Vụ án “kiều nữ” lừa 15 tỷ đồng: 10 năm ròng mòn mỏi chờ công lý

Thứ Ba, 28/05/2019 18:31

|

(CAO) Trong khi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai và Tòa án tỉnh xác định đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt gần 15 tỷ đồng, thì Viện KSND tỉnh này lại ra các quyết định ‘phóng thích’ bị can, bị cáo, khiến vụ việc kéo dài suốt 10 năm làm nhiều người bất bình.

Ngày 28-5-2019, TAND tỉnh Gia Lai cho biết, Viện KSND cùng cấp vừa gửi cáo trạng truy tố cùng toàn bộ hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra cách đây 10 năm liên quan đến bị cáo Lê Thị Tường Vân (SN 1978, trú P.Yên Đổ, TP. Pleiku, Gia Lai) đến cơ quan này để xét xử theo quy định pháp luật.

Bị cáo Vân tại phiên tòa sơ thẩm năm 2013

Lê Thị Tường Vân bị tòa án hai lần kết kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 3 bị hại với tổng số tiền 15 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2008, đối tượng Vân nhiều lần vay tiền của các bị hại Nguyễn Thị Phượng Tường (SN 1968), Huỳnh Thị Thúy Vân (SN 1966), Hồ Thị Xuân Dung (SN 1977), đều trú tại TP. Pleiku và thanh toán dứt điểm cả gốc lẫn lãi theo đúng cam kết.

Khi đã xây dựng được lòng tin với 3 chủ nợ trên, Vân lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh của công ty Tuấn Tài (chồng Vân), từ ngày 2 đến ngày 4-11-2009, Vân nại lý do cần huy động vốn để nhập lô hàng 20 xe ô tô về cho công ty Tuấn Tài bán Tết nên đã hỏi vay của các bị hại trên số tiền 15 tỷ 250 triệu đồng.

Vợ chồng Vân đến nhà các bị hại viết giấy vay nợ và nhận đủ số tiền, hẹn trong 4 ngày sẽ trả. Nhưng 5 ngày sau đó, Vân chỉ trả 970 triệu đồng, số tiền còn lại, người phụ nữ này nói rằng đã cho một người khác ở TP.Pleiku vay, vẫn chưa lấy được.

Đối tượng còn đưa ra điều kiện hết sức vô lý với các chủ nợ là phải cho một nửa số nợ đồng thời không được báo Công an.

Các bị hại trong vụ án

Nhận đơn tố cáo, Phòng CSHS Công an tỉnh Gia Lai vào cuộc điều tra, xác định, trước khi nhận tiền của các bị hại, vào ngày 5-5-2009, đối tượng Vân đã chuyển dịch toàn bộ tài sản do vợ chồng mình đứng tên chủ sở hữu sang cho cha mẹ và em bằng cách làm hợp đồng ‘cho tặng và bán rẻ’. Ngày 11-5-2010, Công an tỉnh Gia Lai thi hành lệnh bắt giam bị can Vân.

Ngày 15-5-2012, TAND tỉnh Gia Lai mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Vân mức án 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo kháng cáo. Ngày 28-8-2012, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy án, điều tra lại.

Ngày 13-6-2013, tại phiên xét xử sơ thẩm lần 2, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Gia Lai tuyên trả hồ sơ để điều tra, làm rõ thêm một số vấn đề. Ngày 31-12-2013, TAND tỉnh Gia Lai mở phiên tòa, tuyên phạt sơ thẩm (lần 2) mức án 19 năm tù giam đối với bị cáo Vân, đồng thời tuyên buộc bị cáo này phải trả số tiền 14 tỷ 280 triệu đồng cho các bị hại (trừ số tiền 970 triệu đã trả trước đó). Bản án cũng tuyên huỷ hợp đồng cho tặng 2 căn nhà ở P.Yên Đổ là 103 Phan Đình Phùng và 104/01 Tăng Bạt Hổ, phong tỏa căn nhà số 335C Phan Đình Phùng (P.Yên Đổ) để bảo đảm thi hành án.

Vậy nhưng vào ngày 29-7-2014, TAND cấp cao tại Đà Nẵng lại tuyên hủy bản án sơ thẩm lần 2 để điều tra bổ sung. Ngày 12-8-2015, ông Trần Công Hùng - Phó viện trưởng VKS tỉnh Gia Lai ký các quyết định số 01/QĐ-VKS-P3 và 04/QĐ/VKS-P3 đình chỉ đối với vụ án, đình chỉ đối với bị can Vân (!?). Những quyết định này bị báo chí, dư luận phản ứng mạnh mẽ.

Quyết định đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án của Viện KSND tỉnh Gia Lai gây bất bình với các bị hại

Trước việc làm của VKS tỉnh Gia Lai, Công an tỉnh Gia Lai đã có công văn gửi Bộ Công an, TAND tỉnh Gia Lai cũng có văn bản gửi TAND Tối cao kiến nghị Viện KSND tối cao hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án của VKS tỉnh Gia Lai. Ban Nội chính Tỉnh ủy Gia Lai họp cũng có ý kiến phản đối việc đình chỉ vụ án.

Tháng 8-2017, VKS tỉnh Gia Lai ra quyết định khôi phục điều tra vụ án, đồng thời hủy các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can trước đó, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Công an tỉnh Gia Lai tiến hành điều tra lại.

Tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, vụ án này được nêu điển hình để đánh giá công tác cải cách tư pháp của tỉnh Gia Lai còn bộc lộ nhiều hạn chế, gây bất bình trong các cơ quan điều tra, trong ngành tòa án và nhân dân, khiến nhiều cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan tư pháp bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo. Dư luận và 3 bị hại trong vụ án mong muốn một bản án nghiêm minh với đối tượng lừa đảo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang