Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm “viết lại” nguồn gốc nCoV

Thứ Hai, 07/12/2020 17:03  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 7-12, Yahoo! News đưa tin một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn của Trung Quốc đang được tiến hành nhằm tìm cách xoá bỏ nhận thức của dư luận rằng thành phố Vũ Hán là nguồn gốc phát sinh của đại dịch Covid-19 do coronavirus chủng mới (nCoV) gây ra.

Chiến dịch “lộng giả thành chân” này đã khiến một nhà virus học hàng đầu phản ứng dữ dội. Vị chuyên gia này cáo buộc phát ngôn của ông đã bị truyền thông Trung Quốc thao túng nhằm mục đích quy kết nCoV gây ra trận đại dịch này xuất phát từ một nơi khác bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc chứ không phải là từ…Vũ Hán.

Theo đó, nhà dịch tễ học người Đức Alexander Kekule đã phản ứng trước việc các bài báo đăng tải trên các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc đã làm sai lệch nhận xét của ông về chủng G của coronavius gây ra dịch Covid-19 được tìm thấy ở miền bắc nước Ý.

Tân Hoa xã trước đó đưa tin nCoV “rõ ràng không bắt nguồn từ Vũ Hán” bằng cách viện dẫn bình luận của Giáo sư Kekule, một động thái mà ông đang cực lực bác bỏ. Theo đó, một bài viết trên hãng tin này mang dòng tiêu đề “Trung Quốc vô tội”.

"Đây là tuyên truyền thuần túy" - Giáo sư Kekule nói với tờ New York Times.

Giáo sư Kekule bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc và bày tỏ lo ngại về sự bùng phát dịch có thể đã bị chính quyền Trung Quốc che giấu trong thời kỳ đầu khi dịch bùng lên (tháng 12-2019).

Tuy nhiên truyền thông Trung Quốc vẫn bất chấp đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền để “viết lại” nguồn gốc virus.

Cuối tháng trước, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc – Triệu Lập Kiên hùng hồn tuyên bố: “Mặc dù Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo các trường hợp mắc bệnh, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là coronavirus chủng mới (nCoV) có nguồn gốc từ Trung Quốc”.

Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hoa Xuân Oánh tiếp tục tuyên bố” đã có bằng chứng cho thấy sự bùng phát của đại dịch xảy ra ở nhiều địa điểm trên toàn thế giới”.

Chợ thực phẩm tươi sống Hoa Nam, thành phố Vũ Hán - nơi phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên toàn cầu - Ảnh: AFP

Một bài báo hiện đã bị xóa của một nhóm các nhà khoa học có liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học nhà nước tuyên bố rằng sự lây truyền loại virus này từ người sang người đầu tiên đã xảy ra ở Ấn Độ.

Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) muốn hợp tác với Bắc Kinh trong các cuộc điều tra về nguồn gốc của virus.

Chuyên gia Mike Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO đã đặt nghi vấn về câu chuyện tuyên truyền do Trung Quốc đưa ra.

Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng việc chúng ta nói rằng căn bệnh này không xuất phát từ Trung Quốc là rất suy đoán” và nhấn mạnh ý định của WHO trong việc cử các nhà nghiên cứu đến chợ thực phẩm ở Vũ Hán để điều tra thêm.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc không cho thấy bất kỳ sự thừa nhận nào về virus có nguồn gốc từ nước này đã khiến Giáo sư Kekule lo sợ rằng Bắc Kinh không muốn hợp tác trong một cuộc điều tra.

Chia sẻ với CNN về các tài liệu bị rò rỉ từ Vũ Hán cho thấy Trung Quốc đã cố gắng che giấu mức độ nghiêm trọng của virus, Giáo sư Kukele cho biết trên Twitter rằng Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch trở lại.

Ông viết: “Những tiết lộ này của CNN có lẽ gần với sự thật hơn là động thái tuyên truyền của các đài truyền hình Trung Quốc gần đây. Nếu Trung Quốc không giúp tìm ra nguồn gốc của coronavirus, mối đe dọa tái xuất hiện dịch sẽ vẫn tồn tại”.

Trước đó WHO đã cử một nhóm điều tra đến Bắc Kinh vào tháng 7 để thiết lập cơ sở cho một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus. Tuy nhiên vẫn chưa rõ khi nào thì các nhóm chuyên gia lớn hơn có thể đến Trung Quốc để bắt đầu công việc của mình.

Nhà dịch tễ học người Đức Alexander Kekule kịch liệt phản đối Trung Quốc làm sai lệch các phát ngôn của ông - Ảnh: Twitter

Vào cuối tháng 11, WHO cho biết họ hy vọng sẽ có một nhóm các nhà khoa học với số lượng lớn hơn đến Trung Quốc để điều tra "càng sớm càng tốt."

Phản ứng của Trung Quốc đối với các lời kêu gọi điều tra thường là tiêu cực, đặc biệt là ở Úc, nơi quan hệ đang xấu đi nhanh chóng giữa hai nước kể từ khi thủ tướng Úc - Scott Morrison nhấn mạnh về sự cần thiết của một cuộc điều tra quốc tế xem nguồn gốc nCoV bắt nguồn từ đâu.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc - Tập Cận Bình dường như không muốn danh tiếng của đất nước bị ảnh hưởng thêm trong một cuộc điều tra, trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước nhảy vào đưa tin về bất kỳ gợi ý nào liên quan đến khả năng nCoV xuất hiện ở bất cứ đâu bên ngoài Trung Quốc. Và nước này chỉ là một nạn nhân không may bị bùng dịch đầu tiên. 

Bác sĩ cảnh báo coronavirus vừa qua đời, đã bị “hành” như thế nào?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang