Việt Nam nỗ lực ngăn chặn ma tuý từ khu vực Tam giác Vàng

Thứ Năm, 13/01/2022 17:08

|

(CAO) Tam giác Vàng được đánh giá là trung tâm sản xuất ma tuý lớn thứ 2 trên thế giới. Từ nhiều năm qua, phần lớn số ma tuý vận chuyển về Việt Nam được xác định có nguồn gốc từ khu vực này.

Tam giác Vàng là vị trí giáp ranh giữa 3 nước Myanmar, Thái Lan, Lào, với địa hình rừng núi hiểm trở, lại là khu vực giáp ranh nên rất thuận tiện cho các tổ chức tội phạm quốc tế ẩn nấp, lẩn trốn cũng như sản xuất, vận chuyển ma túy đi các nước, khiến nơi đây trở thành trung tâm sản xuất ma tuý lớn thứ 2 trên thế giới. Từ nhiều năm qua, phần lớn số ma tuý được vận chuyển về Việt Nam cũng được xác định có nguồn gốc từ Tam giác Vàng.

Công xưởng ma tuý” của thế giới

Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), hiện có khoảng 12 trung tâm sản xuất methamphetamine (meth) trong khu vực Tam giác Vàng, ước tính sản lượng trung bình hàng năm là 650 tấn thuốc phiện, tương đương hơn 60 tấn heroin, 1 tỷ viên ma túy tổng hợp (MTTH) và 20 tấn ma túy “đá”.

Trong năm 2020, khu vực Đông và Đông Nam Á thu giữ 11 tấn heroin, gần 170 tấn MTTH, riêng lượng thu giữ ở 6 nước Tiểu vùng sông Mê Công chiếm 85%. Trong đó, Myanmar tiếp tục giữ vị trí đứng sau Afghanistan trên toàn thế giới về sản xuất meth dạng viên. Cũng trong năm 2020, diện tích trồng cây thuốc phiện vẫn ở mức đáng báo động, trong đó Myanmar chiếm khoảng 29.500 ha, Lào 4.600 ha, sản lượng ước khoảng 405 tấn.

Cách đây vài năm, do Trung Quốc tập trung “xoá sổ” các “công xưởng” sản xuất MTTH, các “làng ma tuý” nên tội phạm ma tuý đã đưa thiết bị, công nghệ sản xuất MTTH đến khu vực Tam giác Vàng để tiếp tục hoạt động. Do đó, hiện nay tại Tam giác Vàng không chỉ cung cấp thuốc phiện, heroin mà còn sản xuất các dạng MTTH như: ma túy “đá”, hồng phiến, ketamine với quy mô cực lớn.

Sự gia tăng nguồn cung ở đây dẫn đến giảm giá bán và tăng số người sử dụng meth trong khu vực Đông và Đông Nam Á. Điều này đặt ra thách thức cho hệ thống pháp lý và là gánh nặng việc điều trị, phục hồi.

Hầu hết nguồn cung của các đường dây ma tuý xuyên quốc gia hiện nay đều có nguồn gốc từ Tam giác Vàng

Tội phạm ma túy hoạt động có tổ chức xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm, lợi dụng người dân tộc thiểu số bản địa để trồng, chiết xuất, vận chuyển ma túy, còn các băng nhóm tội phạm có nhiệm vụ chuyển ma túy từ Tam giác Vàng sang Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Trung Quốc... hoặc quá cảnh sang nước thứ ba tiêu thụ.

Hiện tại, các nước Đông Nam Á đều xác định tập trung đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được kết quả tích cực.

Năm 2020, Lào phát hiện 4.354 vụ, 6.164 đối tượng, thu giữ 537,23 kg heroin, 18,6 triệu viên ma túy tổng hợp, 60,3 kg thuốc phiện, trên 5,1 tấn cần sa, trên 5,5 tấn ma túy “đá”, 7,45 tấn ma túy dạng bột cùng nhiều loại tiền chất, hóa chất để sản xuất ma túy. Tháng 10/2021, Lào thu giữ lượng ma túy tang vật trong một vụ án lớn nhất từ trước đến nay tại Châu Á với 55 triệu viên hồng phiến, 1,5 tấn ma túy “đá”.

55 triệu viên hồng phiến, 1,5 tấn ma túy “đá” do Cảnh sát Lào thu giữ trong vụ án vào tháng 10/2021

Tại Myanmar, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị, song năm 2020, lực lượng chức năng đã thành công trong triệt phá đường dây sản xuất trái phép ma túy với quy mô lớn ở bang Shan, bắt giữ 33 đối tượng, thu giữ 200 triệu viên ma túy tổng hợp, 500 kg ma túy tổng hợp dạng tinh thể, 300 kg heroin, 5.750 lít methyl fentanyl.

Myanmar triển khai chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy quy mô lớn trong nước và phối hợp với lực lượng chức năng của Lào, Thái Lan phát hiện, bắt giữ 319 vụ, 415 đối tượng, thu giữ 742 kg thuốc phiện, 59 kg heroin, 22 triệu viên hồng phiến, 1,1 tấn ma túy “đá”, 22 kg cần sa cùng nhiều loại tiền chất là nguyên liệu để sản xuất trái phép ma túy tại Tam giác Vàng và các khu vực liên quan…

Tam giác vàng được coi là "trung tâm sản xuất ma tuý" lớn thứ 2 trên thế giới

Nỗ lực chặn “mạch ngầm” ma tuý

Thời gian qua, Việt Nam và các nước ASEAN đã chủ động đề xuất và tham gia sáng kiến khu vực nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác về phòng, chống và kiểm soát ma túy trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng với UNODC, tăng cường hợp tác với Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB), Ủy ban tư vấn kế hoạch Colombo, Tổ chức Cảnh sát quốc tế trong triển khai Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy.

Trong nỗ lực kiểm soát tình hình phức tạp về ma túy tại khu vực Tam giác Vàng, từ năm 2016, Thái Lan đã xây dựng Dự án sông Mê Công an toàn, mời Campuchia và Việt Nam tham gia với mục đích kiểm soát nguồn ma túy từ Tam giác Vàng vận chuyển vào các nước trong khu vực và nguồn tiền chất từ bên ngoài vào “công xưởng” ma túy ở đây.

Theo đó, các nước thành lập Trung tâm điều phối sông Mê Công an toàn nhằm tạo đầu mối trao đổi, xử lý nhanh thông tin về tội phạm ma túy. Hằng năm, các nước chọn ra nước chủ nhà chủ trì mời các nước cử đại diện sang làm việc trong thời gian từ 3 - 6 tháng.

Thái Lan đã hỗ trợ kinh phí cho các nước, đồng thời đề xuất các nước Tiểu vùng sông Mê Công thông qua Kế hoạch PCMT ở khu vực Tam giác Vàng nhằm tấn công trấn áp tội phạm trong nước để bao vây, cô lập khu vực sản xuất ma túy tại đây.

Hầu hết nguồn cung của các đường dây ma tuý xuyên quốc gia hiện nay đều có nguồn gốc từ Tam giác Vàng

Để ngăn chặn hiệu quả nguồn ma túy từ khu vực Tam giác Vàng vào Việt Nam, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý, Bộ Công an xác định cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về PCMT, phát huy triệt để các cơ chế hợp tác song phương, đa phương, thực hiện tốt việc trao đổi thông tin với các nước nhằm phát hiện, đấu tranh bắt giữ toàn bộ đường dây. Trong đó, chú trọng hợp tác với Lào với phương châm “giúp Bạn là giúp mình” góp phần ngăn chặn từ sớm, từ xa nguồn ma túy từ Tam giác Vàng qua Lào vào nước ta.

Xây dựng, thống nhất quy chế phối hợp giữa các lực lượng Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong PCMT ở biên giới, cửa khẩu, trên biển và trong nội địa; trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò chủ trì trong đấu tranh chống tội phạm ma túy.

Chú trọng kiểm soát các tiền chất, hóa chất thiết yếu từ khâu xuất nhập khẩu, sản xuất đến tay người sử dụng. Xem xét việc xử lý trách nhiệm, buông lỏng quản lý, kiểm soát ma túy, tiền chất ở khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển và địa bàn quản lý. Nghiên cứu, cập nhật các hóa chất thiết yếu có nguy cơ sử dụng vào sản xuất ma túy để đưa vào danh mục kiểm soát.

Hiện nay, Bộ Công an cũng đang đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ công tác PCMT tại Trạm Cảnh sát giao thông huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình để xem xét việc thành lập trạm kiểm soát ma túy tại các cửa khẩu, cảng biển, tuyến trọng điểm về ma túy trong cả nước, đồng thời kiểm soát chặt tuyến biên giới, nhất là tại các đường mòn, lối mở để ngăn chặn nguồn ma túy từ bên ngoài vận chuyển trái phép vào Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang