‘Tuyên chiến’ với tội phạm: Cần những giải pháp căn cơ

Thứ Bảy, 07/01/2017 11:35

|

(CAO) Vào ngày 17-2-2016, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu Lực lượng công an phải tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, không để tội phạm gia tăng với mục tiêu trong vòng 3 tháng. Tình hình tội phạm phải được kéo giảm rõ rệt.

Sáng 5-3-2016, báo chí đồng loạt đưa tin về Lễ ra quân trấn áp tội phạm của Công an TP. HCM. Đây là đợt ra quân lớn với nhiều lực lượng tham gia, triển khai trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm cướp giật ở các địa bàn trọng điểm như Q1, Q5, Q3... Động thái trên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của người dân thành phố, rất nhiều người đã bình luận, chia sẻ theo hướng tích cực và kỳ vọng vào cuộc ra quân lần này.

Trong đợt ra quân lần này, Công an TP.HCM tăng cường các biện pháp tấn công trấn áp tội phạm như tăng cường lực lượng tuần tra, mật phục, sử dụng biện pháp kỹ thuật kết hợp với biện pháp hành chính, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp kinh doanh điện thoại thông minh để vô hiệu hóa thiết bị khi bị cướp giật với kỳ vọng giảm 50% các vụ cướp giật điện thoại.

Công an TP.HCM ra quân trấn áp tội phạm năm 2016

Đây không phải là lần đầu tiên Công an TP.HCM tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, càng không phải là sau khi nhận chỉ đạo rất gắt gao của Bí thư Thành ủy, Công an TP.HCM mới tổ chức ra quân tấn công trấn áp tội phạm. Thực tế, hàng năm, Công an TP.HCM đều tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và số vụ phạm pháp hình sự hầu như năm sau luôn giảm hơn năm trước (chưa tính tội phạm ẩn do nạn nhân không trình báo hoặc báo cáo sai số liệu). Vì vậy, việc tổ chức các đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm là rất cần thiết trong công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự.

Và, tại thời điểm này, sau gần một năm, theo báo cáo của CA TP.HCM: năm 2016 TP.HCM xảy ra hơn 5.200 vụ phạm pháp hình sự (giảm 799 vụ so với cùng kỳ). Án Cướp tài sản 165 vụ, giảm 71 vụ (hơn 30%); Cướp giật tài sản xảy ra 888 vụ, giảm 115 vụ (gần 12%); Trộm cắp xảy ra 2.859 vụ, giảm 557 vụ (hơn 16%). Lực lượng công an nhận gần 13.000 tin báo tố giác tội phạm và hơn 90% trong đó đã được giải quyết.

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng công an trong công tác phòng chống tội phạm hình sự trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, thực tế TP.HCM vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng hình sự, đặc biệt là các đối tượng hoạt động cướp giật. Từ du khách nước ngoài cho đến người dân ở các địa phương khác, ngay cả cư dân thành phố cũng nơm nớp lo lắng khi đi ra đường vì nạn cướp giật. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… nạn cướp giật ít xảy ra.

Củng cố lực lượng công an cấp xã, phường – Giải pháp căn cơ trong công tác phòng chống tội phạm hình sự trên địa bàn TP.HCM

Theo đó, những biện pháp thực hiện trong các đợt tấn công trấn áp tội phạm ở đây chỉ là những giải pháp tình thế, mới chỉ giải quyết được “phần ngọn”, chưa phải là giải pháp căn cơ để hạn chế tình hình tội phạm hình sự một cách hiệu quả. Trong đợt tấn công trấn áp tội phạm, lực lượng công an thường phải tập trung cao độ, huy động số đông, duy trì cường độ tấn công trấn áp tội phạm liên tục và một khi không duy trì lực lượng, phương tiện, biện pháp như “cao điểm” này, chắc chắn tình hình tội phạm hình sự sẽ rục rịch tăng trở lại.

Vậy đâu là giải pháp căn cơ để hạn chế tình hình tội phạm hình sự ở TP.HCM, theo tôi, ngoài việc thực hiện các giải pháp trong đợt ra quân trấn áp tội phạm lần này và các biện pháp, công tác nghiệp vụ cơ bản, để phòng chống tội phạm hình sự hiệu quả, trong thời gian tới, Công an TP.HCM cần thực hiện tốt 2 giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cần phải củng cố lại lực lượng công an các cấp, đặc biệt là lực lượng công an xã, phường, qui trách nhiệm phòng, chống tội phạm hình sự cho lãnh đạo công an các cấp

So với công an các địa phương khác, Công an TP.HCM là đơn vị có đội ngũ cán bộ, chiến sỹ được đào tạo bài bản, có năng lực công tác chuyên môn cao. Tuy nhiên, do đặc trưng của địa bàn TP.HCM với nhiều ngành nghề kinh doanh phức tạp, nhạy cảm, tập trung nhiều đối tượng hình sự, nhiều tàn dư, tệ nạn của chế độ cũ còn tồn tại... làm nảy sinh tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ.

Vấn đề rất đáng quan ngại đó là hiện tượng bao che, thiếu tinh thần trách nhiệm trong phòng chống tội phạm hình sự của một số cán bộ, chiến sỹ công an chuyên trách phòng chống tội phạm hình sự. Thực tế, ở một số địa bàn, khu vực tình trạng các cơ sở dịch vụ hoạt động liên quan đến mại dâm, tụ điểm cá độ bóng đá, thầu đề, máy bắn cá giải trí trá hình cờ bạc, tụ điểm sử dụng ma túy... hoạt động gần như công khai, mọi người dân đều biết nhưng vẫn tồn tại. Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát khu vực mặc dù quản lý địa bàn rất chặt, nhưng lại không nắm được tình hình tội phạm, không báo cáo, không xử lý các tụ điểm tệ nạn xã hội, tội phạm lại là một chuyện rất phi lý.

Vì vậy, để hạn chế tình hình tội phạm một cách hiệu quả nhất, Công an TP.HCM cần phải củng cố lại lực lượng công an các cấp theo hướng: xử lý nghiêm những hành vi bao che, bảo kê cho tội phạm và tệ nạn xã hội của cán bộ, chiến sỹ công an; qui trách nhiệm cho từng cảnh sát khu vực trong việc nắm tình hình về tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, cán bộ, chiến sỹ nào không nắm được địa bàn, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo trực tiếp, cấp dưới chịu trách nhiệm với cấp trên trực tiếp; xử lý nghiêm hành vi báo cáo sai sự thật về số vụ phạm pháp hình sự nhằm giảm áp lực, chạy theo thành tích; qui trách nhiệm cụ thể cho các cấp lãnh đạo công an các cấp trong phòng, chống tội phạm hình sự.

Quần chúng tham gia bắt đối tượng cướp giật trên địa bàn TP.HCM

Việc củng cố lực lượng công an các cấp không chỉ góp phần làm trong sạch lực lượng, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm mà quan trọng hơn là củng cố, hình thành niềm tin người dân vào lực lượng công an, là cơ sở để xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phát huy sức mạnh của quần chúng trong phòng, chống tội phạm.

Thứ hai, củng cố, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phát huy tối đa vai trò của quần chúng nhân dân trong phòng, chống tội phạm hình sự

Thực tế, các đối tượng hình sự, đặc biệt là các đối tượng hoạt động cướp giật trên địa bàn TP.HCM thường được tổ chức theo nhóm, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, có đối tượng “tìm mồi”, đối tượng dàn cảnh, đối tượng trực tiếp ra tay cướp giật, đối tượng cản địa... Không ít trường hợp do quần chúng không nhận thức được hành vi phạm tội (trong các vụ dàn cảnh để cướp giật) hoặc không dám tham gia truy bắt tội phạm do sợ bị tấn công, trả thù... từ đó làm cho tội phạm cướp giật ngày càng lộng hành.

Vì vậy, để củng cố, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phát huy tối đa vai trò của quần chúng nhân dân trong phòng, chống tội phạm hình sự trước hết cần phải giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, làm cho người dân nhận biết được các dấu hiệu hoạt động của tội phạm, trang bị kỹ năng phòng ngừa tội phạm để bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình, nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm công dân trong phòng, chống tội phạm. Thực hiện tốt được điều này, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tội phạm, làm cho tội phạm không dám lộng hành.

Bên cạnh đó, cần phải củng cố hoạt động của các tổ tự quản, bảo vệ dân phố, phát huy vai trò của các nghiệp đoàn (vận tải, thương mại, dịch vụ...) trong phòng, chống tội phạm, vận động quần chúng không tiếp tay cho tội phạm và không dung túng, bao che cho tệ nạn xã hội, không tiêu thụ tài sản do hành vi phạm tội mà có.

Ngoài ra, cần phải phát huy vai trò của quần chúng trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm để quần chúng kịp thời cung cấp thông tin cho lãnh đạo công an các cấp về những hành vi tiêu cực của cán bộ, chiến sỹ trong phòng, chống tội phạm, góp phần làm trong sạch lực lượng công an. Để thực hiện tốt điều này cần phải thiết lập đường dây nóng để quần chúng kịp thời cung cấp thông tin, phản ảnh tình hình tội phạm hình sự, tình hình hoạt động của lực lượng chuyên trách trong phòng, chống tội phạm.

Thiết nghĩ, phòng, chống tội phạm là một cuộc chiến không có hồi kết, tùy theo tình hình thực tế, lực lượng chuyên trách có thể thực hiện các biện pháp mang tính tình thế để kịp thời giải quyết tình tình tội phạm ở một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, về lâu dài, để hạn chế đến mức tối đa tội phạm hình sự vẫn cần phải thực hiện tốt những giải pháp căn cơ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang