Bùng phát bạo động ở một trong những nước nghèo nhất Châu Phi

Thứ Ba, 22/01/2019 16:38  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 22-1, BBC đưa tin tổng thống Zimbabwe - Emmerson Mnangagwa đã phải huỷ chuyến đi đến Châu Âu để tham dự diễn đàn Kinh tế Davos sau khi bạo lực bùng phát dữ dội ở quê nhà với những đám đông xuống đường phản đối chính phủ.

Theo thông cáo của chính phủ nước này, ông Mnangagwa đến Davos để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quê nhà, một trong những đất nước nghèo nhất ở Châu Phi và Thế giới.

Các bộ trưởng của chính phủ đương nhiệm cáo buộc đảng đối lập Tiến bước cho Thay đổi Dân chủ (MDC) đã lợi dụng việc giá nhiên liệu tăng mạnh để kích động người dân bạo động. Trong khi đó MDC cáo buộc chính quyền đã đàn áp dã man người dân muốn nói lên tiếng nói của mình.

Hai thành phố chính là thủ đô Harare và thành phố tây nam Bulawayo dòng người túa ra đường thể hiện sự giận dữ trước việc giá nhiên liệu được điều chỉnh tăng một tuần trước.

Phe đối lập cho biết 12 người đã thiệt mạng nhưng con số này chưa được kiểm chứng. Tổng thống Mnangagwa đã trở lại Harare vào tối 21-1 để giám sát tình hình. Ông lên án: “Mọi người đều có quyền được bảo vệ, nhưng đây không phải là một cuộc biểu tình hoà bình”.

Bạo động bùng phát ở Zimbabwe do giá nhiên liệu tăng - Ảnh: BBC

Lãnh đạo MDC - Nelson Chamisa cho biết nhiều thành viên đảng của ông đã bị bắt. Trong khi lực lượng an ninh tấn công các thành viên của gia đình ông ở nhà.

Phía chính phủ biện bạch rằng việc tăng giá nhằm mục đích “khắc phục tình trạng thiếu hụt nhiên liệu gây ra bởi sự gia tăng sử dụng nhiên liệu và tình trạng giao dịch lậu tràn lan”.

Nhưng nhiều người dân Zimbabwe tức giận vì nhiều năm qua tình hình kinh tế khó khăn, đột nhiên nhận thấy rằng họ thậm chí còn không còn đủ tiền để mua vé xe buýt đi làm. Theo GlobalPetrolPrices.com, mức giá mới khiến giá nhiên liệu ở Zimbabwe đắt nhất Thế giới.

Tổng thống Zimbabwe - Mnangagwa - Ảnh: MNNOFA NEWS

Kinh tế nước này lâm vào khủng hoảng khiến chính phủ phải vật lộn để vật dậy nền kinh tế vốn “nổi tiếng” có tỷ lệ lạm phát cao nhất nhì thế giới trong khi lương của người dân chỉ dừng ở mức ba cọc ba đồng.

Tình trạng còn tồi tệ hơn khi hôm 21-1, Nam Phi từ chối đề nghị của Zimbabwe vay khoảng cứu trợ khẩn cấp trị giá 1,2 tỷ USD. Zimbabwe hy vọng được vay để rót tiền mặt vào nền kinh tế, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhiên liệu ở nước này.

 

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang