Trinh sát kể chuyện:

Trốn truy nã làm... trưởng công an xã

Thứ Hai, 22/06/2015 10:36  | An Hòa

|

(CATP) Một đối tượng sau khi trốn trại bị truy nã đã “đội lốt” em trai mình, dạt lên Tây nguyên rồi “leo cao” vào vị trí cán bộ cấp xã. 20 năm sau hắn mới bị bắt.

Đó là kẻ mà đại úy Trịnh Quốc Hồng (SN 1976, nguyên cán bộ Đội trinh sát, Trại giam An Phước, thuộc Cục Quản lý trại giam; hiện là cán bộ Văn phòng cảnh sát điều tra, Bộ Công an) không thể nào quên.

Từ thông tin ít ỏi

Ngày 1-7-2006, trung úy Hồng được cấp trên giao nhiệm vụ đi xác minh truy bắt phạm nhân trốn khỏi nơi giam từ năm 1994 trở về trước. Sau khi nhận nhiệm vụ, người sĩ quan công an tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ từng hồ sơ phạm nhân, lập kế hoạch truy bắt. Trong số đó có Ngô Thanh Tâm (SN 1955, ngụ Bình Định), bị bắt ngày 27-1-1984 với án phạt bốn năm, đã trốn khỏi Trại giam An Phước từ năm 1986.

Theo cáo trạng, cuối năm 1983, Tâm từ Gia Lai xuống TP.Hồ Chí Minh đi phụ xe cho một nhà xe ở quận Gò Vấp. Hắn đã lừa đảo, chiếm đoạt của nhà xe một chiếc Honda mang đi cầm để lấy tiền tiêu xài. Ngày 27-1-1984, hắn bị Công an Q.Gò Vấp bắt và bị TAND Q.Gò Vấp xử phạt bốn năm tù. Ngày 8-10-1986, trong lúc lao động, lợi dụng sơ hở của cán bộ trại giam, hắn đã bỏ trốn.

Đại úy Hồng kể lại vụ bắt đối tượng Tâm - Ảnh: An Hòa

Từ thông tin ít ỏi trong hồ sơ khi địa chỉ của Tâm chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Phù Mỹ, Nghĩa Bình (cũ)”, đại úy Hồng đã đi xác minh tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Nam, Gia Lai và Đắk Nông để truy tìm. Từ Bình Dương lặn lội ra tận Bình Định, đại úy Hồng đến Phòng hồ sơ cảnh sát Công an Bình Định để khai thác thông tin về Tâm, nhưng không có kết quả.

Trên đường về huyện Phù Mỹ, anh được sự giúp đỡ tình cờ của đồng nghiệp công tác tại Phòng cảnh sát hình sự Công an Bình Định đang “đánh” một vụ án khác tại đây. Ở thôn Phú Ninh Đông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, đại úy Hồng xác định đây là quê gốc của Tâm sinh sống từ nhỏ đến năm 1967. Cuối năm 1967, gia đình Tâm chuyển lên sống tại Gia Lai. Thời gian sau này, các anh chị em của Tâm sống ở bắc Tây nguyên, nhưng cha mẹ thì về lại cố hương.

Thông tin mà đại úy Hồng nhận được là mẹ Tâm vẫn còn sống, tuổi đã hơn 80. Nhập vai cán bộ cấp huyện đi thẩm tra chế độ chính sách cho mẹ của Tâm, đại úy Hồng xác định năm anh chị em của Tâm đang sống tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP.Pleiku, Gia Lai). Sau đó, một mình đại úy Hồng lập tức lên Gia Lai xác minh.

Tại đây, anh gặp Ngô Thanh Tiến (em thứ ba trong gia đình của Tâm). Tiến tiết lộ có anh ba là Ngô Thanh Hải đi lính chế độ cũ bị chết trận. Tâm là anh hai, nhưng lấy tên em ruột là Hải để sinh sống và hiện ở thôn 6, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông và đang làm... trưởng công an xã.

Tại Công an Gia Lai, qua nghiên cứu hồ sơ, đại úy Hồng được biết: Tháng 9-1975, Tâm bị Công an tỉnh Gia Lai lập danh sách về hành vi “trộm cắp tài sản công dân”. Tháng 12-1980, hắn bị Công an TP.Plei Ku (Gia Lai) tiếp tục đưa vào danh sách theo dõi vì hành vi “tổ chức nhen nhóm phản cách mạng”.

300 triệu đồng mua chuộc

Sau khi xác định Ngô Ngọc Hải chính là Ngô Thanh Tâm, đại úy Hồng đã liên hệ Ban giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông để lên kế hoạch truy bắt. Với bản chất lưu manh, Tâm thay tên, địa chỉ, quê quán nhằm che mắt cơ quan chức năng. Hắn từng làm trưởng thôn 6, công an viên rồi trưởng công an xã, ủy viên HĐND xã Đắk Ru.

Qua nguồn tin, đại úy Hồng được biết Tâm đang nắm trong tay công cụ hỗ trợ gồm: súng, còng của công an xã, nếu bắt không đúng phương án đề ra, hắn sẽ chống trả. Vì thế đại úy Hồng lên kế hoạch phối hợp với đồng nghiệp là hai đồng chí Cảnh sát hình sự Công an Đắk Nông.

Lấy lí do đang bắt một đối tượng có lệnh truy nã tại địa bàn do Tâm làm trưởng công an xã, các anh mời y lên trụ sở công an huyện. Giống như họp “đánh án” mọi lần, Tâm lên công an huyện mà không chút nghi ngờ gì. Tại đây, thấy xuất hiện một người lạ mặt là đại úy Hồng, gương mặt Tâm thoáng chút biến sắc. Khi nghe đại úy Hồng bất ngờ gọi Ngô Thanh Tâm thì hắn mới ngỡ ngàng.

Tâm tiếp tục nhập trại vào tháng 8-2006

Đêm 12-8-2006, Tâm đã viết bản tự khai với họ tên mà bấy lâu nay vẫn dùng là Ngô Ngọc Hải (SN 1956), nhưng giấu đi chuyện bị TAND Q.Gò Vấp phạt bốn năm tù giam và sau này trốn trại. Tâm chỉ khai chuyện bị đưa đi cưỡng bức lao động trong hai năm. Trong bản tự khai, hắn còn khoe nhận được... tám giấy khen của cấp trên và mong được cống hiến cho xã hội.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, lúc 2 giờ 45 sáng 13-8-2006, đại úy Hồng đọc lệnh bắt đối tượng Tâm sau 20 năm trốn lệnh truy nã. Tại biên bản ghi lời khai, Tâm đã cúi đầu khai ra sự thật. Đến 5 giờ sáng cùng ngày, trong khi hai cán bộ công an tỉnh được cử đi hỗ trợ đại úy Hồng làm nhiệm vụ thiếp đi tại bàn làm việc, Tâm thì thào bên bàn hỏi cung:

- Tôi sẽ đưa anh 300 triệu đồng, anh cứu tôi mà xé hết hồ sơ này đi, xem như chúng ta không có cuộc gặp ngày hôm nay.

Nhìn thẳng vào đôi mắt thâm quầng của đối tượng truy nã, người trung úy công an khẳng khái từ chối:

- Anh cứ chấp hành theo pháp luật đi rồi sẽ trở thành công dân tốt.

Một tiếng sau, khi tiếng gà gáy giữa rừng già báo hiệu bình minh, cũng là lúc xe đặc chủng của Trại giam An Phước đỗ xịch trước trụ sở Công an huyện Đắk R’lấp chờ dẫn giải Tâm về tiếp tục thụ án. Dọc đường đi, Tâm chỉ nói được một câu: “Tôi đã mất tất cả”.

Ngày 14-8-2006, đại diện Đảng ủy xã Đắk Ru và huyện Đắk R’lấp đã xuống Trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, Bình Dương) để làm thủ tục khai trừ Đảng đối với Tâm. Hắn phải tiếp tục thi hành bản án còn lại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang