Kỳ lạ những đứa trẻ có lồng ngực lõm sâu

Thứ Hai, 08/08/2016 01:27  | Ngô Đồng

|

(CAO) "Khoảng 2 năm nay, đi học về các con luôn miệng kêu mệt mỏi, khó thở, xuống cân rất nhanh, đặc biệt quan sát thấy vùng ngực có một "hố" lõm ngày càng sâu", chị Lan chia sẻ.

Cả 2 con đều mắc bệnh lõm ngực

Thấy con trai Trần Văn Lâm (15 tuổi) ngày càng gầy yếu, thở dốc, than mệt mỏi, lồng ngực lõm sâu, chị Huỳnh Thị Lan (36 tuổi, Bến Tre) đưa đi khám mới biết con bị bệnh lõm ngực bẩm sinh, phải phẫu thuật đặt thanh nâng ngực.

Không may với gia đình chị, đứa con thứ 2, bé Trần Thị Phương Lam (9 tuổi) cũng mắc bệnh lõm ngực.

Chị Lan cho biết, 2 anh em nó phát triển bình thường, chỉ có điều da hơi xanh, không mập nổi. Khoảng 2 năm nay, đi học về các con luôn miệng kêu mệt mỏi, khó thở, xuống cân rất nhanh, đặc biệt quan sát thấy vùng ngực có một "hố" lõm ngày càng sâu.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu thăm khám cho 2 anh em bé Lâm và Lam sau phẫu thuật

Vợ chồng chị đưa con lên Sài Gòn điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. Sau khi làm các xét nghiệm, kết luận cả 2 bé bị lõm ngực. Hiện tại, cả 2 bé đã được phẫu thuật đặt thanh nâng ngực thành công, sức khỏe hồi phục ổn định.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, lõm ngực bẩm sinh ở trẻ là bệnh trong đó có sự xuất hiện một vết lõm sâu ở thành ngực trước. Trên cơ thể người bệnh, thành ngực không nở nang mà trái lại, chúng bị lõm sâu vào trong lồng ngực tạo nên một “hố” đến kỳ lạ.

Mỗi năm cả nước có khoảng 3.000 trẻ mới sinh bị dị tật hở môi, hở hàm ếch
 

Bác sĩ Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết thêm, bệnh lõm ngực bẩm sinh hiện chưa tìm được nguyên nhân gây ra, nhưng một số nghiên cứu cũng cho thấy có yếu tố di truyền, chiếm 30%.

Đa phần bệnh nhân và trẻ em bị dị tật đều là nam giới. Tỉ lệ nam giới trong bệnh là 75%, trong khi đó, tỉ lệ nữ giới chỉ khoảng 25%. Bệnh có tỉ lệ gặp không cao, tuy nhiên nó lại là dạng dị tật thuộc hàng phổ biến nhất trong các dị tật ở ngực.

Bệnh lõm ngực bẩm sinh hiện chưa tìm được nguyên nhân gây ra

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, chỉ tính riêng tại BV Nhi Đồng 1, số trẻ mắc lõm ngực được can thiệp phẫu thuật có xu hướng tăng lên đáng kể. Nếu cả năm 2015 chỉ có khoảng 50 trẻ được phẫu thuật tại BV này, thì trong 7 tháng 2016, BV đã phẫu thuật cho 80 trường hợp.

Biến chứng không chỉ ở xương

Lõm ngực bẩm sinh có tỉ lệ mắc bệnh không cao nhưng là một bệnh có tỉ lệ biến chứng cao. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển.

Trong bệnh lõm ngực bẩm sinh, bản chất bệnh ở xương nhưng biến chứng lại ở ngoài xương.

Biến chứng tác động mạnh nhất là những thay đổi về mặt thẩm mỹ. Bộ ngực bị biến dạng, càng lớn, càng dậy thì, càng đến tuổi làm đẹp thì ngực càng bị biến dạng mạnh. Ngực trở nên gù vẹo, lõm sâu, co kéo. Đa phần các đối tượng đều cảm thấy xấu hổ, mất tự tin và ngại giao tiếp.

Bên cạnh những biến đổi về mặt thẩm mỹ là những ảnh hưởng tiêu cực về mặt sức khỏe. Tùy vào thể lõm ngực là chính tâm hay lệch tâm mà nó tác động tới tim như thế nào. Nhưng thường thì tim sẽ bị di đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Sự tác động này thường làm thiếu hụt khối lượng máu tuần hoàn. Tim có thể lệch trái, lệch phải hoặc có khi bị ép ở chính giữa. Hoạt động phát nhịp tim có thể bị nhanh lên hoặc chậm đi bất thường.

Bệnh lõm ngực thường xảy ra ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ

Ngoài ảnh hưởng đến tim, lõm ngực còn ảnh hưởng đến phổi. Do dị tật lõm ngực nên thể tích lồng ngực bị giảm rất lớn. Hiện tượng này làm phổi không thể giãn ra được và do đó chức năng hô hấp không đảm bảo. Thường xuyên, người bệnh bị chứng thiếu khí thở, thiếu máu,... Thể lực bị suy giảm và hầu như bị giảm phát triển. Nạn nhân khó có sự phát triển thể lực vạm vỡ nếu như không được điều trị sớm.

Thực tế nhiều phụ huynh quá bận rộn với công việc nên không thường xuyên để ý đến những vấn đề sức khỏe của con. Do đó dễ bỏ qua các triệu chứng liên quan đến căn bệnh bẩm sinh này. Nếu những nạn nhân này bị các bệnh lý cấp tính khác như viêm phổi, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết thì tai biến rất dễ xảy ra.

Trước những biến chứng có thể xảy ra, việc điều trị là bắt buộc. Với bệnh lõm ngực bẩm sinh, phẫu thuật tạo hình là ưu thế lớn nhất.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết, những trẻ bị lõm ngực thường được phẫu thuật đặt thanh nâng ngực để nắn xương phát triển theo hướng mới. Cho đến khi xương phát triển cứng, chắc thì trở lại bệnh viện để mổ lấy thanh nâng ngực ra. Khoảng thời gian chờ thường kéo dài khoảng từ 2 đến 3 năm tùy tình trạng phát triển của xương.

"Điều quan trọng là phát hiện sớm để điều trị sớm, tốt nhất là từ 8-12 tuổi, điều trị trước dậy thì sẽ đem lại cơ hội phát triển bình thường cho các em", bác sĩ Hiếu nói.

Bệnh khó phát hiện, ở trẻ nhỏ có dấu hiệu chậm tăng cân hay suy dinh dưỡng, dễ nhiễm trùng hô hấp: viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí hen suyễn... Trẻ lớn mắc bệnh thường triệu chứng kín đáo hơn, cảm thấy nhanh mệt, khó thở khi vận động gắng sức. Nếu thấy các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến các bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang