(CATP) Sau 12 năm truy tìm, cuối cùng Cảnh sát bang Utah (Mỹ) cũng xác định được nhân thân của thi thể có biệt danh “Saltair Sally” phát hiện cuối năm 2000, từng gây rúng động dư luận một thời...
Từ biệt danh “Saltair Sally”...
Hôm 8/10/2000, những người đi săn vịt phát hiện 1 thi thể đã rữa bên bờ hồ Muối (hồ nước mặn lớn thứ 8 thế giới với diện tích 4.400km2) gần TP.Salt Lake, sát khu vui chơi giải trí Saltair bỏ hoang gần 20 năm. Gọi là xác nhưng thực ra chỉ còn lại hộp sọ và 26 chiếc xương cùng ít tóc, trang phục đã mục gần hết; phần lớn số xương nằm trong bao nhựa, điều này cho thấy chủ nhân của chúng bị sát hại. Giám định pháp y cho thấy nạn nhân đã tử vong 1 - 2 năm và cái xác vô danh này được gọi là “Saltair Sally”.
Nhờ bộ xương, cơ quan điều tra đã bỏ công phục dựng được hình ảnh của nạn nhân và công bố, nhưng đã lâu vẫn không thể xác định được nhân thân của “Saltair Sally” nên hồ sơ được chuyển sang “án lưu cữu”.
Mãi tới năm 2008, Cảnh sát Utah mới biết có 2 giáo sư của Đại học Utah là Thure Cerling và Jim Ehleringer vừa công bố bản đồ đặc biệt về tài nguyên nước. Cerling là nhà hóa học chuyên về lĩnh vực địa chất, còn Ehleringer là chuyên gia môi trường, bản đồ được thực hiện dựa trên tỷ lệ các đồng vị bền vững của nước. Nước tạo thành từ các nguyên tử oxy và hydro: Oxy trong tự nhiên có thành phần chủ yếu gồm 3 đồng vị bền vững (tức không tự phân rã), còn hydro cũng gồm 3 đồng vị bền vững, từ đó tạo thành nhiều loại phân tử đồng vị nước. Tuy nhiên, tỷ lệ của các đồng vị này khác nhau tùy vào từng nguồn nước và được phản ánh vào tỷ lệ các đồng vị của oxy, hydro trong tóc người sử dụng nguồn nước ấy. Vì vậy, nếu đem tóc của một người đun nóng cho bốc hơi thành khí và phân tích tỷ lệ các đồng vị trong khí ấy rồi so sánh với bản đồ đồng vị nước của Cerling - Ehleringer thì có thể biết người đó đã sống hoặc đến từ đâu.
Kết quả áp dụng phương pháp so sánh tỷ lệ đồng vị nước trên với mẫu tóc của “Saltair Sally” cho thấy nạn nhân nhiều lần di chuyển giữa Utah và khu vực duyên hải Đông Bắc Mỹ, gồm các thành phố: Boston - New York - Washington. Cảnh sát Utah khởi động việc tìm kiếm “Saltair Sally” ở khu vực này. Một loạt hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân được phục dựng từ bộ xương nhờ kỹ thuật đồ họa của thế kỷ XXI hỗ trợ đã được công bố ở nhiều nơi, đặc biệt tại khu vực duyên hải Đông Bắc nước Mỹ vào năm 2010.
Nikole Bakoles và con gái.
... Đến tấm bản đồ nước dẫn đường
Năm 2011, một phụ nữ ở bang Washington vô tình nhìn thấy tấm ảnh và nhận ra người trong đó là con gái mình: Nikole Bakoles! Tuy nhiên, khi xem xét kỹ, Cảnh sát Utah nhận thấy chiều cao, trọng lượng, màu tóc và đặc biệt là về thời gian tử vong dự đoán do mẹ của Nikole đưa ra không phù hợp với dữ liệu cảnh sát thu được từ thi thể “Saltair Sally”. Kết quả pháp y công bố tháng 10/2000 cho thấy Nikole chết khoảng 1-2 năm trước đó, việc này có thể do giám định viên đã bỏ qua yếu tố thi thể “Saltair Sally” nằm trong nước mặn của hồ Salt Lake một thời gian và muối đã làm chậm tốc độ phân hủy thi thể, do đó giám định viên đưa ra nhận định dài hơn thời gian thực tế. Cuối cùng, để bảo đảm chắc chắn, nhà chức trách đã lấy mẫu ADN của người mẹ đưa xét nghiệm và kết quả trùng khớp với mẫu ADN của “Saltair Sally”.
Năm 1997, Nikole Bakoles (SN1980) rời gia đình ở Washington để theo bạn trai Joel Chaudoin tới TP. Sandy, bang Utah - nơi anh ta làm việc, nhưng chưa được bao lâu thì quay trở lại với cha mẹ, giữa lúc đang mang thai, để cai nghiện ma túy. Tháng 6/1998, Nikole lại tới Utah với Joel, hai tháng sau cô sinh 1 bé gái, còn cha mẹ Nikole phải vượt 2.000km đến thăm cháu. Từ đó tới tháng 3/2000, Nikole mang con về thăm nhà thêm 2 lần nhưng nghiện ngập trở lại và bị Cảnh sát Utah bắt giữ 2 lần.
Đầu tháng 3/2000, mẹ của Nikole bất ngờ nhận được điện thoại của con gái báo tin Cơ quan bảo vệ trẻ em của Utah không hài lòng với điều kiện sống của mẹ con cô và họ sẽ tổ chức điều trần về việc tước quyền nuôi con của cô.
Sau cuộc điện thoại trên, gia đình Nikole mất liên lạc với con gái và cũng chẳng biết địa chỉ của cô ở đâu. Họ cho biết có trình báo với Cảnh sát Washington, sau đó là Cảnh sát Utah, nhưng vì không có địa chỉ cũng chẳng có chứng cứ gì về việc Nikole mất tích nên việc tìm kiếm không đạt kết quả. Họ cũng thuê thám tử tư nhưng không thành công, mà chỉ nắm được theo lời kể của Joel rằng anh ta đã bỏ đi sau khi cãi nhau với vợ và từ ngày 15/3/2000 không có người nào nhìn thấy Nikole. Nhà chức trách Utah sau này cho biết, mãi tới năm 2003 gia đình Nikole mới làm thủ tục đưa tên con gái mình vào danh sách mất tích.
Khi “Saltair Sally” được nhận dạng là Nikole Bakoles thì chồng cũ của cô là Joel Chaudoin đang ở tù về tội khác, con gái 13 tuổi của cô sống với ông bà nội. Cho đến nay, cảnh sát vẫn tiếp tục cuộc điều tra để tìm ra câu trả lời: Ai đã sát hại Nikole Bakoles?
(Còn tiếp...)
(CATP) Chẳng tổ chức nào có thể thống kê mỗi ngày có bao nhiêu người trên thế gian biến mất không bao giờ trở lại, số phận của họ ra sao và giờ đang ở đâu, dù đã hàng chục năm trôi qua... Những câu hỏi ấy cứ đeo bám người thân và cả các trinh sát hình sự. Đối với họ, việc truy tìm những người xấu số như một cuộc chạy tiếp sức từ thế hệ này qua thế hệ khác để mong tìm ra chân tướng sự thật.