Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang làm rõ hành vi của Mãnh. Điều khá bất ngờ là trước khi bị bắt, tài khoản của Mãnh chuyển cho một số đối tượng lạ gần chục tỷ đồng.
LẬT TẨY "ĐẠI GIA"
Chiều 10-3, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang đề nghị Viện Kiểm sát cùng cấp khởi tố bị can và bắt giam Trần Trí Mãnh để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Mãnh khá quen thuộc người dân địa phương bởi bản thân giàu nứt đố đổ vách. Hàng ngày, Mãnh qua lại biên giới để giao dịch mua bán.
Tháng 7-2005, Mãnh thành lập và làm giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Gia Thịnh (gọi tắt là Công ty Gia Thịnh, trụ sở tại phường Châu Phú A, TP.Châu Đốc) với nhiều ngành nghề như: môi giới đấu giá; bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí; bán buôn máy móc, thiết bị phụ tùng khác; bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu và động vật sống...
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết: "Thực ra băng nhóm trên là các đối tượng lừa đảo, không hề quen biết ai. Khi Mãnh chủ động liên lạc thì chúng lập màn kịch hòng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đang mở rộng chuyên án và sẽ xử lý các đối tượng theo đúng pháp luật".
Công việc kinh doanh của Mãnh thuận lợi như diều gặp gió. Hệ thống kho bãi ngày càng được đầu tư mở rộng. Cứ tối đến, nhiều chuyến hàng đưa vào kho. Những ngày lễ tết, nhà Mãnh luôn có tiệc tùng đờn ca náo nhiệt. Người dân TP.Châu Đốc xem Mãnh như doanh nhân trẻ thành đạt. Tuy nhiên, công ty của Mãnh không sản xuất nhiên liệu nhưng lại cung cấp số lượng lớn dầu nhớt tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Chỉ tính địa bàn tỉnh An Giang, Mãnh cung cấp gần 50 đại lý với số tiền "khủng". Thế nhưng công nhân của Công ty Gia Thịnh đăng ký có 7 người. Toàn bộ hoạt động tại Công ty Gia Thịnh không qua được mắt người dân. Nhiều đơn, điện thoại của quần chúng tố giác Mãnh đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang. Nhận được thông tin, Ban giám đốc Công an tỉnh An Giang cử nhiều trinh sát bí mật xác minh vị "đại gia trẻ thành đạt".
Gần cả tháng trời, trinh sát tìm cách tiếp cận kho chứa hàng cũng như những chuyến xe ra vào kho bãi của Mãnh đầy nghi vấn. Tuy không sản xuất nhưng Mãnh có số lượng lớn nhớt với nhãn hiệu nổi tiếng cung cấp cho đại lý toàn tỉnh và các địa phương lân cận. Trong kho, chi nhánh Công ty Gia Thịnh luôn chất đầy đồ có dấu hiệu không rõ xuất xứ, nguồn gốc. Điều đặc biệt, hàng hóa Mãnh đưa ra thị trường đều tiêu thụ vào ban đêm hết sức mờ ám.
Hàng hóa có dấu hiệu làm giả tại kho của Mãnh
Từ xác minh của trinh sát qua đơn tố giác của người dân, Ban giám đốc Công an tỉnh An Giang xác nhận nguồn tin báo hoàn toàn có cơ sở. Đối tượng hoạt động thời gian dài nên có nhiều thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng. Đại tá Đinh Văn Nơi xác lập chuyên án, nhằm xóa sổ đường dân sản xuất, buôn bán hàng giả. "Rất có thể Mãnh là một trong đầu nậu chứa hàng lậu", Ban chuyên án nhận định.
Qua nhiều ngày điều tra, các mũi trinh sát được phân công bám sát đối tượng này. Sáng 2-3, khi Mãnh chưa kịp kiểm tra kho hàng thì bị trinh sát ập vào nhà bắt giữ. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng gồm: Chi nhánh Công ty Gia Thịnh; kho phụ tùng môtô và kho nhớt của công ty (đường số 8, khu dân cư Ngọc Hầu, khóm 8, phường Châu Phú A, TP.Châu Đốc), lực lượng công an phát hiện và lập biên bản tạm giữ trên 1.000 thùng, can và phi chứa chất lỏng có thể tich từ 10 lít đến trên 200 lít, trên 1.360 thùng catton bên trong có nhiều chai nhựa chứa chất lỏng với nhiều nhãn hiệu nhớt khác nhau như: Kubota, Castrol; gần 1.000 bao, thùng carton chứa phụ tùng môtô thương hiệu Honda, Yamaha; nhiều xe máy, ôtô các loại cùng nhiều giấy tờ, sổ sách liên quan.
Ngoài ra, trong quá trình khám xét tại nhà Mãnh, lực lượng Công an còn thu giữ nhiều hung khí nguy hiểm; đặc biệt là chiếc ôtô nhập lậu đang đậu trong sân. Theo Công an tỉnh An Giang, tang vật trên có dấu hiệu làm giả để tung ra thị trường.
