Nhiều doanh nghiệp ô tô nhập khẩu tư nhân điêu đứng vì 'Nghị định kép'

Thứ Năm, 14/12/2017 15:00  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô tư nhân đã điêu đứng vì Nghị định 116 và Nghị định 125 của Chính phủ ban hành.

Trước đó, để giảm lượng xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 20 (năm 2011). Đồng nghĩa, các đại lý tư nhân không thể nhập xe mới và giải pháp thay thế là các doanh nghiệp kinh doanh xe mới dạng biếu tặng, xe chạy lướt (xe đã qua sử dụng dưới 10.000 km hoặc 6 tháng tại nước ngoài).

Đa số xe nhập về đã qua sử dụng thuộc dòng hạng sang, siêu xe và các mẫu xe không được phân phối chính hãng tại Việt Nam. Sau 5 năm tồn tại, Thông tư 20 hết hiệu lực vào ngày 1-7-2016, thời điểm này các đơn vị nhập khẩu chính hãng và tư nhân đã xảy ra tranh cãi.

Ngày 17-10-2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Ưu tiên cho các nhà nhập khẩu chính hãng có quy mô, tổ chức; đây được xem là phán quyết triệt 'đường lách' của các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xe nhập khẩu.

Theo một doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu ô tô (xin được giấu tên) nhận định, áp theo Nghị định 116 quy định, chúng tôi không còn 'đường lách'. Chúng tôi có thể đi thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng nhưng văn bản xác nhận và tài liệu chứng mình quyền thay mặt nhà sản xuất - lắp ráp ô tô hoặc thực hiện triệu hồi là điều không thể. Các giấy tờ trên chỉ cấp cho nhà nhập khẩu chính hãng.

Tăng thuế ô tô cũ nhập khẩu lên gấp đôi
 

"Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng 'cửa cuối' là nhập ô tô theo dạng quà biếu, di chuyển tài sản đề về Việt Nam, nhưng số lượng xe đưa về rất hạn chế và khó cạnh tranh trong nước", doanh nghiệp tư nhân này cho hay.

Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tư nhân tìm đường kinh doanh khác với 'Nghị định kép'

Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tư nhân còn đang loay hoay tìm đường tháo gỡ, thì chưa đầy 1 tháng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; trong đó sửa đổi, bổ sung thuế nhập khẩu đối với ô tô đã qua sử dụng.

Theo Nghị định 125, mức thuế tuyệt đối chỉ dáp dụng đối với dòng xe có dung tích dưới 1L mức 10.000 USD. Trong khi đó, mức thuế tuyệt đối trước đây áp dụng cho hai dòng ô tô cũ dung tích dưới 1L và 1L đến dưới 1.5L là 5.000 USD và 10.000 USD.

Ô tô nhập khẩu trong khối ASEAN tăng mạnh tại thị trường Việt
 

Đối với ô tô dung tích từ 1L - dưới 2.5L, mức thuế hỗn hợp X+10.000 USD và ô tô dung tích trên 2.5L giữ nguyên cách tính thuê hỗn hợp X+15.000 USD (X= {giá thính thuế ô tô đã qua sử dụng} x {mức thuế suất của ô tô mới cùng loại}).

Áp cách tính thuế mới, ô tô dung tích dưới 2.5L đã qua sử dụng có mức thuế cao hơn, dẫn đến xe chịu khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT trên giá tính của biểu thuế mới. Giá xe đưa ra thị trường sẽ không còn mềm hơn do phụ thuộc vào thuế, chi phí bán hàng, quảng cáo, lợi nhuận,...

"Đa phần khách hàng chọn xe cũ nhập khẩu vì giá bán tốt hơn, nhưng đến thời điểm này thì người tiêu dùng sẽ chọn xe chính hãng có chế độ bảo hành, hậu mãu tốt hơn. Hai Nghị định 116 và 125 của Chính phủ ban hành đã cắt đứt đường về của xe cũ nhập khẩu.

Các doanh nghiệp chỉ có thể buôn xe cũ đang lưu hành trong nước hoặc làm đại lý uỷ quyền của hãng xe chính hãng. Hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũ đã phá sản hoặc đang chuyển hướng kinh doanh sang công nghiệp phụ trợ và kinh doanh khác", một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tư nhân chia sẻ.

Ghi nhận tại một số showroom ô tô nhập khẩu tư nhân, đa số các mẫu xe trưng bày đều đã có biển số, trong khi đó trước đây các xe đưa về chưa đăng ký biển số tại Việt Nam và thậm chí có một số xe còn để cả biển số nước ngoài.

Để thẩm định giá chuẩn, các doanh nghiệp ô tô tư nhân không chỉ dựa vào thị trường, chính sách, chất lượng xe mà còn phải nắm giá xe chính hãng.

"Xe nhập chỉ có đại lý phân phối chính hãng nắm giá, chúng tôi phải dựa theo giá thị trường và giá hãng để thẩm định mức giá bán tốt nhất cho khách hàng. Việc này rất đau đầu với chúng tôi. Trước mắt chúng tôi chọn buôn xe cũ, chạy lướt còn chính hãng. Để chúng tôi đấu trực diện với đại lý chính hãng thì như 'trứng chọi đá'", một quản lý showroom trên đường An Dương Vương (Q.5, TP.HCM) cho hay.

Bãi bỏ Thông tư 20, doanh nghiệp tư nhân vẫn điêu đứng

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành Thông tư 28/2017 TT-BCT, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu.

Trong đó, Thông tư mới đã chính thức bãi bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người đối từ 9 chỗ ngồi trở xuống và Thông tư 04/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, từ ngày 1-1-2018, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tư nhân sẽ không cần xuất trình giấy chỉ định hoặc giấy uỷ quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng như hiện hành. Việc dỡ bỏ Thông tư 20 sẽ khiến thị trường ô tô sẽ tăng mạnh, khó kiểm soát được chất lượng và gia tăng nhập siêu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, Thông tư 20 có bãi bỏ hay không vẫn không giảm nhập siêu ô tô.

'Năm 2011, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu ô tô là 1,02 tỷ USD, nhưng chỉ sau 5 năm thì tăng gần 3 tỷ USD. Nhu cầu người tiêu dùng sắm xe tăng theo thời gian nên dù có hay không các ràng buộc trong nhập khẩu thì việc này vẫn không ảnh hưởng đến thị trường ô tô trong nước', vị chuyên gia lý giải.

Thời gian gần đây, thị trường ô tô phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng, điều này đã gây hiện tượng khan hiếm hàng và giá xe bị đẩy lên cao.

Mặc dù Thông tư 20 đã được bãi bỏ nhưng Nghị định 116 và 125 vẫn là 'rào cản' mới cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tư nhân tại Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang