Hải Phòng:

Phật tử, chính quyền bất bình vì hành động khó hiểu của sư trụ trì

Thứ Ba, 15/08/2017 10:31

|

(CAO) Di tích cấp Quốc gia đang bị xâm hại nghiêm trọng khiến phật tử vô cùng bức xúc. Đáng nói, vị sư trụ trì tại đây đang có những hành vi rất khó hiểu khiến Phật tử không khỏi bất bình. Đó là thực trạng đang diễn ra tại chùa Trung Hành, phường Đằng Lâm, quận Hải An.

Chùa Trung Hành bị xâm hại nghiêm trọng

Cụm miếu, chùa Trung Hành nằm bên đại lộ Lê Hồng Phong (gần sân bay Cát Bi), khởi dựng vào thế kỷ 16. Ngày 18-1-1993, chùa được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Theo tài liệu lịch sử, Trung Hành là vùng đất Ngô Quyền đóng quân và huy động sức người, sức của, đánh quân xâm lược Nam Hán năm 938, mở đầu kỷ nguyên độc lập lâu dài của đất nước.

Chùa Trung Hành đang "kêu cứu"

Đây cũng là một trong 17 làng, xã có hệ thống bố phòng, tích chứa quân lương của Ngô Quyền, nên được các triều đại kế tiếp phong sắc. Điểm nổi bật của cụm di tích là sự hợp lý, liên hoàn, kết cấu hoàn chỉnh của toàn bộ khuôn viên. Chùa gồm có kiến trúc cổng, toà bái đường, hai bên giải vũ, cung ngoài, cung trong kiểu nội công, ngoại quốc. Toà hậu cung thâm nghiêm thờ Ngô Vương Quyền ngay cạnh miếu về bên trái là chùa Trung Hành (còn có tên “Hưng Khánh tự”).

Chùa có bố cục kiến trúc truyền thống: tam quan, gác chuông, toà phật điện, nhà thờ tổ, vườn bia, mộ tháp, tam quan ngoại. Tam quan nội có 3 tầng 12 mái, lợp ngói cổ 2 lớp, hai cửa bên xây kiểu 2 tầng, 8 mái. Kiến trúc cổng chùa mang ý nghĩa dịch học sâu sắc, biểu thị 3 thành phần cơ bản của vũ trụ là thiên - địa - nhân. Tầng giữa trung quan treo quả chuông đồng cao 1,4m, đúc năm Minh Mạng thứ ba (1822). Toà phật điện chùa Trung Hành thờ các pho tượng phật: Tam Thế, A Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền, hộ thiện, trừ ác… Đặc biệt tại đây còn lưu giữ pho tượng vị Hoàng đế nhà Mạc, được tạc bằng đá, được các thế hệ hậu duệ nhà Mạc (một nhánh mai danh, ẩn tích, đổi từ họ Mạc sang họ Khoa) cất giữ, phủ lớp sơn ngoài ngụy trang và bảo vệ cho đến ngày nay. Lễ hội ở Trung Hành diễn ra từ ngày 17 tháng Giêng (âm lịch).

Cổng chùa mới xây dựng để ô tô đi vào ga ra của sư trụ trì

Hiện kiến trúc tổng thể của chùa Trung Hành đã và đang bị phá vỡ, bởi việc sửa chữa, xây dựng mới tiến hành hết sức tùy tiện. Cổng chính vào chùa trước đây không được phục dựng nguyên dạng, mà thay vào là một hàng rào bằng đá bịt kín cả tam quan. Con đường chính ra vào bây giờ lại chuyển sang bên trái chùa (sát nhà dân), khiến khách thập phương đi lễ, tham quan, vãn cảnh không được tuần tự dạo qua cổng tam quan ngoại, tam quan nội uy nghi, để chiêm ngưỡng nét cổ kính của tháp chuông.

Đáng nói, con đường này cắt qua khu mộ cổ vốn thâm nghiêm, tĩnh lặng mà 11 vị sư trụ trì qua các đời an nghỉ, rồi chạy thẳng vào ga ra ô tô của sư trụ trì “đang tại vị ”. Ông Khoa Kim Tá (một trong hậu duệ xa đời của nhà Mạc), 84 tuổi, là Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý khu di tích cho biết: “Khi mở đường mới, sư trụ trì đã cho chặt một số cây cổ thụ, trong đó có hai cây bồ đề lớn đường kính 0,8m”.

Theo cơ quan Thanh tra Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng, tại thời điểm thanh tra ngày 16-12-2011, việc cải tạo khu di tích chùa Trung Hành không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Gần đây, sư trụ trì lại cho đem một số khối đá to hình chữ “S” và tượng về đặt trước cửa Tam bảo, Nhà mẫu, đồng thời xây chân đế mục đích để đặt tượng lớn mà không hề báo cáo chính quyền địa phương cũng như xin phép cấp có thẩm quyền. Như vậy, hành vi thay đổi cấu trúc cảnh quan, chặt cây cổ thụ tại chùa Trung Hành là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hoá.

Nghiêm trọng hơn, mới đây UBND phường Đằng Lâm, cùng Ban Quản lý cụm di tích, có sự chứng kiến của Đại đức Thích Bản Phúc – trụ trì chùa Trung Hành, tiến hành kiểm đếm các pho tượng cổ trong chùa. Kết quả kiểm tra đã phát hiện tại chùa thiếu một số pho tượng cổ. Đối chiếu với hồ sơ năm 1992 khi được Nhà nước xét xếp hạng di tích cấp Quốc gia, các pho tượng cổ quý hiếm đã “biến mất” như: “Quan thế âm bồ tát; Đại thế chí bồ tát”; tượng “Quan âm và 2 bồ tát”; “Nam tào - Bắc đẩu”; “Hai vị la hán cưỡi thú”; “Tam tòa thánh mẫu”; “Bàn nhang án bằng đá kép thời Mạc” (toàn quốc chỉ còn 6 cái). Ông Khoa Kim Tá còn cho biết: “Hậu duệ nhà Mạc có cung tiến vào chùa 1 pho tượng bằng đồng hun, nhưng giờ cũng không còn”.

Nhà chùa liên tục vi phạm pháp Luật Di sản văn hóa

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Khánh – Chủ tịch UBND phường Đằng Lâm cho biết, không chỉ phá vỡ cảnh quan di tích chùa Trung Hành, Đại đức Thích Bản Phúc còn luôn tỏ thái độ bất hợp tác với chính quyền địa phương, không chấp hành các quy định pháp luật, hàng năm tổ chức nhiều lễ, nhưng không có đăng ký, không xin phép, không báo cáo, coi ngôi chùa Trung Hành là của riêng gia đình mình, muốn làm gì thì làm. Khoảng chục năm nay, nhà chùa liên tục vi phạm pháp Luật Di sản văn hóa. Mặc dù UBND phường đã 7 lần mời Đại đức Thích Bản Phúc họp để bàn về những vấn đề liên quan việc bảo về chùa, nhưng Đại đức Thích Bản Phúc không dự, cũng không có hồi âm và tự ý xây dựng, thay đổi tổng quan đến các thiết kế nguyên thủy của chùa, làm biến dạng di tích lịch sử chùa.

Trụ đế đang xây dựng mục đích để đặt một tượng lớn trong khu di tích

Lãnh đạo UBND phường Đằng Lâm chia sẻ, mới đây nhất là ngày 23-7, nhân tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày “Thương binh, liệt sỹ” (27/7/1947 - 27/7/2017), Đảng, chính quyền phường tổ chức lễ viếng đài liệt sỹ, lễ cầu siêu cho linh hồn các Anh hùng, liệt sỹ, trong đó mời Đại đức Thích Bản Phúc làm lễ, nhưng ông không tham gia giúp chính quyền, nhân dân địa phương.

Trước sự xâm hại đối với một cụm di tích lịch sử cấp quốc gia, với thái độ bất hợp tác của Đại đức Thích Bản Phúc với chính quyền, nhân dân, dư luật tại phường Đằng Lâm rất bức xúc. Nhiều người dân đã kiến nghị các cấp Đảng, chính quyền và cơ quan chức năng bảo vệ luật pháp vào cuộc, làm rõ, xử lý những vi phạm. Vừa qua, UBND phường Đằng Lâm đã báo cáo UBND quận Hải An, đề nghị UBND thành phố, Thành Hội Phật giáo Hải Phòng xem xét, xử lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang