Giải quyết vướng mắc về pháp lý, nhất là lĩnh vực bất động sản:

Bài 2: Không né trách nhiệm, phải dám nghĩ, dám làm

Thứ Năm, 04/05/2023 09:23

|

(CATP) Thời gian gần đây, thực tế ở một số Bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 280/ CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các Bộ, cơ quan, địa phương. Trong thời gian gần đây, thực tế ở một số Bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các Bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các Bộ, cơ quan, địa phương...

KIÊN QUYẾT KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG ĐÙN ĐẨY...

Công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy cốt lõi nội dung là: “Kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm”. Công điện nêu rõ, trong thời gian gần đây, thực tế ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các Bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương...

Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy tinh thần cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...

Để chấn chỉnh tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của Bộ, cơ quan. Quyết định các công việc theo thẩm quyền và không trình Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng những công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan theo đúng quy định.

Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ. Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang Bộ, cơ quan khác, không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của Bộ, cơ quan khác, trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.

Đối với các hồ sơ, đề án, dự án trình Chính phủ, Thủ tướng còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan về những nội dung chủ yếu của đề án thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì phải đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ động làm việc trực tiếp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có ý kiến khác để trao đổi, thống nhất trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng theo đúng quy định.

KHÔNG LẠM DỤNG “LẤY Ý KIẾN” ĐỂ KÉO DÀI THỜI GIAN

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh thành chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật, không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ, cơ quan Trung ương, không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm. Khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, công việc của địa phương để kịp thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền và trong thời hạn được pháp luật quy định, nhất là đối với những công việc đã để chậm trễ, kéo dài.

Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh thành cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.

Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì khẩn trương rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật để tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ cho các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức yên tâm thực hiện chức trách công vụ theo quy định; đồng thời cụ thể quy trình, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ bảo đảm không để né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2023.

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2023. Thủ tướng nêu rõ, kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

Đột phá vì lợi ích chung, gỡ vướng cho thị trường bất động sản

CÁN BỘ NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO, DÁM NGHĨ DÁM LÀM

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã từng phát biểu tại Hội nghị cải cách hành chính mới đây: “Tôi cho rằng ít nhiều nỗi sợ đó là chính đáng. Nhưng nếu vì sợ mà không làm gì thì đó không phải là sự chọn lựa tốt”. Cũng theo Bí thư Thành ủy, để không phải lâm vào tình cảnh “sợ nên không dám làm”, thì khi nhiệm vụ xuất hiện tình huống, cán bộ, công chức phải xem xét kỹ công việc này như thế nào, trách nhiệm ở đâu, thẩm quyền thế nào.

Cán bộ phải “thuộc bài” để làm đúng vai trò của mình. Việc gì trong thẩm quyền thì tự giải quyết, việc gì còn băn khoăn hoặc vượt thẩm quyền thì báo cáo lên cấp trên. Nhưng quan trọng là phải trả lời “có làm được hay không” để không gây chậm trễ, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và kể cả trong hệ thống của mình. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng đã đề nghị TPHCM tiếp tục triển khai nội dung của Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Theo Bí thư Thành ủy, cán bộ nào cũng có sẵn tiềm năng khát vọng nhưng phải có cách khuyến khích họ thực hiện khát vọng đó để đóng góp cho Thành phố.

Hiện nay, TPHCM đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với phong trào thi đua, khen thưởng và chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Bên cạnh đó là cần có chính sách khen thưởng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng đặc biệt, khen thưởng cho những sáng tạo, sáng kiến để khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, công chức.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, kết quả của một quý (đầu năm 2023) chưa phải là tất cả nhưng cũng không phải là không có ý nghĩa gì. Những ngày qua, người dân, các chuyên gia đều quan tâm tới việc TPHCM sẽ làm gì để khắc phục và hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm trong bối cảnh còn nhiều khó khăn tác động. Trước hết, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng cấp ủy, chính quyền cần bình tĩnh, xem xét một cách thấu đáo và toàn diện, bám sát thực tiễn khách quan, có tính quy luật, khoa học và đi sâu tìm bản chất của vấn đề để đưa ra biện pháp phù hợp. Các biện pháp như tập trung cho đầu tư công, bên cạnh đó là giải quyết những dự án còn vướng mắc, tồn đọng.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu: Khi giải quyết công việc, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, cơ quan mình. Không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Bộ, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng, không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm. Trường hợp quá thời hạn quy định mà Bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến theo đúng quy định. Cơ quan lấy ý kiến có văn bản thông báo lại và Bộ, cơ quan không có ý kiến hoặc chậm có ý kiến trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Đừng để “vướng” kéo dài
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang