Ai đứng sau việc "bôi nhọ" hàng loạt ĐH ở Đà Nẵng trước mùa tuyển sinh?

Thứ Sáu, 21/08/2020 09:37  | Hoàng Quân

|

(CAO) Nhiều học sinh, phụ huynh nhận được các tài liệu không chính xác, thiếu khách quan về các trường Đại học (ĐH) ở Đà Nẵng. Sự việc diễn ra đúng lúc thí sinh đang phân vân chọn trường, ngành cho năm học mới...

Gửi tài liệu nặc danh đến học sinh, phụ huynh

Nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên ở miền Trung phản ánh đến Báo Công an TP.HCM các gói bưu phẩm (có dấu bưu điện từ TP.HCM, gửi vào tháng 8-2020) chứa nhiều tài liệu in trên giấy A4; nội dung phản ánh quá khứ, phân tích thực trạng 8 Trường ĐH ở Đà Nẵng (hệ công lập: Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ; khối tư thục: Kiến Trúc, Đông Á, Duy Tân và FPT). Trong đó, tài liệu chủ yếu bới móc, quy chụp, bôi nhọ; phân tích “lợi hại” của các trường để "định hướng" thí sinh nên chọn ngành nào, trường nào, học phí trường nào phù hợp nhất.

Các "tài liệu" gửi về nhiều giáo viên, học sinh các trường cấp 3 tại miền Trung về tình hình các trường đại học tại Đà Nẵng.

Tài liệu trên thống kê điểm cộng, điểm trừ các trường. Về điểm trừ của các trường ĐH, "tài liệu" này nêu: Đối với ĐH Bách Khoa, SV hầu hết thụ động, học lý thuyết nhiều nên khó tiếp cận công việc ngay khi ra trường. Học phí vào loại cao nhất miền Trung... ĐH Kinh tế: Học phí khá cao, học phí và chất lượng đào tạo chưa tương xứng, nhiều phụ phí. ĐH Ngoại ngữ: Cơ chế công lập nên không đổi mới về hình thức giảng dạy, nặng lý thuyết, ít thực hành. ĐH Sư phạm: Chuyên môn giảng dạy khá thấp vì nâng cấp từ trường Cao đẳng lên, cơ hội việc làm của SV thấp. ĐH Kiến trúc: Khá sơ sài, chưa có nhiều thành tích, tên trường dễ bị hiểu nhầm, mở nhiều ngành học để thu hút nguồn thu.

ĐH Đông Á: Nâng cấp lên từ trường CĐ, chất lượng đào tạo thấp; nhiều điều tiếng những năm gần đây. ĐH FPT: Học phí quá cao và nhiều phụ phí. SV phải học đến 6 level tiếng Anh, không qua level nào phải nộp tiền học lại dẫn đến SV bỏ học nhiều vì cách tính điểm lên lớp bằng ngoại ngữ, 95% SV ra trường có việc làm nhưng số SV bắt Internet dạo hay tiếp thị điện thoại chưa được thống kê. ĐH Duy Tân: Trường tư thục, học hơi căng, không lo học là bị thi lại ngay; trường có nhiều cơ sở (ở trung tâm thành phố) nên di chuyển hơi nhiều, là điều đáng ngại; trường nổi tiếng vì sự hà khắc của giảng viên trong việc đảm bảo các chuẩn đầu ra về học thuật, ngoại ngữ và tin học...

Kẻ nặc danh hướng dẫn thí sinh chọn học Ngoại ngữ hoặc Du lịch tại ĐH Kinh tế nhưng phê phán: Sau năm 2017, ĐH Kinh tế đã xin được tự chủ tài chính nhưng đẩy học phí lên cao. Một thời gian dài, báo chí đã lên tiếng dữ dội. Nhưng nhờ đó mà trường có tài chính dồi dào để trả lương và nâng cao đời sống cán bộ.

"Tài liệu" phân tích, đối chiếu về lựa chọn các ngành, các trường.

