Nắng nóng kéo dài, hàng vạn hộ dân Sài Gòn ‘khát’ nước sạch

Thứ Năm, 14/04/2016 09:22  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nam Bộ bước vào cao điểm nắng nóng, tình hình xâm nhập mặn ở các sông Đồng Nai, Sài Gòn tăng cao khiến hàng vạn người dân Sài Gòn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Nhiều hộ đã phải chấp nhận sử dụng nước giếng không hợp vệ sinh, nguy cơ dịch bệnh rình rập mùa nắng nóng.

Theo Công ty cấp nước Sài Gòn, đến nay còn gần 400.000 hộ dân trên địa bàn TP.HCM chưa sử dụng nước sạch, chủ yếu tập trung ở các quận, huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12.

Điển hình như huyện Củ Chi, đến nay tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch là 31.619 hộ trong tổng số 103.479 hộ trên toàn địa bàn huyện, đạt tỷ lệ 30,55%.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức, số hộ dân chưa sử dụng nước sạch vẫn còn lớn, nguyên nhân do người dân có thói quen sử dụng nước giếng khoan.

Một nguyên nhân nữa là địa bàn các xã trải rộng, việc xây dựng hạ tầng, mạng lưới nước sạch đến các ấp còn gặp nhiều khó khăn, tốn kém.

Nhiều hộ dân huyện Củ Chi có thói quen sử dụng nước giếng. Ảnh: Ngô Đồng

Tương tự, tại quận 12, hiện có 76.600/124.800 hộ chưa được cấp nước sạch. Còn ở huyện huyện Bình Chánh còn có 76.711 /155.643 hộ dân chưa sử dụng nước hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 52%.

Mặc dù thành phố đã đầu tư hơn 10 ngàn tỷ đồng để xây dựng các Nhà máy nước để nâng công suất cấp nước của thành phố từ 1,7 triệu m3/ngày đêm lên 2,57 triệu m3/ngày đêm nhưng công tác cấp nước cho người dân vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện tình hình xâm nhập mặn ở các sông Đồng Nai, Sài Gòn tăng cao đã khiến cho các trạm bơm nước thô cho các nhà máy nước trên sông Sài Gòn và Đồng Nai thường xuyên tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho hàng triệu người dân.

Theo Công ty cấp nước Sài Gòn Sawaco, từ đầu năm 2016 đến nay, khô hạn trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Trong khi đó, lượng nước ở hồ Dầu Tiếng (thượng nguồn sông Sài Gòn) chỉ tích được 76%, hồ Trị An (sông Đồng Nai) tích trữ được khoảng 80% nên lưu lượng nước các sông Sài Gòn, Đồng Nai giảm theo. Vì vậy, các hồ đang thiếu nước để xả đẩy mặn.

Dân ngoại thành Sài Gòn trữ nước sạch để dùng trong sinh hoạt. Ảnh: Ngô Đồng

Theo đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), độ mặn cũng thường xuyên vượt ngưỡng 150 mg/lít/ngày từ đầu năm 2016 tại sông Sài Gòn. Nhiều thời điểm, độ mặn tăng cao, nhà máy nước Tân Hiệp (TP HCM) và Bình An (Đồng Nai) phải tạm ngừng lấy nước thô và điều chỉnh chế độ vận hành.

Ảnh hưởng ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, các tác động bất lợi đến nguồn nước sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Sawaco kêu gọi người dân Sài Gòn sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm nước để đảm bảo nguồn nước sạch sẽ đến được với những người có nhu cầu bức thiết.

Về giải pháp lâu dài, Sawaco đang triển khai các bước đầu tư cải tiến công nghệ xử lý nước; nâng cao dung tích và khả năng dự phòng của các công trình chứa nước sạch; nghiên cứu khai thác các nguồn nước mới.

Ngoài ra, giải pháp xây dựng các hồ dự trữ nước thô để đảm bảo khả năng cung cấp nước thô cho các nhà máy ứng phó với xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước.

Năm 2016, thêm 228.665 hộ được cấp nước sạch

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch và phân công nhiệm vụ thực hiện kế hoạch cung cấp nước sạch trên địa bàn TP năm 2016 để tỷ lệ hộ dân TP được cấp nước sạch đạt 100% theo Nghị quyết số 35/NQ-HĐND.

Theo đó, số hộ dân được cấp nước sạch tăng thêm trong năm 2016 là 370.251 hộ, nâng tổng số hộ dân trên địa bàn TP được cấp nước sạch là 1.900.772 hộ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang