Kẻ lọc máu, chạy thận; người hoại tử một phần tụy... sau chầu nhậu

Thứ Tư, 15/02/2017 00:32

|

(CAO) Chỉ sau khi uống rượu 1 ngày, 2 người đàn ông phải nhập viện vì viêm tụy cấp. Một người phải lọc máu và chạy thận, người còn lại bị hoại tử một phần tụy.

Kẻ chạy thận, người hoại tử một phần tụy sau chầu nhậu

Thông tin từ BV Đại học Y dược TP.HCM, BV này vừa tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp viêm tụy cấp sau khi uống rượu.

Anh Lê Hoàng K. (45 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) nhập viện tại BV Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng đau bụng dữ dội một ngày sau khi uống bia, kèm theo mệt nhiều, khó thở, không ăn uống được.

Người bệnh được bác sĩ chẩn đoán là viêm tụy cấp nặng kèm theo suy thận, suy hô hấp phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện để chạy thận và lọc máu.

BS Võ Ngọc Quốc Minh thăm khám cho bệnh nhân

Cũng giống như trường hợp trên, Anh Nguyễn Minh H. (34 tuổi, ngụ tại TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội sau khi uống rượu một ngày. ANh H. được bác sĩ chẩn đoán là viêm tụy cấp, hoại tử một phần tụy. Người bệnh được cho nhịn ăn uống, bù nước, điện giải và chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.

ThS BS Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, sau một kỳ nghỉ Tết dài, chế độ ăn uống không điều độ cũng như việc sử dụng bia rượu nhiều làm gia tăng các ca nhập viện cấp cứu.

Cụ thể, các ca bệnh liên quan đến rượu bia tại khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 50%, chủ yếu các bệnh thường gặp nhất là viêm tụy cấp, tiếp theo đó là bệnh viêm gan và viêm dạ dày liên quan đến bia rượu.

Viêm tụy cấp có thể làm suy đa cơ quan

Theo BS Minh, viêm tụy cấp là một bệnh phổ biến thường gặp trong các bệnh lý đường tiêu hóa cần phải nhập viện. Theo thống kê sau Tết tại khoa Nội Tiêu hóa, cứ 20 người bệnh nhập viện thì có đến 7 người bệnh bị viêm tụy cấp, chiếm 1/3 số lượng người bệnh tại Khoa.

BS Võ Ngọc Quốc Minh thăm khám cho bệnh nhân

Tụy là một cơ quan trong ổ bụng, có chức năng tiết ra dịch tụy hay còn gọi là dịch tiêu hóa giúp cho tiêu hóa thức ăn. Chức năng thứ hai là tiết ra một số hóc môn, quan trọng nhất trong đó là tiết ra insulin, nếu không có đủ insulin sẽ gây ra bệnh tiểu đường.

Các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là sau khi uống bia rượu là từ 1 đến 3 ngày thì người bệnh đột ngột đau bụng dữ dội kèm theo nôn ói, ăn uống không được. Có một số trường hợp người bệnh chỉ bị đau nhẹ nên bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm là bị viêm dạ dày.

Bệnh viêm tụy cấp thường gặp ở những người uống rượu thường xuyên. Có hai nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm tụy là do rượu bia và sỏi mật. Mức độ nặng của viêm tụy cấp có thể làm suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến tử vong. Do đó, người bệnh và gia đình không được chủ quan khi bị viêm tụy cấp.

BS Quốc Minh cho biết, khi có các triệu chứng viêm tụy cấp kể trên thì tất cả người bệnh đều phải nhập viện để điều trị, không nên điều trị ngoại trú hay ở các phòng khám.

Cách điều trị cho người bệnh bị viêm tụy cấp là cho nhịn ăn uống, truyền dịch để đảm bảo cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng cho người bệnh, sau đó mới cho người bệnh ăn lại từ từ. Viêm tụy cấp có thể đưa đến những biến chứng như nang giả tụy phải phẫu thuật.

"Để phòng tránh bệnh, cần sử dụng rượu bia ở mức độ chừng mực, nếu người bệnh đã bị viêm tụy cấp do rượu bia thì nên tránh không tiếp tục uống vì sẽ có khả năng tái phát, lần sau sẽ nặng hơn những lần trước" BS Quốc Minh khuyến cáo.

Làm sao để biết đâu là điểm dừng an toàn trên bàn nhậu?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang