TP.HCM và tỉnh Bình Thuận 'bắt tay' đưa nguồn hải sản sạch đến người tiêu dùng

Chủ Nhật, 12/11/2017 18:21  | Ngô Đồng

|

(CAO) Ngày 12-11, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã có buổi khảo sát, ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Đây là hoạt động nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy hải sản an toàn giữa tỉnh Bình Thuận và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu là trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác đến cơ sở giết mổ, chế biến và đưa đến tay người tiêu dùng.

Buổi ký kết hợp tác với 3 nội dung chính: Phối hợp xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; cùng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản an toàn của tỉnh Bình Thuận tiêu thụ tại TP.HCM và phối hợp kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản.

TP.HCM và tỉnh Bình Thuận 'bắt tay' đưa nguồn hải sản sạch đến người tiêu dùng. Ảnh: NĐ

Theo báo cáo của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh thành khác hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Do đó, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, TP.HCM và các tỉnh thành đã tăng cường phối hợp để kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc.

Tỉnh Bình Thuận có thế mạnh là hải sản. Ảnh: NĐ

Theo PGS TS  Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, mục tiêu của việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn là làm sao để người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm.

"Việc hợp tác đảm bảo chất lượng hàng hóa tại nguồn hết sức quan trọng, nếu được kết hợp với đơn vị phân phối uy tín, có hệ thống tiêu thụ rộng khắp thì sẽ tạo được cộng hưởng, giúp chuỗi thực phẩm an toàn được phát huy tối đa hiệu quả", bà Lan cho biết.

Bà Lan cũng nhấn mạnh: "Thị trường 10 triệu dân của TP.HCM chính là thị trường đầy tiềm năng. Do đó, chúng tôi hết sức khuyến khích những sản phẩm chất lượng sở trường của tỉnh Bình Thuận như hải sản tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn để cung ứng thực phẩm sạch cho người dân. Bình Thuận còn có thế mạnh về thanh long và các loại nông sản khác, do đó, sau hải sản, TP.HCM sẽ tiếp tục khảo sát và hỗ trợ tiêu thụ những sản phẩm chất lượng sở trường này của tỉnh Bình Thuận", bà Lan cho biết.

Sau hải sản, TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ những sản phẩm chất lượng sở trường của tỉnh Bình Thuận như thanh long và các loại nông sản khác. Ảnh: NĐ

Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tỉnh đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đến 2020 có ít nhất 50% sản lượng nông sản, thủy sản chủ lực có mức độ rủi ro cao được kiểm soát an toàn thực phẩm.

Đến nay, Bình Thuận đã xây dựng được: 2 chuỗi thanh long (sản lượng 6.000 tấn/năm); 1 chuỗi mủ trôm; 3 chuỗi nước mắm; 2 chuỗi thủy sản đông lạnh; 3 mô hình sản phẩm thủy sản khô; cấp 11 giấy xác nhận cho 9 điểm bày bán với 162 sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tham quan vựa hải sản Mười Tuyền. Ảnh: NĐ
Vựa hải sản Mười Tuyền là một trong những cơ sở lớn nhất tại tỉnh Bình Thuận, chuyên cung cấp các mặt hàng trong lĩnh vực hải sản. Ảnh: NĐ

Đặc biệt, Bình Thuận đang hỗ trợ 4 doanh nghiệp thực hiện dán tem điện tử cho các sản phẩm: thủy sản khô, thủy sản khô ăn liền, mủ trôm, rau an toàn. Người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại thông minh.

Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ kết nối, hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh với sản lượng thủy sản đông lạnh 3.060 tấn/năm, thủy sản khô 629,7 tấn/năm, đồ hộp thủy sản 630 tấn/năm; 6 doanh nghiệp nông sản với sản lượng thanh long 9470 tấn/năm, hạt điều: 1727 tấn/năm,...

Bên cạnh một số kết quả khích lệ, hiện tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc liên kết, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, vì vậy việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi cung ứng đối với TP.HCM có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Dịp này, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và công ty TNHH Mười Tuyền tỉnh Bình Thuận cũng kí kết hợp tác tiêu thụ hải sản an toàn. Theo đó, với sức tiêu thụ khoảng 100 tấn hải sản mỗi tháng và một số đơn vị cung ứng khác của tỉnh Bình Thuận sẽ góp phần khẳng định việc phối hợp kiểm soát quản lý chất lượng thực phẩm từ nguồn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm từ tỉnh Bình Thuận trước khi đưa về TP.HCM tiêu thụ.

Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và công ty TNHH Mười Tuyền tỉnh Bình Thuận cũng kí kết hợp tác tiêu thụ hải sản an toàn

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nếu thực hiện tốt chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng mà còn mang lại giá trị thương hiệu cho các đơn vị cung cấp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cung ứng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang