Hành khách than trời vì giá dịch vụ sân bay “trên mây”:

Kỳ 2: Cần sửa đổi thông tư về giá để xử lí các cửa hàng “chặt, chém”

Chủ Nhật, 07/05/2023 15:39

|

(CATP) Từ năm 2019, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư (TT) 53 “quy định mức giá, khung giá một số DV chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, SB Việt Nam”. Đáng chú ý là quy định về khung giá DV cơ bản được áp dụng đối với DV cung cấp đồ ăn, thức uống hàng hóa nội địa, tuy nhiên TT này đã lạc hậu, nhiều kẽ hở, không theo kịp thực tế.

Quy định một đằng, giá bán một nẻo!

Theo luật sư (LS) Đỗ Hồi Khanh - Đoàn LS TPHCM, đối với DV cung cấp đồ ăn, thức uống là hàng hóa nội địa (không áp dụng với hàng hóa nhập khẩu) tại điều 25 TT 53/2019/TT-BGTVT quy định mức giá tại Cảng Hàng không Việt Nam “nước lọc đóng chai <= 500ml, sữa hộp các loại <= 180ml, phở ăn liền, mì ăn liền, bánh mì... không bổ sung thêm thực phẩm” mức giá bán tối đa tại ga quốc nội là 20.000 đồng/tô, tại ga quốc tế 2 USD/tô, chưa bao gồm phí phục vụ nhưng đã có thuế VAT. Doanh nghiệp cung ứng DV cơ bản thiết yếu tự quyết định chi phí phục vụ, nhưng không vượt quá 15% so với mức tối đa quy định. Như vậy, giá chai nước suối, hộp sữa, tô mì ăn liền, phở ăn liền… không được vượt quá 23 nghìn đồng.

Mặc dù vậy, theo quan sát của chúng tôi, một số hãng bay phục vụ trên không thường lấy giá cao hơn TT này. Chẳng hạn, trên các chuyến bay của Hãng Pacific Airlines (Vietnam Airlines là cổ đông chính), giá 1 ly mì chay, mì lẩu Thái 30 nghìn đồng, tô phở ăn liền 40 nghìn đồng; trong khi các chuyến bay quốc tế lần lượt là 40, 50 nghìn đồng. Với hãng “tân binh” Viettravel Airlines, giá 1 ly mì ăn liền 30 nghìn đồng (1,5 đôla), combo mì ly và nước ngọt Pepsi 50 nghìn đồng (2,5 đôla). Mức giá được nhân viên hãng bay phục vụ tận chỗ ngồi còn rẻ hơn so với nhiều CH mặt đất trong SB.

Hành khách đông đúc tại sân bay

Luật sư Đặng Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty Luật HPL và cộng sự (TPHCM) - phản biện, giá của các sản phẩm DV hiện tại vẫn chưa phù hợp quy định về khung giá DV thiết yếu tại SB theo điều 25 TT 53/2019. Trong bối cảnh đất nước đã mở cửa sau thời kì dịch bệnh, tần suất và lưu lượng khách tại các sân bay đã dần đông đúc, nhu cầu sử dụng DV ăn uống tăng cao trở lại, các cơ sở kinh doanh không thể “thổi phồng” giá với lí do “bù lỗ cho các khoản chi khác”. Hành vi tăng giá hàng hóa, DV bất hợp lý của các CH này còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) theo Nghị định (NĐ) 109/2013 “về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn” (sửa đổi, bổ sung bởi NĐ49/2016).

