(CAO) Sáng 8-5, TAND tỉnh An Giang mở phiên xét xử nhóm 5 bị cáo liên quan đến vụ án lừa đảo 'điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi nơi khác với giá 20 tỷ đồng'.
Bị cáo Vũ Văn Quý (SN 1991, ngụ TPHCM) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền; Đào Ngọc Cảnh (SN 1947, ngụ TP.Đà Nẵng), Ngô Văn Trọng (SN 1973, ngụ TP.Đà Nẵng), Hoàng Thị Tâm (SN 1976, ngụ TP.Hà Nội) cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng bị cáo Trần Trí Mãnh (SN 1980, ngụ tỉnh An Giang) bị truy tố về tội đưa hối lộ.
Các bị cáo tại toà.
Trước đó, vào tháng 10-2021, TAND tỉnh An Giang đã đưa vụ án ra xét xử, nhưng qua xét hỏi toà nhận thấy có dấu hiệu xuất hiện tội phạm mới nên đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án.
Qua đó, cơ quan điều tra đã khởi tố bổ sung người trung gian là Đào Ngọc Cảnh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng Trần Trí Mãnh - người chi tiền với mục đích điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh cũng bị khởi tố về tội đưa hối lộ.
Bị cáo Trần Trí Mãnh.
Theo cáo trạng, Trần Trí Mãnh mở công ty kinh doanh dầu nhớt, phụ tùng xe máy các loại ở TP.Châu Đốc. Mãnh lo sợ việc Giám đốc Công an tỉnh An Giang lúc bấy giờ là Đại tá Đinh Văn Nơi (nay là Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh) chỉ đạo tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế sẽ làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình.
Do đó, Mãnh nảy sinh ý định tìm cách tác động để điều chuyển giám đốc Công an tỉnh đi nơi khác.
Khoảng tháng 12-2020, Mãnh gặp Cảnh là người quen từ trước, đặt vấn đề nhờ tìm cách tác động, điều chuyển cán bộ với giá 20 tỷ đồng. Cảnh không thực hiện được nên nhờ Trọng, rồi Trọng nhờ Tâm với giá 13 tỷ đồng. Trong đó, Tâm sẽ dùng 10,5 tỷ đồng để thực hiện phi vụ, cả hai hưởng lợi 2,5 tỷ đồng, còn 7 tỷ đồng dự tính sẽ cho Cảnh (nhưng chưa trao đổi với Cảnh).
Mặc dù Cảnh biết rõ nhóm của Trọng không thể thực hiện được việc tác động để điều chuyển cán bộ, nhưng không ngăn cản mà đã tạo điều kiện, sắp xếp thời gian để nhóm Trọng gặp Mãnh để thỏa thuận việc điều chuyển cán bộ theo yêu cầu của Mãnh.
Do Trọng và Tâm không thực hiện được nên tiếp tục nhờ Quý. Quý cũng không có khả năng nhưng vẫn nhận lời, yêu cầu chuyển trước 5 tỷ đồng làm tin. Sau khi nhận tiền, Quý cho Tâm biết không thể thực hiện được nhưng muốn lấy lại 5 tỷ đồng thì Tâm phải cho Quý một số tiền. Sau đó, Trọng, Quý, Tâm đã bàn bạc nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Mãnh.
Biết rõ không thực hiện được việc tác động để điều chuyển cán bộ nhưng Quý, Trọng, Tâm vẫn tự giới thiệu có nhiều mối quan hệ rộng lớn với cán bộ cấp cao trung ương, có thể điều chuyển giám đốc Công an tỉnh An Giang với giá 20 tỷ đồng.
Ngày 17-1-2021, Cảnh, Trọng và Tâm đến TP.Châu Đốc gặp Mãnh. Tại đây, Trọng và Tâm kêu Mãnh chuyển trước 10 tỷ đồng, sau khi việc hoàn thành thì chuyển tiếp 10 tỷ đồng còn lại.
Đến ngày 20-1, Mãnh cùng Trọng đến ngân hàng để chuyển 10 tỷ đồng vào tài khoản của Tâm. Sau khi nhận được tiền, Tâm báo cho Quý biết. Lúc này, Quý đang trên đường đến TP.Châu Đốc gặp Trọng, Tâm và thấy công ty của Mãnh có một chiếc ô tô biển số xanh nên nghi sự việc bị phát hiện. Trọng và Quý bàn bạc nói dối Mãnh là sự việc tác động điều chuyển cán bộ đã bị phát hiện và yêu cầu Mãnh phải chịu tốn khoản tiền 4 - 5 tỷ đồng, là chi phí của nhóm Trọng đi lại và "lo lót".
Qua thương lượng, nhóm bị cáo đồng ý trả lại Mãnh 7,7 tỷ đồng, trong đó Mãnh cho riêng Trọng 300 triệu đồng. Còn lại 2,3 tỷ đồng, Quý hưởng 2,1 tỷ đồng, Tâm và Trọng mỗi người hưởng 100 triệu đồng. Để giấu số tiền chiếm đoạt được, Quý đã nhờ người khác mở tài khoản để chuyển 2,1 tỷ đồng vào.
Đến ngày 2-3-2021, Mãnh tố cáo hành vi phạm tội của các bị cáo.
Phiên toà dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ 8 đến 10-5.
Trước đó, ngày 4-11-2022, Mãnh bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 8 năm tù, Hồng Mỹ Thi (vợ Mãnh) 7 năm tù, Nguyễn Văn Có 2 năm tù, Trần Kỳ Nam 1 năm 6 tháng tù và Chu Đình Thiện Trí 2 năm tù cùng về về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. |