Bộ trưởng Kim Tiến đột xuất kiểm tra các phòng khám bị tố 'vẽ bệnh để móc túi'

Thứ Sáu, 28/04/2017 07:48  | Ngô Đồng

|

(CAO) Ngày 27-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn kiểm tra bất ngờ kiểm tra đột xuất một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP.HCM.

Bộ trưởng Kim Tiến bất ngờ vi hành kiểm tra phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), nơi nhiều người bệnh phản ánh về việc bị thu phí khám chữa bệnh theo kiểu "vẽ bệnh để móc túi”. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện nơi đây đã thay đổi hiện trạng ban đầu.

Bước vào một số phòng chuyên môn, Bộ trưởng ngạc nhiên khi bên trong trống trơn, không hề có bóng dáng bác sĩ. Nhân viên hành chính cho biết bác sĩ của phòng khám đã xin nghỉ vì bị bệnh.

Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), nơi nhiều người bệnh phản ánh về việc bị thu phí khám chữa bệnh theo kiểu "vẽ bệnh để móc túi”

Dù quảng cáo là phòng khám đa khoa nhưng khi Bộ trưởng lướt qua nhiều bộ hồ sơ thì nhận ra bệnh nhân đến đây chỉ toàn khám ngoại khoa, ghi chép không cụ thể. Phòng khám này có 2 bác sĩ Trung Quốc đến khám, phụ trách khám ngoại khoa, nhưng tại thời điểm kiểm tra cũng không có bác sĩ này ở phòng khám.

Tại phòng xét nghiệm của phòng khám được trang bị rất sơ sài, không có máy xét nghiệm cũng như những dụng cụ hiện đại cần thiết. Đại diện phòng khám thừa nhận, ngoài chuyện xét nghiệm sinh hóa thì tất cả các xét nghiệm chuyên sâu hơn đều được chuyển đi nơi khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra một số phòng khám có yếu tố nước ngoài tại TP,HCM

Trước đó, Bộ trưởng cũng đếm kiểm tra phòng khám MAYO (đường 3/2, quận 10). Phòng khám này gần đây bị bệnh nhân tố BS Trung Quốc làm việc tại đây “vẽ bệnh” để trục lợi.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Công Phúc, Giám đốc chuyên môn của phòng khám giải thích rằng đã tạm ngừng công việc của các BS này từ vài tháng trước vì có sự mâu thuẫn trong vấn đề ngôn ngữ, giao tiếp gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng đã vi hành kiểm tra một số phòng khám có vốn đầu tư Singapore và ghi nhận các lỗi sai phạm trước đó tại các phòng khám này đã được khắc phục.

Bộ trưởng Kim Tiến kiểm tra hoạt động các phòng khám tư nhân trên địa bàn TP.HCM sáng 27-4
Các phòng khám đa khoa yếu tố nước ngoài kiểm tra đâu vi phạm đó

Sau khi kiểm tra và ghi nhận các phòng khám còn nhiều sai phạm, ngay trong chiều 27-4, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tiếp tục có buổi làm việc với UBND TP.HCM về vấn đề kiểm soát, quản lý các phòng khám có yếu tố nước ngoài.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện TP có 197 phòng khám đa khoa tư nhân, trong đó có 21 phòng khám đa khoa liên quan đến yếu tố nước ngoài gồm: 12 phòng khám đa khoa đăng ký hành nghề với quốc tịch Trung Quốc và 9 phòng khám còn lại đăng ký hành nghề với các quốc tịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp...

Trong 4 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất 34 cơ sở và đều phát hiện vi phạm, phạt hành chính với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Cụ thể ở phòng khám đa khoa, kiểm tra 11 cơ sở thì có 10 cơ sở vi phạm hành chính và 1 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; phòng khám có yếu tố nước ngoài kiểm tra 7 phòng khám thì có 6 cơ sở vi phạm trong đó đình chỉ hoạt động một cơ sở.

Còn trong năm 2016, qua kiểm tra 143 phòng khám đa khoa, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện 24 cơ sở vi phạm hành chính và 4 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động. Riêng kiểm tra 14 phòng khám có yếu tố nước ngoài thì phát hiện 100% cơ sở vi phạm, trong đó có 2 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận, qua công tác thanh kiểm tra cho thấy các phòng khám đa khoa nói chung và phòng khám có yếu tố nước ngoài nói riêng, đa số chủ đầu tư là người nước ngoài không có chuyên môn trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của người phiên dịch chưa đảm bảo tốt. Người bệnh phản ánh về việc "hù dọa", "vẽ bệnh" của các phòng khám và những người "hù dọa" thường là phiên dịch.

Phạm vi chuyên môn của các bác sĩ nước ngoài chung chung, trong khi đó bác sĩ Việt Nam chịu trách nhiệm chuyên môn tại phòng khám nhưng trên thực tế không được thông tin về các bệnh nhân hay trao đổi về tình trạng của bệnh nhân vì rào cản ngôn ngữ nên không kiểm soát được các hoạt động chuyên môn phòng khám.

Ông Bỉnh cho rằng, thách thức lớn nhất trong việc quản lý các phòng khám tư nhân đặc biệt là các phòng khám có yếu tố nước ngoài là một số hành vi sai phạm chưa có điều khoản áp dụng xử phạt như kê toa trong điều trị ngoại trú; cung cấp dịch vụ vượt quá danh mục kỹ thuật,...

Đặc biệt, có một số phòng khám đa khoa liên quan yếu tố nước ngoài có hiện tượng đối phó với đoàn thanh tra như: gắn các thiết bị theo dõi, báo động từ xa; trì hoãn, kéo dài thời gian để bác sĩ và nhân viên tìm cách đối phó; lập hồ sơ sổ sách sơ sài, ghi bằng ngôn ngữ khác không phải bằng tiếng Việt để gây khó khăn cho các cơ quan thanh, kiểm tra trong việc xử lý vi phạm.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế TP.HCM cần chấn chỉnh ngay, kịp thời không thể để tình trạng này tồn tại gây thiệt hại cho người bệnh. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để công tác này hiệu quả hơn, cần phối hớp với các bộ phận như công an khu vực, phòng y tế… liên tục kiểm tra các phòng khám này.

Trong thời gian sắp tới, Thanh tra Sở Y tế cùng các phòng y tế quận, huyện sẽ tiếp tục thanh tra, giám sát liên tục các phòng khám tư nhân để kịp thời xử lý, khắc phục các sai phạm nếu có.

TP.HCM: Một phòng khám Trung Quốc bị đề xuất tước giấy phép hoạt động
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang