bại lộ, đối tượng chủ mưu Lê Ngọc Diệp (tự Trâm) thú nhận: Do không có tiền tiêu xài nên từ cuối tháng 6/2024, Diệp lên mạng xã hội Telegram tham gia vào các hội, nhóm kinh doanh để tìm hiểu các hình thức kiếm tiền. Thông qua đây, Diệp tìm hiểu được hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc giả làm nhân viên ngân hàng gọi điện tư vấn cho những người có nhu cầu vay vốn, sau đó yêu cầu người vay chuyển các khoản tiền bảo hiểm, tiền bảo đảm khoản vay thì mới được giải ngân các khoản vay như đã tư vấn rồi chiếm đoạt số tiền nhận được. Thấy hình thức lừa đảo này dễ kiếm tiền, Diệp quyết định làm theo.
Để thực hiện kế hoạch lừa đảo trên, Diệp rủ thêm đồng bọn cùng tham gia. Đầu tháng 7/2024, Diệp thuê căn hộ B03.01 CC Lovera Visra Khang Điền, KDC Phong Phú 4, xã Phong Phú để hoạt động. Nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, đầu tháng 8/2024, Diệp trả nhà này rồi chuyển qua thuê tại địa chỉ N1 đường số 12, KDC Phong Phú 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Về công cụ, phương tiện hoạt động, Diệp mua 7 chiếc điện thoại bàn nhãn hiệu DELI và 2 điện thoại di động nhãn hiệu Xphone, đăng ký hòa mạng Viettel 7 số thuê bao, chuẩn bị sẵn kịch bản tư vấn cho khách hàng rồi thông qua Loan, hướng dẫn nhóm nhân viên gọi điện thoại tư vấn cho những người có nhu cầu vay tiền để lừa đảo chiếm đoạt số tiền gói bảo hiểm kèm theo.
Về nguồn dữ liệu cá nhân của bị hại, Diệp lên mạng xã hội Telegram tham gia vào nhóm chia sẻ data miễn phí. Khi thấy trong nhóm có ai chia sẻ data về danh sách thông tin khách hàng vay vốn của ngân hàng, công ty tài chính thì Diệp tải về máy lưu lại, nhằm mục đích lấy thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo...
Hàng chục nạn nhân "sập bẫy lừa"
Thực hiện theo chỉ đạo của Diệp và Loan, hàng ngày nhóm nhân viên đóng giả "cán bộ ngân hàng" gồm: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trần Thị Diễm Hương, Lê Thị Mỹ Tiên, Phạm Văn Khánh Phi, Sa Lê Da Mi Lah, Đỗ Thị Quyền Trân... sẽ dựa trên "kịch bản" soạn sẵn, số điện thoại cá nhân trong danh sách khách hàng để gọi điện tư vấn các khoản vay. Nếu khách có nhu cầu vay, nhân viên sẽ hỏi khách có đồng ý đóng bảo hiểm cho khoản vay không. Các khoản vay thường tư vấn cho khách gồm: Vay 10 triệu đồng phải đóng bảo hiểm 1.990.000 đồng; vay 20 triệu đồng, đóng bảo hiểm 2.580.000 đồng; vay 30 triệu đồng đóng bảo hiểm 3.080.000 đồng; vay 40 triệu đồng, bảo hiểm phải đóng 3.980.000 đồng; vay 100 triệu đồng, bảo hiểm phải đóng 4.580.000 đồng; vay 130 triệu đồng, bảo hiểm phải đóng 4.980.000 đồng và vay 150 triệu đồng, bảo hiểm phải đóng 5.280.000 đồng. Lãi suất tư vấn cho khách là 1%, thời gian trả góp trong vòng 12 đến 36 tháng.
Hồ sơ và tang vật bị thu giữ
Sau khi nhân viên tư vấn chốt được "con mồi", Phạm Thị Kim Loan sẽ đóng vai "cán bộ thẩm định", gọi điện cho khách hàng thông báo hồ sơ đã được duyệt. Đồng thời cho số tài khoản để nạn nhân chuyển tiền đóng bảo hiểm. Trường hợp khách hàng không có tài khoản ngân hàng để chuyển khoản, Loan sẽ hướng dẫn khách hàng chuyển tiền qua bưu điện, Điện Máy Xanh... Do bưu điện yêu cầu phải có hàng hóa thì mới cho thu tiền hộ nên Diệp đi mua các đồ gia dụng như: dây tai nghe điện thoại, bình siêu tốc... đem về nhà đóng gói, dán thông tin khách hàng rồi nhờ người thân đem ra bưu điện gửi đi với hình thức thu tiền hộ (Cod). Khách hàng không được xem hàng trước khi nhận. Khi khách hàng nhận hàng và trả tiền thu hộ, Diệp sai nhân viên trực tiếp đến bưu điện để lấy tiền mặt đem về cho mình.
Khi có khách hàng "khiếu nại" về việc đã chuyển khoản đóng "phí” từ 2 - 3 lần song vẫn chưa được giải ngân, Loan và nhân viên tư vấn sẽ đưa ra những lý do như: Thiếu điểm tín dụng, đóng tiền góp trước 2 tháng, hồ sơ ghi sai nội dung, đóng tiền chiết khấu 10%, phí làm hồ sơ... để hứa hẹn sau khi chuyển thêm tiền sẽ được giải ngân, mục đích để lừa khách hàng tiếp tục chuyển tiền thêm nhiều lần nữa. Thông thường, số tiền yêu cầu chuyển thêm sẽ giống với số tiền bảo hiểm tương ứng với khoản khách đã chọn vay từ 1.990.000 đồng đến 5.280.000 đồng. Tùy từng khách hàng mà nhân viên tư vấn yêu cầu số lần chuyển và số tiền sẽ khác nhau, cho đến khi nạn nhân nhận ra mình bị lừa nên không tiếp tục chuyển tiền nữa.
Để nhận tiền có được từ hoạt động lừa đảo, Diệp cùng Loan sử dụng các số tài khoản ngân hàng gồm: số tài khoản 216222149, (Ngân hàng MBBank) chủ tài khoản Lê Ngọc Trâm; số tài khoản: 2392944 (Ngân hàng ACB), chủ tài khoản Trần Minh Hoàng; số tài khoản: 31710000136091 (Ngân hàng BIDV), chủ tài khoản Nguyễn Thị Hường; số tài khoản 1026353502 (Ngân hàng Vietcombank), chủ tài khoản Phạm Thị Kim Loan; số tài khoản 1026712393 (Ngân hàng Vietcombank), chủ tài khoản Phạm Mạnh Hoàn và số tài khoản 06868682210206 (Ngân hàng MBBank), chủ tài khoản Phạm Văn Khánh Phi. Sau khi các bị hại chuyển tiền vào các số tài khoản, Diệp, Loan nhờ chủ tài khoản rút tiền mặt đưa lại và trả phí là 1%.
Sau mỗi ngày làm việc, Loan chịu trách nhiệm thống kê lại các trường hợp khách hàng bị lừa đảo theo từng nhân viên, rút tiền mặt từ các tài khoản do Loan quản lý (tài khoản của Loan, Hoàn và Phi) rồi giao lại cho Diệp. Dựa trên thống kê này, Diệp sẽ nhập dữ liệu vào máy tính để tại nhà riêng, đến cuối tháng tính lương, thưởng, hoa hồng cho nhân viên. Riêng các tài khoản Diệp quản lý (tài khoản của Hoàng, Hường và Trâm) thì khi có khách chuyển tiền, Diệp sẽ tự rút tiền mặt. Mỗi đầu tháng, Diệp sẽ tính lương để trả cho nhân viên. Tùy vào doanh thu của tháng mà Diệp có thể cho thêm tiền thưởng nhân viên...
Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh xác định có gần 100 nạn nhân thuộc nhiều tỉnh, thành bị đường dây lừa đảo này cho vào tròng bằng thủ đoạn trên. Người thiệt hại ít thì vài ba triệu, người bị nhiều lên đến 70 - 80 triệu đồng. Tổng số tiền mà nhóm này chiếm đoạt được ước khoảng 750 triệu đồng. Vụ án hiện đang được Công an huyện Bình Chánh tiếp tục mở rộng điều tra.