Trần Trí Mãnh
LỪA ĐẢO LIÊN TỈNH
Trong lúc Ban chuyên án đấu tranh với Mãnh để làm rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì phát hiện trước khi bị bắt hơn 2 tháng, Mãnh chuyển khoản cho một số tài khoản lạ với số tiền 10 tỷ đồng. Ban đầu, Mãnh không hợp tác. Y cho rằng số tiền trên thanh toán nợ nần cho các bạn hàng. Tuy nhiên, trinh sát xác định, chủ của các tài khoản không kinh doanh buôn bán. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Mãnh đành thú nhận tội. Theo lời của Mãnh, gần một năm nay công việc kinh doanh hết sức khó khăn do đường biên giới tỉnh An Giang bị kiểm tra gắt gao.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc siết chặt biên giới, quyết liệt tổ chức tấn công và truy bắt các đội tượng liên quan đến các tệ nạn xã hội, ma túy, hình sự và nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó các đối tượng buôn lậu, hàng gian, hàng giả... bị lực lượng công an tỉnh bắt giữ liên tục.
Đào Ngọc Cảnh
Ngô Văn Trọng
Hoàng Thị Tâm
Vũ Văn Quý
Là đại gia có tiếng ở TP.Châu Đốc, một số đối tượng đã liên hệ và giao cho Mãnh tìm người có thể dùng tiền nhằm tác động đến người có thẩm quyền với mục đích để điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác, để dễ bề tiếp tục thực hiện các hoạt động bất chính. Mãnh hứa dù bất cứ giá nào, y sẽ tìm người nhờ điều chuyển Giám đốc Nơi đi nơi khác để dễ dàng hoạt động.
Nhiều đêm thức trắng, Mãnh đã liên hệ với Đào Ngọc Cảnh (SN 1947, trú tổ 1, phường Xuân Hà, quận Thanh Huê, TP.Đà Nẵng) quen biết trong một lần đi du lịch. Những lần trà dư tửu hậu, Cảnh "nổ" thân quen nhiều lãnh đạo. Cảnh còn kể vanh vách những phi vụ đã nhờ tác động của "cấp trên" cho người bạn khỏi cảnh tù tội. Qua điện thoại, Mãnh thú thật với Cảnh về công việc kinh doanh gặp khó khăn bởi tuyến biên giới bị siết chặt. Vốn là tay lừa đảo chuyên nghiệp, Cảnh đặt vấn đề với Mãnh: "Ý chú muốn tôi giúp gì”. Mãnh vô thẳng vấn đề: "Anh ráng giúp luân chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi nơi khác dùm để tụi em dễ làm ăn. Chúng em sẽ hậu tạ”.
Biết "cá” đã cắn câu, Cảnh đồng ý. Để chiếm đoạt tài sản của Mãnh, Cảnh lập ra đường dây lừa đảo chuyên nghiệp. Cảnh liên hệ với Ngô Văn Trọng (SN 1973, trú phường Khuê Trung, Quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng); Vũ Văn Quý (SN 1991, trú quận 3, TPHCM) và Hoàng Thị Tâm (SN 1967, trú xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội) để lên kế hoạch. Các đối tượng lập nên một màn kịch hoàn hảo. Theo đó, những lúc Mãnh gọi điện thúc giục, Cảnh nhắc khéo: "Việc này không được trao đổi qua điện thoại. Để chúng tôi sắp xếp vào Châu Đốc với chú rồi quyết luôn".
Đến giữa tháng 1-2021, Cảnh, Trọng, Quý, Tâm đã đến An Giang để gặp Mãnh. Cả bọn thống nhất sẽ thực hiện âm mưu tác động để điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác với giá 20 tỷ đồng. Các đối tượng đề nghị Mãnh chuyển trước vào tài khoản của Tâm 10 tỷ đồng. "Chúng tôi nhận được tiền, 3 ngày sau Giám đốc Công an tỉnh An Giang sẽ điều chuyển đi nơi khác, chú chuyển tất số tiền còn lại. Nếu không đúng như cam kết thì chúng tôi sẽ chuyển trả lại số tiền trên cho chú”, Cảnh ngã giá. Mãnh đồng ý và chuyển vào tài khoản 10 tỷ đồng. Sau đó, cả nhóm nhậu tại TP.Long Xuyên "ăn mừng" chiến thắng. Quý cam kết sẽ thực hiện đúng theo đề nghị của Mãnh.
Tuy nhiên băng lừa đảo không thực hiện như cam kết. Thấy vậy, Mãnh gọi điện, nhắn tin yêu cầu trả lại tiền. Quý, Tâm, Trọng bàn bạc chỉ chuyển lại cho Mãnh 7,4 tỷ đồng. Số còn lại 2,6 tỷ đồng nhóm đối tượng nói đã chi phí cho việc chạy chọt, lo lót vụ điều chuyển, nhưng thực chất đã được chia chác như sau: Tâm 100 triệu đồng, Trọng 400 triệu đồng và 2,1 tỷ đồng thì Quý giữ lại để tiêu xài. Từ lời khai của Mãnh, Công an tỉnh An Giang bắt các đối tượng trên. Qua kiểm tra, tài khoản của Quý chỉ còn 1,340 tỷ đồng.
(CAO) Trong quá trình điều tra mở rộng liên quan đến chuyên án 192M, Công an tỉnh An Giang đã bắt giữ thêm một số đối tượng liên quan đến giám đốc chuyên sản xuất nhớt, phụ tùng giả.