ĐH Kiến trúc: Lập lờ tên gọi, thực tế là trường tư nhưng được hiểu là công lập khiến nhiều người lầm và nó đã làm lợi cho trường; nhiều SV không vào được các trường khác thì tìm đến ĐH Kiến trúc. ĐH Đông Á: Đội ngũ giảng viên non về chuyên môn và kinh nghiệm, lãnh đạo trường nguyên là Giám đốc doanh nghiệp, có quan hệ tốt với chính quyền nên được ưu ái về đất đai và một số cơ chế mở….

Ý đồ xấu, cạnh tranh không lành mạnh?

Ngày 20-8, TS Phạm Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cho biết: “Các tài liệu trên xúc phạm danh dự, uy tín của trường, cán bộ, giáo viên. Trường đã thông báo đến cán bộ, giáo viên để mọi người cảnh giác trước những thông tin xuyên tạc. Những tài liệu, kết luận thanh tra không được công bố nhưng tài liệu trên lại lan truyền rộng rãi… Mấy năm nay họ "chơi" xấu mình, mình không quan tâm mà để cho xã hội, cho SV, phụ huynh đánh giá. Ai đó phá cả hệ thống các trường ĐH ở Đà Nẵng chứ không riêng trường mình. Mùa dịch này, trong lúc cả nước và Đà Nẵng chung tay chống dịch, hừng hực tinh thần nhường cơm sẻ áo thì lại có kẻ tìm cách làm hại người khác... Hãy dừng lại!”!

"Tài liệu" phân tích điểm cộng, điểm trừ, so sánh, đối chiếu các trường đại học tại Đà Nẵng.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT Đà Nẵng, Chủ nhiệm CLB các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập trao đổi: “Qua các tài liệu cho thấy có sự cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt trong bối cảnh Đà Nẵng đang phải căng mình chống dịch Covid-19; phụ huynh và thí sinh rất khó khăn; chưa biết khi nào thi, các trường chưa biết khi nào khai giảng lại... Các trường có thể đưa thông tin tốt về trường mình nhưng trong chuyện cạnh tranh, luật pháp nghiêm cấm chê người khác để nâng cái của mình lên. Anh khen anh thì mặc kệ, anh nói không chính xác thì anh chịu trách nhiệm; không được phép so sánh, đối chiếu những chuyện khác trong việc thu hút sinh viên. Thực ra các trường đều có thương hiệu, thâm niên nên việc thêm, bớt vài chục SV không ảnh hưởng gì. Nhưng mà làm thư nặc danh như vậy thì chẳng hay ho gì”.

“Sự quan tâm nhất của mình và trường hiện nay là làm sao phụ huynh, thí sinh có thông tin chính xác nhất để lựa chọn trường học; nên nghe, kiểm chứng từ thông tin chính thống của các cấp, các ngành, báo chí; phải nhận biết, cảnh giác trước thông tin nặc danh, không chính thống, thiếu chính xác, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh... Thời buổi kinh tế thị trường, chọn trường nào, ngành nào là việc của thí sinh và phụ huynh, không thể áp đặt ý chí được. Và nguyên tắc bên phía tuyển sinh là cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan”, TS Tùng nói thêm.

Còn TS Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á chia sẻ: “Giáo dục là phải làm gương, giáo dục đức tính trung thực để hướng tới chân thiện mỹ. SV có thể sẽ tự hào về sự nỗ lực thực sự của chính SV, chứ không phải tự hào về những kiểu hành xử: nói ngược, nói không thành có, bôi nhọ, dìm người khác...

TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết: “Tôi cũng có nghe phản ánh về các tài liệu trên và không rõ thực hư ra sao, không có nguồn cụ thể. Trường cũng chịu tình trạng bị nói xấu trên mạng nhưng tôi không quan tâm lắm, sẽ có cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Quan trọng hiện nay là mọi người tập trung lo chống dịch bệnh, không biết khi nào thi cử, học, trường hoạt động trở lại”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang