Việt Nam có 10 ngàn người ngộ độc thực phẩm mỗi năm

Thứ Ba, 20/12/2016 08:57  | Xuân Hoài

|

(CAO) Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong.

Đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM

Nguyên nhân được xác định là xuất phát từ thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (33%), thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất (27%), thực phẩm vốn hàm chứa các chất độc tự nhiên (37,5%), thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu (phun hàm lượng cao, không cách ly với ngày thu hoạch) hay các chất phụ gia (hàn the, màu công nghiệp, đường hóa học) với dư lượng độc tố cao…

Hội thảo quốc tế “Công nghệ xanh cho chuỗi thực phẩm sạch” được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 19-12

Thống kê của Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm “bẩn” (thực phẩm có sử dụng chất kích thích, chất tăng trọng, thuốc bảo vệ thực vật quá dư lượng). Thêm vào đó, thời gian gần đây, một số vấn đề liên quan đến quản lý VSATTP, sự khác biệt giữa các kết quả phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm gây không ít khó khăn cho người sản xuất, tạo lo lắng cho người tiêu dùng.

Phát hiện một cơ sở lòng lợn bẩn tháng 10-2016 tại Đà Nẵng

Nhiều chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc (GS. Daryl Bert Lund - Đại học Wisconsin-Madison - viện sĩ Hàn lâm IUFoST, GS. Gerald G. Moy - Tổ chức Y tế thế giới (WHO), GS. Park Kwan Hwa - Viện sĩ Hàn lâm IUFoST - Nguyên chủ tịch Hội Khoa học Thực phẩm Hàn Quốc) cùng nhiều học giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các khoa chuyên ngành về Công nghệ thực phẩm ở Việt Nam quan tâm về bối cảnh thực phẩm không an toàn từ khâu nguyên liệu đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ thực sự đang trở thành vấn nạn nhức nhối đối với ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm trên toàn thế giới. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng mà còn dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong cơ cấu phát triển nông công nghiệp, gây kém hiệu quả cả về giá trị kinh tế và ý nghĩa nhân văn.

Lực lượng chức năng xử phạt chủ cơ sở vi phạm

GS.TSKH Lê Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng khoa học ĐH Đông Á cho rằng, trước đây chỉ dừng ở hành vi vi phạm quy định như hàn the, phẩm màu, formol trong phở, trong tẩy ướp thủy sản,… thì giờ đây kiểu vi phạm đã trở nên tinh vi hơn để tung hàng kém chất lượng ra thị trường đang “cung không đủ cầu”.

“Nhiều người khi ăn chỉ nhìn món ăn sau khi chế biến rất ngon lành mà đâu ngờ rằng trước đó là cái gì, là con cá tươi ngon hay chỉ là đống thịt đang lúc phân hủy? Nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm có danh tiếng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP bị phát hiện sử dụng nguyên liệu đã mốc, lên men chứa đầy dòi và ấu trùng đang được ngâm với hóa chất để chuẩn bị chế biến thành sản phẩm… , GS.TSKH Lê Văn Hoàng trăn trở.

Theo GS, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cấp thiết hơn như sản xuất phải chuyên nghiệp, sạch sẽ từ khâu trồng trọt đến sản xuất và tiêu thụ. Cần nhiều cán bộ tổ chức VSATTP, kết quả kiểm tra chất lượng thống nhất và đáng tin cậy hơn. Bên cạnh chính sách nhà nước chặt chẽ hơn thì chế tài xử lý nghiêm khắc, tránh rủi ro trong truyền thông về thực phẩm bẩn. Người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình bằng cách tự trang bị kiến thức tốt hơn, nắm bắt những thành tựu công nghệ trong bảo đảm ATTP.

Bình luận (0)

Lên đầu trang