Nhiễm sán dây dài hơn 1m vì thói quen ăn thịt tái

Thứ Hai, 25/03/2019 10:30  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nam thanh niên 22 tuổi, ngụ tại Gò Vấp, TP.HCM, đi thăm khám vì chứng rối loạn tiêu hóa, ăn uống khó tiêu từ 2 tháng nay.

Bệnh nhân cho biết, trước nhập viện 2 ngày, trong khi thay đồ thì phát hiện thấy các đoạn nhỏ giống thịt, mềm, màu vàng nâu rơi ra ngoài. Rất lo lắng nên anh đã lên mạng tìm kiếm thông tin và đã tìm đến Phòng khám chuyên khoa Ký Sinh trùng của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM để khám bệnh.

Tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân dương tính với ấu trùng sán dây.

Sau khi đã được bác sĩ tư vấn và cho dùng thuốc xổ, bệnh nhân đã hợp tác tốt để tiến hành quy trình xổ sán và đã xổ ra một con sán dây có màu vàng nâu, dài hơn 1m.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân là người có thói quen hay ăn thịt bò tái.

Sán dây được xổ ra từ bệnh nhân

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM đã từng xổ được một con sán có chiều dài khoảng 6m trong cơ thể bệnh nhân nam.

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM là nơi tiếp nhận khám và điều trị cho những trường hợp bị nhiễm giun sán nói riêng và các loại ký sinh trùng nói chung cho người bệnh. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày Viện phát hiện khoảng 3 đến 5 trường hợp nhiễm sán cần điều trị.

Theo nhiều chuyên gia về bệnh ký sinh trùng, bệnh nhân bị nhiễm sán dây do thói quen ăn đồ tái, sống. Các món bò tái, cá tái, cá sống hiện rất phổ biến và là món khoái khẩu của nhiều người.

Sán dải bò, dải heo và dải cá là những loại sán lớn, con trưởng thành đều ký sinh ở ruột non của người, có thể dài đến hơn 10m, với hàng ngàn đốt sán.

Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM khuyến cáo, người dân nên ăn uống thực phẩm nấu chín, đảm bảo an toàn vệ sinh.

Đối với bệnh sán dây lợn, để tránh mắc bệnh, người dân không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, thịt bò, thịt dê, nem chua ... (nguy cơ nhiễm bệnh sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông. Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò giết mổ lợn (heo).

Nếu nghi ngờ mắc bệnh phải đến các cơ sở y tế, các phòng khám chuyên khoa để điều trị. Người có sán dây lợn trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn và các biện pháp phòng bệnh
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang