Khi bệnh nhân người nước ngoài, Việt kiều chọn Việt Nam để lọc máu, chạy thận

Thứ Hai, 13/03/2017 00:47  | Ngô Đồng

|

(CAO) Đã có không ít người nước ngoài, Việt kiều đến Việt Nam du lịch kết hợp khám chữa bệnh; trong đó cũng có những bệnh nhân điều trị các bệnh mạn tính như lọc máu, chạy thận.

Được “cải tử hoàn sinh” nhờ kỹ thuật lọc máu hiện đại

PGS TS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội lọc máu TP.HCM chia sẻ, cho đến nay, chỉ có 2 phương pháp điều trị duy nhất cho suy thận giai đoạn cuối là lọc máu và ghép thận. Tuy nhiên, do nguồn thận ghép còn rất ít nên một khi bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối thì bệnh nhân chỉ có thể sống được nếu được lọc máu, trong đó chạy thận nhân tạo được ứng dụng phổ biến nhất với hơn 90% bệnh nhân.

BS Huỳnh Thị Nguyễn Nghĩa, Trưởng khoa lọc máu BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho biết, trước nhu cầu rất lớn về chạy thận nhân tạo khi số lượng bệnh nhân liên tục tăng theo cấp số nhân, BV Nguyễn Tri Phương tiếp tục đầu tư thêm máy chạy thận nhân tạo mới, đồng thời chính thức đánh dấu sự ra đời của Khoa Lọc Máu vào năm 2015.

"Mục tiêu tối hậu của lọc máu không chỉ cải thiện sự sống còn của bệnh nhân mà còn phải đảm bảo chất lượng của lọc máu, sao cho bệnh nhân có được chất lượng cuộc sống gần như người không bị bệnh; có thể tái hòa nhập xã hội, lao động và làm việc. May mắn trong vài năm trở lại đây, BV đã phối hợp với tổ chức TUC và Hội lọc máu JSDT Nhật Bản nên đã ứng dụng được kỹ thuật lọc máu tiên tiến cứu chữa cho bệnh nhân", BS Nghĩa cho hay.

Bệnh nhân đang lọc máu tại BV Nguyễn Tri Phương

Khoa lọc máu của BV Nguyễn Tri Phương chính thức thành lập năm 2015 trên cơ sở một đơn vị lúc đầu chỉ với 2 máy chạy thận nhân tạo, đến nay khoa đã có hơn 35 máy. Riêng Trung tâm lọc máu kỹ thuật cao được thành lập mới đây, ngày 14-8-2016, với quy mô 20 máy lọc máu, công suất phục vụ 50 - 60 bệnh nhân/ngày.

Từ ngày thành lập đến nay, chỉ 6 tháng nhưng Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho rất nhiều bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân người nước ngoài và cả những Việt kiều.

BS Huỳnh Thị Nguyễn Nghĩa cho biết, hiện Trung tâm có 1 bệnh nhân người Nhật, 3 Việt kiều Mỹ và cả bệnh nhân người Campuchia. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận điều trị cho 2 bệnh nhân người Nhật nữa, Họ đã đăng kí lọc máu tại Trung tâm của BV.

"Hơn 90% bệnh nhân lọc máu tại Nhật sống trên 25 năm, do đó, khi bệnh nhân bệnh thận mạn tính có chỉ định lọc máu ngày nay sẽ được điều trị lọc máu chuẩn quốc tế, giúp bệnh nhân có kiến thức về bệnh lý, phương pháp điều trị để tự chăm sóc sức khỏe cho riêng họ không chỉ dựa vào nhân viên y tế, từ đó giúp nâng cao kiến thức sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và chất lượng cuộc sống, tránh tình trạng có tư tưởng bi quan, xem như tàn phế mà hầu hết các bệnh nhân đang có hiện nay", PGS TS Phạm Văn Bùi chia sẻ.

BS Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM

Thời gian trước đây, những bệnh nhân Nhật Bản đi lịch qua Việt Nam thì người ta phải qua Thái Lan để lọc máu, họ hầu như rất e dè khi điều trị tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có bệnh nhân của Nhật Bản đến Trung tâm lọc máu của BV Nguyễn Tri Phương chạy thận và họ nhận xét rằng, Trung tâm lọc máu cảu BV này chất lượng giống y như Trung tâm lọc máu của Nhật Bản và họ đã yên tâm trong việc chữa bệnh.

Do đó, nếu y tế chúng ta ngày càng làm tốt, thì chúng ta cũng góp phần phát triển về mặt du lịch, nhất là dạng du lịch kết hợp khám chữa bệnh.

Hiện Trung tâm cũng đã nhận được những "đặt hàng" của du khách nước ngoài có chỉ định lọc máu, khi họ qua Việt Nam du lịch sẽ chọn Trung tâm làm nơi điều trị cho họ.

Đối với bệnh nhân bệnh thận mạn tính có chỉ định lọc máu định kỳ thì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tùy thuộc vào chất lượng lọc máu. Nếu lọc máu càng chất lượng thì tuổi thọ của bệnh nhân càng kéo dài hơn, chất lượng cuộc sống cũng tốt hơn.

Trung tâm lọc máu kĩ thuật cao hợp tác Việt Nhật tại BV Nguyễn Tri Phương là Trung tâm được đánh giá là có trang thiết bị hiện đại nhất Việt Nam, màng lọc nội độc tố, sử dụng một lần - nước siêu tinh khiết. Quy trình lọc máu thường xuyên được các chuyên gia Nhật Bản qua huấn luyện và kiểm tra định kì, bắt buộc phải tuân thủ theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

 

Bệnh thận mạn tính có xu hướng ngày càng tăng

PGS TS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội lọc máu TP.HCM chia sẻ: "Bệnh thận mạn tính là một bệnh không lây nhưng rất thườn gặp, cứ mỗi 10 người sẽ có 1 người bị bệnh. Tuy độ nặng của bệnh có thể khác nhau, song điều cần biết là bệnh suy thận mạn tính không thể chữa khỏi, khiến bệnh nhân cần phải chăm sóc suốt đời, chi phí điều trị tốn kém

Tại Mỹ, theo thống kê năm 2014, chi phí chăm sóc cho bệnh thận mạn tính chiếm đến gần 20% kinh phí chăm sóc y tế Medicare. Chi phí hàng năm cho một bệnh nhân suy thận mạn tính là khoảng 20.000 USD, riêng bệnh nhân chạy thận nhân tạo tiêu tốn đến 88.000 USD/năm; so với chỉ khoảng 7.000 USD cho bệnh đái tháo đường, suy tim,... chưa kể còn gây thiệt hại đến GDP do ảnh hưởng sức khỏe của bệnh nhân.

Cũng theo BS Bùi, tỷ lệ mới mắc bệnh thận đang có xu hướng ngày càng tăng cao. Năm 2010, trên thế giới có khoảng 2,6 triệu người bị bệnh thận mạn tính

giai đoạn cuối được lọc máu; con số này dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn tính có xu hướng ngày càng tăng, cứ 57 trường hợp tử vong trên thế giới thì trong đó có 1 trường hợp là do bệnh thận.

Tại Việt Nam, ước tính có ít nhất 90.000 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối và có thêm ít nhất 9.000 ca mắc mới/năm.

"83% người béo phì có nguy cơ bị bệnh thận mạn tính. Béo phì đã được xác định là yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh chính gây biến chứng bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối như là đái tháo đường, tăng huyết áp, sỏi thận. Do đó, cần có chiến lược giảm cân và phòng ngừa sự phát triển của các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp,... sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh thận", BS Bùi khuyến cáo.

Bệnh nhân chạy thận: 'Nhìn lên trần nhà, tôi thấy cuộc đời như đã hết'
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang