50 năm ngày con người đặt chân lên Mặt Trăng (20/7/1969 - 20/7/2019):

Kỳ cuối: Khát vọng trở lại Mặt Trăng

Thứ Tư, 24/07/2019 18:20  | Anh Duy

|

(CATP) Nửa thế kỷ qua, sau những chuyến du hành đưa 12 phi hành gia chạm chân lên bề mặt Mặt Trăng của sứ mệnh Apollo (từ Apollo 11 đến 17), đến năm 1972 tổng thống Nixon chấm dứt chương trình này, giữa lúc cuộc Chiến tranh Việt Nam đang đến hồi kết làm dấy lên các thuyết âm mưu rằng chương trình được thiết kế và dàn dựng để hướng dư luận Mỹ rời xa cuộc chiến.

Những thập kỷ “trầm lắng”

Cũng kể từ lúc đó, Mặt Trăng trở thành “vệ tinh” bị quên lãng mặc dù Liên Xô sau đó cũng phóng một số tàu vũ trụ của họ bay quanh quỹ đạo Mặt trăng để thăm dò.

Những biến động chính trị sau đó: Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Mỹ - Trung Quốc nối lại quan hệ, các cuộc “cách mạng màu” ở Đông Âu với đỉnh điểm là sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết khiến các đời tổng thống Mỹ sau thời Nixon “bở hơi tai” giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại. Chuơng trình không gian của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vì thế cũng được chuyển hướng sang cách tiếp cận khác thay vì chú trọng đưa người đổ bộ lên Mặt trăng.

Chiến Tranh Lạnh và các diễn biến dồn dập cho đến sự kiện Liên Xô sụp đổ (1991) khiến các chương trình không gian ngưng trệ, nhưng ngay sau đó 1 năm vào tháng 6-1992, Mỹ - Nga ký thoả thuận về hợp tác nghiên cứu vũ trụ làm tiền đề cho Trạm không gian quốc tế (ISS) sau đó ra đời, bay quanh quỹ đạo Trái đất với sự hiện diện của các phi hành gia thuộc nhiều nước: Nga, Mỹ, Nhật làm việc trên đó.

Ba phi hành gia Neil Armstrong (trái), Michael Collins (giữa) và Buzz Aldrin trong sứ mệnh Apollo 11. Collins sau đó ở trên module bay trên quỹ đạo của tàu Apollo để 2 người còn lại đáp xuống bề mặt - Ảnh: NASA

Như vậy giai đoạn sau này, NASA chuyển hướng xây dựng CEV – phương tiện thám hiểm có người lái; đồng thời phóng các tàu thăm dò không người lái mang theo robot tự hành (rover) với mục tiêu tiến xa hơn: Đáp xuống các tiểu hành tinh, hành tinh hay vệ tinh của các hành tinh trong Thái Dương hệ. Xét ra đây là một hướng đi hợp lý khi việc đưa người vào không gian khá nguy hiểm.

Thứ hai là kinh phí duy trì cho một dự án như đưa người trở lại Mặt trăng rất cao. Hồi tháng 6-2019, tổng thống Mỹ Donald Trump “trút giận” lên NASA bằng dòng tweet trên Twiiter: “Với số tiền chúng ta đã bỏ ra, NASA không nên chỉ nói về việc lên Mặt Trăng – Chúng ta đã làm chuyện đó 50 năm trước rồi. Họ nên tập trung vào những thứ lớn lao hơn mà chúng ta đang làm, bao gồm Sao Hỏa (Mặt Trăng chỉ là một phần trong đó), (tập trung) cho Quốc phòng và Khoa học!".

Dòng tweet “nhắc nhở” của Trump được đưa ra sau khi NASA lập dự án đưa người trở lại Mặt trăng với “cột mốc” năm 2024. Lần này chương trình có tên Artemis (tên vị nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, chị của Apollo). NASA cho biết dự án này được thiết kế với tên lửa đẩy và buồng lái mạnh hơn dự án Apollo nhiều.

Vì sao trở lại Mặt trăng?

Lý do đơn giản là ngoài Mặt trăng, 50 năm qua tiến bộ khoa học – kỹ thuật vẫn chưa cho phép đưa người lên bất cứ đâu ngoài nó. NASA đã đưa các tàu tự hành vượt xa ra các khu vực không gian bên ngoài Thái Dương hệ. Nhưng với việc đưa người lên không gian, Mặt trăng vẫn là địa điểm hợp lý vì nó ở cự ly gần Trái đất: 384.000 km trong khi đó Sao Hoả - hành tinh gần nhất mà con người tiếp cận được, không bị Mặt trời thiêu cháy, lên đến 56 triệu km (trong trường hợp khi đó Trái đất ở điểm viễn nhật còn sao Hoả ở điểm cận nhật).

Dù sự phát triển như vũ bão của các thế hệ tên lửa đẩy hiện nay, như trong trường hợp của công ty công nghệ Tesla, đã phóng được tên lửa đẩy đưa vệ tinh và hàng hoá lên không gian trước khi tên lửa quay về đúng điểm xuất phát ban đầu (tên lửa khứ hồi) – một bước tiến lớn, hay các thiết kế buồng lái ngày càng tân tiến thì khoảng cách quá xa của Sao Hoả vẫn là một trở ngại. Trong khi đó, Mặt trăng ngoài việc ở gần còn có nhiều tài nguyên mới được khám phá gần đây.

Điển hình như việc tàu thám hiểm quỹ đạo Lunar Prospector của NASA năm 2008 đã phát hiện ra khí hydro trên bề mặt vệ tinh này. Điều này dẫn đến khả năng tìm thấy nước, một khía cạnh nghiên cứu thú vị. Hay như việc Mặt trăng có chứa helium-3, nhiên liệu cho các lò phản ứng nhiệt hạch, với các thế hệ lò mới có thể được tạo ra trong tương lai cũng là một nguồn kích thích nghiên cứu khoa học.

Vị trí tàu Apollo 17 đáp xuống Mặt trăng -  Ảnh: NASA

Mặt trăng trở thành “bước đệm” để nghiên cứu trong bối cảnh thế giới ngày càng đông dân và viễn cảnh loài người có khả năng phải tìm một không gian mới ngoài vũ trụ để sinh sống. Các dự án thăm dò gần đây như của Trung Quốc khi phóng tàu Hằng Nga – 4 lên “Vùng tối” của Mặt trăng thể hiện tham vọng này: Nghiên cứu sâu hơn về vệ tinh của chúng ta.

Với Mỹ, việc đưa người trở lại Mặt trăng hay xa hơn là lên Sao Hoả còn tuỳ thuộc vào ưu tiên trong chính sách của từng đời tổng thống. Trong dòng tweet hồi tháng 6, Trump đòi đưa người lên Sao Hoả, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên cho Quốc phòng và Khoa học. Nhưng các đời tổng thống trước như Obama lại ưu tiên cho chính sách an sinh trong đối nội và đối ngoại hướng về khu vực Châu Á, còn đời tổng thống Bush (con) trước nữa lại ưu tiên vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Thành ra cũng khó nói trước chương trình đưa người lên Mặt trăng sắp tới – Artemis sẽ đi đến đâu.

Mốc “2024” cũng là có chủ ý khi đó là năm cuối trong nhiệm kỳ 2 của Trump (trong trường hợp ông tiếp tục đắc cử trong kỳ bầu cử năm 2020). Còn xa hơn thì chưa biết chắc nó có được duy trì tiếp hay không do tính chất của nền chính trị Mỹ: Lãnh đạo lên – xuống trong nhiệm kỳ khá ngắn.

Nếu thời Apollo 11 đến 17, các đời tổng thống từ Kennedy đến Nixon duy trì được dự án cũng chính nhờ sức ép cạnh tranh từ Liên Xô. Nhưng nay đối trọng đó đã mất, cạnh tranh ít gay gắt hơn. Nếu xem Trung Quốc với việc phóng được tàu tự hành lên “Vùng Tối” Mặt Trăng là một mối nguy về khả năng vượt trội khoa học – công nghệ, ông Trump và các đời tổng thống sau này mới có thể đặt ưu tiên chương trình không gian và phát triển khoa học – kỹ thuật lên trên hết. Tất cả đều nằm ở vấn đề nhận thức để sắp xếp ưu tiên trong chính sách.

Chương trình Apollo là mốc son trong lịch sử nhân loại - Ảnh: Wikipedia

50 năm ngày con người đặt chân lên Mặt trăng là một dấu mốc thành tựu của nhân loại. Nó cho thấy sự đoàn kết, quyết tâm pha chút háo thắng của cạnh tranh và trí tưởng tượng, mơ ước có thể giúp con người có thể làm nên tất cả. Thiên tài công nghệ Steve Jobs trong câu nói bất hủ “Hãy cứ khát khao. Hãy luôn dại khờ!” đã nhắc đến luận điểm này.

Đã có một giai đoạn nước Mỹ có một khát khao như thế để làm nên kỳ tích. Sự sáng tạo và thành tựu luôn đến cho những “kẻ mộng mơ” dám nghĩ dám làm. Một tinh thần cần được duy trì cho những thế hệ mai sau.

​Kỳ 1: Cuộc đua khốc liệt thời Chiến Tranh Lạnh
 
​Kỳ 2: Bước chân lưu dấu
 
Kỳ 3: “Thế hệ vĩ đại nhất” của nước Mỹ
 
Kỳ 4: Thuyết âm mưu về “màn kịch” 30 tỷ đô của Mỹ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang