(CAO) Mặc dù UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đang có hoạt động phải để nguyên hiện trạng, nhưng Công ty Long Sơn vẫn ngang nhiên đưa người và máy móc vào san ủi đất, phá cây trồng của người dân.
Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao 1.079ha tại Tiểu khu 1535 (thời hạn 50 năm) cho Công ty Long Sơn sử dụng để thực hiện dự án đầu tư sản xuất đất nông nghiệp. Theo quy hoạch, Công ty Long Sơn sẽ trồng 441,1ha cao su; 62,2ha rừng; 68ha điều và thực hiện quản lý bảo vệ 507,7ha rừng.
Bất chấp chỉ đạo của UBND tỉnh
Liên quan đến vụ nổ súng vừa xảy ra trên địa phận xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) vào sáng ngày 23-10 làm 3 người chết và 16 người bị thương. Chiều 25-10, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: “Hiện tại cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh, làm rõ khu vực xảy ra vụ nổ súng có thuộc đất của Công ty Long Sơn hay không vì khi tỉnh giao đất chỉ xác định tọa độ trên bản đồ còn mốc ở thực địa thì chưa cắm”.
Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ súng - Ảnh: Bảo Bình
Ông Lộc cho biết thêm, trước đó nhận thấy tình trạng tranh chấp đất giữa các doanh nghiệp và người dân ở hai xã Quảng Trực, Đắc Ngo thuộc huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có dấu hiệu phức tạp nên UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đang có hoạt động tranh chấp để nguyên hiện trạng. Thế nhưng, bất chấp sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty Long Sơn vẫn tự ý đưa máy móc, công nhân vào khu vực đang xảy ra tranh chấp để san ủi. Không những vậy, khi đi thực hiện việc san ủi này, phía Công ty Long Sơn cũng không thông báo với chính quyền địa phương và các hộ dân trước khi thực hiện đây chính là nguyên nhân khiến một số đối tượng quá khích đã sử dụng súng tự chế bắn vào công nhân, bảo vệ của Công ty Long Sơn.
Nhiều lần xảy ra xô xát
Theo những người dân ở khu vực này cho rằng, họ đã làm rẫy ở đây (Tiểu khu 1535) trước khi UBND tỉnh giao đất cho Công ty Long Sơn. Nếu công ty muốn thu hồi đất thì phải bồi thường thoả đáng cho người dân.
Chị V.T.V ( SN 1980, trú tại xã Đắk Ngo, có rẫy tại Tiểu khu 1535) cho biết, gia đình chị có gần 5ha điều trồng ở đây hơn 10 năm nay. Sau đó, Công ty Long Sơn nói đất của gia đình chị nằm trong khu vực dự án nên yêu cầu chị giao đất. “Gia đình tôi cũng yêu cầu phía công ty phải bồi thường thoả đáng gia đình tôi mới giao đất, nhưng phía công ty không đồng ý”, chị V. bức xúc.
Theo chị V. khu vực mà Công ty Long Sơn nói là đất dự án có khoảng 360 hộ dân đang sinh sống, trồng điều, cao su nhưng doanh nghiệp này đòi thu hồi mà không đền bù thoả đáng cho người dân.
Nhiều diện tích cây trồng của người dân bị Công ty Long Sơn san ủi
Còn theo Ông P.T.H. (SN 1958, sống tại Tiểu khu 1535) cho biết, từ nhiều năm nay, giữa người dân canh tác tại Tiểu khu 1535 và Công ty Long Sơn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Nguyên nhân do trước đây, khu vực này là đất rừng người dân tự khai phá lấy đất sản xuất. Đến năm 2008, đất của người dân bỗng dưng bị chính quyền giao cho Công ty Long Sơn làm dự án nhưng lại không được công ty hỗ trợ, đền bù thỏa đáng nên quyết không rời bỏ diện tích đất đã khai phá. Nhiều lần Công ty Long Sơn đã cho máy móc và người vào san ủi diện tích cây trồng và tháo dỡ chòi rẫy của người dân rồi 2 bên xảy ra xô xát. Người dân cũng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Công ty Long Sơn cho biết, trong quá trình giao đất, có hơn 200 ha thuộc diện được chi trả bồi thường, do đất được người dân khai hoang trước đó. Trên phần đất 200ha này, khi triển khai công tác bồi thường, công ty đã thông báo cho người dân, đã lên phương án bồi thường cụ thể nhưng người dân không đồng ý nên công ty đang ngưng lại để tìm giải pháp. Còn về những diện tích không được bồi thường mà người dân đã tự ý lấn chiếm và trồng cây thì công ty đưa người và máy móc xuống thu hồi thì xảy ra xung đột.