Giá cao một phần do chi phí mặt bằng tại SB đắt đỏ hơn nhiều lần so với thị trường; ngoài ra, các cơ sở kinh doanh còn phải trả thêm khoản cho bãi đậu xe, chi phí bảo hiểm, kiểm tra an ninh... Mặt khác, cơ sở kinh doanh cũng đánh vào chính tâm lý của khách hàng khi nguồn cung ít nhưng nguồn cầu lại quá nhiều, tại SB thường không có nhiều CH bán cùng 1 loại sản phẩm, HK khi có nhu cầu buộc lòng phải mua với giá do CH niêm yết vì họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Bảng giá dịch vụ ăn uống tại lối vào sân bay Liên Khương (Lâm Đồng)

Cũng theo LS Huyền, rất cần sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền, Bộ GTVT và Cảng vụ Hàng không nên thành lập các đoàn thanh kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh tại SB để kịp thời chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh nhằm răn đe tình trạng “thổi giá” như hiện nay. Bên cạnh đó, rất cần sự đồng lòng của người dân trong việc buộc giá thành sản phẩm DV tại các cảng hàng không giảm xuống. Nếu mọi người từ chối sử dụng sản phẩm tại SB trong thời gian dài, các CH này sẽ phải đóng cửa hoặc buộc phải xem xét lại giá bán. Chi phí vận hành không đáp ứng đủ giá thuê buộc các CH phải đóng cửa, khi đó SB thất thu cũng phải xem lại giá cho thuê mặt bằng.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - nguyên Trưởng ban Văn hóa xã hội (Hội đồng nhân dân TPHCM) từng đi nhiều nước và tới nhiều SB trên thế giới nhận xét, các chuyến bay nước ngoài thường ít trễ nhưng nếu delay thì hãng bay sẽ phục vụ HK miễn phí tất cả các loại nước uống, thức ăn. Trong khi đó, tại nước ta khi hãng bay giá rẻ trễ chuyến, phần lớn HK phải sử dụng các cửa hàng DV bên ngoài, tự bỏ tiền túi và giá thì “trên mây”! Điều này đã làm khó người lao động nghèo. Ngay cả các SB tại Thái Lan, gần nước ta, nhưng cung cách phục vụ tốt và giá cả hợp lý.

Nên sửa đổi Thông tư 53/2019

Thông tư 53/2019, theo nhận xét của các LS, chuyên gia luật, hiện đã không theo kịp thực tế, nhất là quy định tại điều 25 “về giá cả các mặt hàng tại SB, không phải hàng nhập khẩu”. Ví dụ nhỏ nhất: 1 chai nước suối loại nửa lít, tô phở ăn liền, mì ăn liền…theo quy định từ 5-20 nghìn đồng (khoản 2), cộng thêm phí DV không quá 15% (khoản 3), nghĩa là không quá 23 nghìn đồng. Cách quy định giá tại khoản 2 và 3 như hiện nay dài dòng, khó hiểu, nên quy định đồng nhất là không vượt quá 23 nghìn đồng chẳng hạn.

Nghiên cứu điều 25, chúng tôi thấy còn thiếu rất nhiều thứ, chẳng hạn giá chai nước suối, mì tôm, phở ăn liền… nhập khẩu thì quy định ra sao? Ví dụ, giá của nó không được vượt quá 50 nghìn đồng. Trong khi hàng loạt CH tại SB thường ít chú trọng những món ăn liền này (chủ yếu là hãng bay thực hiện khi ổn định độ cao), mà họ thường bán: phở, bún bò, cháo bò… thì tại điều 25 không thấy có quy định nào? Giá bánh mì “không có thực phẩm” không được vượt 23 nghìn đồng, nhưng nếu có nhân (thịt) bên trong thì giá ra sao, trong khi ít HK mua bánh mì không nhân. Ngoài ra, CH tại các SB chủ yếu bán bánh mì có nhân (thịt), đây là món ăn thông dụng ở Việt Nam và nổi tiếng thế giới nên cơ quan chức năng cần quy định không được vượt quá 30-40 nghìn đồng chẳng hạn.

Trong những lần biên soạn TT tiếp theo nhằm sửa đổi, bổ sung TT 53/2019, Bộ GTVT cần quy định giá phở, bún bò, cháo bò… không được vượt quá 100 nghìn đồng là mức sau thuế VAT, bao gồm phí DV trong đó để tiện quản lí.

Nếu không có TT mới sửa đổi, bổ sung TT53/2019 như hiện nay, Bộ GTVT khó thể kiểm soát được giá cả đang “leo thang” tại các cửa hàng DV trong các SB cả nước. Tùy theo giá thuê mặt bằng, nhân công…, chủ các CH sẽ tự niêm yết bảng giá và chẳng có ai quản lý. Chẳng hạn, tại SB Tân Sơn Nhất, giá 1 tô bún bò (nhỏ) 157 nghìn đồng, giá 1 tô cháo bò 88 nghìn đồng, phở nạm 89 nghìn đồng… Tại sao không quy định số chẵn hay đây là chiêu trò trong kinh doanh? Nếu quy định giá tiền tròn số thì HK sẽ rất vui vẻ khi chất lượng phục vụ xứng đáng. Do đó, cần quy định giá bún bò tô nhỏ không được vượt quá 80 nghìn đồng, hoặc tô lớn không được vượt quá 100 nghìn đồng chẳng hạn.

Khi TT53/2019 được sửa đổi, bổ sung kịp thời thì đó sẽ là chế tài với hệ thống các CH trong SB cả nước. Bởi lẽ, đó là cơ sở pháp lý để Cục Hàng không Việt Nam có cơ sở xử lí số CH “chặt, chém” và đơn vị này nên có số điện thoại nóng 24/7, email, Zalo… để người dân phản ánh khi gặp sự cố.

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng phát như hiện nay, SB vốn được mệnh danh là nơi kinh doanh “màu mỡ” cần có sự giám sát của người dân theo luật định. Mọi trường hợp vi phạm về giá phải được xử lí và thông tin rộng rãi để mọi người được biết. Ngoài ra, HK là người bỏ tiền đi MB, sử dụng DV tại SB thì họ có quyền được giám sát.

Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng LS Gia Định (TPHCM) - cho biết, so với một số nước thì SB nước ta bán giá quá cao. Một tô phở nhỏ tại ga quốc nội từ 120-150 nghìn đồng, tô lớn 175-200 nghìn đồng; trong khi ga quốc tế cao hơn đến 300 nghìn đồng/tô. Các loại thức uống, thức ăn khác cũng cao gấp 5-6 lần so với giá bên ngoài.

Luật sư Trần Minh Hùng.

Luật sư Hùng cho rằng, bán giá cao như vậy là bất hợp lý. Theo quy định, việc bán giá hàng hóa, DV phải đúng quy định, theo giá trần...; còn việc bán giá cao bất hợp lý, mang tính “cắt cổ” không dựa trên giá thực tế tại thị trường hoặc không dựa trên thu nhập thực tế của người dân là không công bằng và làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành cần thường xuyên rà soát, xử lý nghiêm các đối tượng nếu phát hiện vi phạm. Việc xử phạt phải nghiêm minh và nếu tái phạm có thể tước giấy phép hoạt động trong thời gian nhất định để tạo tính răn đe.

Theo chúng tôi, đã vài năm trôi qua ngành Hàng không chưa tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt, thậm chí rút giấy phép kinh doanh với các CH dịch vụ ăn uống đang làm “xấu” nền DL Việt Nam. Từ trước năm 2019, một số CH đã bị xử phạt hành chính vì lấy giá quá cao, sau đó một số nơi đã giảm giá. Mặc dù vậy, 4 năm qua, sự việc này đã trôi vào im lặng, khiến HK bị “móc túi” vô tội vạ mỗi ngày, tiền chui vào túi ai là việc cần được làm rõ. Đây là lúc Cục Hàng không Việt Nam phải vào cuộc mạnh mẽ để lấy lại hình ảnh đẹp trong mắt du khách tại các SB - vốn là sứ giả của văn hóa nước nhà; không thể để câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” tiếp tục kéo dài, gây bức xúc dư luận!

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang