Tiêu điểm:

Hòn đá và niềm tin công lý

Thứ Năm, 05/11/2015 07:46  | Anh Duy

|

(CATP) Cùng một ngày 3-11, có hai sự kiện xảy ra ở khu vực Nam Á nhanh chóng thành tâm điểm dư luận.

Đó là việc một tòa án Ấn Đô xử chung thân tên tài xế taxi cưỡng hiếp một nữ hành khách. Trong khi cách đó chỉ mấy trăm km, tại Afghanistan một phụ nữ trẻ bị đem ra giữa làng ném đá đến chết vì “dám” bỏ trốn khỏi gia đình để kết hôn với người yêu.

Số phận hai người phụ nữ ở hai nước láng giềng bị cộng đồng mỗi bên đối xử khác biệt: một bên họ dùng công lý để xét xử kẻ đồi bại, ở nơi còn lại những hòn đá man rợ đã cướp đi sinh mạng một con người. 

Hình ảnh Rokhshana bị chôn dưới hố ném đá đến chết (trên), và ảnh Kumar Yadav bị áp giải ra tòa vị tội cưỡng hiếp - Ảnh: AFP

BBC đưa tin tên Shiv Kumar Yadav đã chở một nữ hành khách 26 tuổi đến một khu vực hẻo lánh rồi cưỡng hiếp sau khi cô kêu xe taxi của hãng Uber do tên này lái chạy đến địa điểm định trước của mình.

Thẩm phán Kaveri Baweja cho biết: “Yadav ngồi tù chung thân không ân xá cho đến khi chết”. Tại tòa tên này khóc lóc trước bản án còn người dân Ấn Độ thì mừng ra mặt vì sau nhiều vụ cưỡng hiếp bị xã hội lên án, công lý cuối cùng cũng được thực thi.

Cũng trong ngày 3-11 khi Yadav bị tuyên án, một đoạn video dài 30 giây chiếu cảnh một đám đàn ông đứng vây quanh một người phụ nữ trẻ ( tuổi ước chừng từ 19 đến 21 tuổi) ở tỉnh Ghor (Afghanistan).

BBC đưa tin cô bị chôn xuống một chiếc hố chỉ chừa phần thân trên,rồi từ đó những hòn đá từ đôi tay lực lưỡng của những tên đàn ông ném xuống người cô gái.

Danh tính nạn nhân được xác nhận là Rokhshana. Rokhshana trước đó đã trốn khỏi gia đình để kết hôn với người yêu, khi trước đó cô bị gia đình bắt kết hôn với một người đàn ông mà cô không tình cảm.

“Thành phần” tham gia ném đá Rokhshana đến chết là “các phiến quân Taliban, các lãnh đạo tôn giáo và chỉ huy các nhóm vũ trang địa phương”.

Điều đáng nói hơn, người bạn trai mà Rokhshana trốn đi cùng để kết hôn chỉ bị đám người cuồng nộ phạt đánh roi rồi trả tự do. Cộng đồng quốc tế hai ngày nay đang chấn động với cách hành xử này khi ngay trong cách xử phạt, tư duy của một cộng đồng lạc hậu cũng thể hiện tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Việc tên tài xế Kumar Yadav ở Ấn Độ bị xử chung thân tội cưỡng hiếp là cả một quá trình dài người dân nước này phải đấu tranh, biểu tình đòi chính quyền sửa luật nâng án tội hiếp dâm cùng các chiến dịch truyền thông rầm rộ để thay đổi tư duy của cộng đồng.

Tại Afghanistan, tư duy nặng bảo thủ, coi thường phụ nữ bám rễ quá lâu cộng thêm sự kích động, lôi kéo của các phần tử Taliban khiến những hòn đá chà đạp phụ nữ vẫn còn có dịp ném xuống.

Chỉ khi nào những tư tưởng bảo thủ của một cộng đồng được thay đổi bằng sự vào cuộc của mọi thành phần xã hội thì khi đó nữ quyền mới được đề cao, những hòn đá mới thành hủ tục.

Nhưng chặng đường từ làng quê Afghanistan đến một phiên tòa công khai như ở New Delhi (Ấn Độ) vẫn còn là một chặng đường xa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang