Lâm Đồng:

Diễn biến phức tạp ở phiên tòa xét xử vụ án giả danh 'con gái phó bí thư tỉnh ủy' lừa đảo 53 tỷ

Thứ Bảy, 01/04/2017 07:29  | Ngọc Hà

|

(CAO) Sáng 31-3, sau 1,5 ngày mở phiên tòa xét xử, TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên hoãn phiên tòa, không thông báo ngày mở lại phiên xét xử; lý do: Diễn biến vụ án tại phiên tòa có nhiều tình tiết phát sinh phức tạp, do đó, HĐXX cần xem xét, đánh giá lại toàn diện vụ án.

3 bị cáo: Nguyễn Thị Thủy Lộc (SN 1978, trú 17A Nguyễn Đình Chiểu, phường 9, TP. Đà Lạt), Đàm Thị Bé (tên khác là Vy, SN 1987, trú thôn Chơ Ré, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng – Lâm Đồng) và Nguyễn Thị Bích Loan (SN 1989, trú 12/2 Đồng Tâm, phường 4, TP. Đà Lạt) bị VKS truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 53 tỷ đồng của 6 bị hại.

Thẩm phán Nguyễn Hữu Đồng làm chủ tọa phiên tòa. Trước đó, trong phần luận tội, vị đại diện VKS đã đề nghị mức án tù chung thân với bị cáo Lộc, 18-20 năm tù với bị cáo Bé, 16-18 năm tù với bị cáo Loan, buộc 3 bị cáo liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho các bị hại.

Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm 31-3, bị hại Lê Thị Xuân Lan – người được cho là bị nhóm đối tượng Lộc lừa đảo với số tiền nhiều nhất (28 tỷ đồng) và luật sư của bị hại đã đề nghị tòa xem xét, số tiền bị cáo Lộc lừa chiếm đoạt của bị hại là trên 93 tỷ đồng và đưa ra nhiều tài liệu chứng minh.

3 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm (từ phải qua: Lộc, Loan, Bé)

Trước đó, tại cơ quan điều tra, bị hại Lan cũng tố cáo nội dung này, nhưng cơ quan điều tra cho rằng, không đủ cơ sở để xem xét. Phía bị cáo Lộc không thừa nhận các hành vi như cáo trạng nêu; không thừa nhận thuê Bé, Loan; chỉ chấp nhận một phần nhỏ số nợ với các bị hại. Tuy nhiên, những chứng cứ, tài liện cơ quan chức năng thu thập được, lời khai của các bị hại, bị cáo đã chứng minh, Lộc là kẻ chủ mưu, dùng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt 53 tỷ đồng của các bị hại.

Lộc được xác định là đã thuê Bé, Loan (2 tiếp viên quán karaoke) đóng giả cán bộ hai ngân hàng tại TP. Đà Lạt. Bé vào vai “con gái phó bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng” đang công tác tại ngân hàng Việtcombank. Loan đóng giả cô T.T. – cán bộ tín dụng ngân hàng Eximbank, là em vợ của giám đốc ngân hàng B.

Lộc đưa tiền cho Bé mua và may đồng phục ngân hàng cho cả hai mặc và yêu cầu Bé, Loan thuộc lòng những thông tin cá nhân của cô Tr. và cô T.T. thật. Với vỏ bọc nhân thân như vậy, cả 6 bị hại tin tưởng, nhiều lần giao tiền cho 3 bị cáo Lộc, Bé, Loan. Để vở “kịch” hoàn hảo, bị cáo Lộc còn cung cấp số điện thoại 09637732…, hướng dẫn Bé, Loan lưu tên mình trên điện thoại của họ là “Xếp”, để khi Bé, Loan đi gặp “khách hàng” – bị hại, Lộc gọi tới, “bộ 3 yêu nữ” đối phó, nhằm tạo sự tin tưởng cao nhất với khách hàng.

Sau mỗi lần giao dịch “gặp gỡ khách hàng”, Loan trả cho Bé, Loan tiền công bằng số tiền khách trả như khi Bé, Loan đi làm quán karaoke (từ 200 đến 500 ngàn đồng/lần).

Vở kịch hoàn hảo cho đến khi bị hại Ngô Thị Minh Thành phát hiện được. Thông qua sự giúp sức của hai bị cáo Bé, Loan, bà Minh Thành đã đưa cho bị cáo Lộc tổng cộng số tiền trên 20 tỷ đồng. Sau nhiều lần bà Thành đòi Lộc trả tiền, nhưng Lộc khất lần. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, bà Thành điện thoai gặp Bé (giả cô Tr.), sau đó theo Bé về chỗ đối tượng ở thì phát hiện Bé thực chất là kẻ giả danh. Từ đây, Loan, Lộc bị chị Thành lật tẩy, lần lượt các bị hại làm đơn tố cáo sự việc với cơ quan công an. Phía bị cáo Lộc cho rằng, giữa Lộc với bị hại Lan và Thành là quan hệ làm ăn vay mượn qua lại.

Không chỉ giăng bẫy lừa những gia đình có điều kiện kinh tế, Lộc còn lừa cả hàng xóm, người giúp việc cho gia đình Lộc, vay số tiền từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 2 người khác cũng đưa cho Lộc vay trên 8 tỷ đồng, cũng với màn kịch Lộc nhờ người là cô Nguyễn Hoàng Mai Th. đóng giả nhân viên ngân hàng, nhưng không có giấy tờ để chứng minh nên không có cơ sở xem xét.

Tại phiên tòa xét xử công khai, chị Vũ Nữ Huyền Tr. và chị Th. - 2 cán bộ ngân hàng thật cũng được Tòa mời tham dự, gây chú ý với nhiều người. Các bị hại, bị cáo và 2 nữ cán bộ này đều khẳng định giữa họ không hề có sự gặp gỡ nhau, biết nhau.

Bị cáo Lộc và chồng cũ là Nguyễn Thế V. đứng tên 6 tài sản nhà, đất và 1 chiếc xe ô tô 7 chỗ, tạo lập hầu hết từ năm 2014, 2015 – tức trong và sau thời điểm Lộc có các hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các bị hại trên. Tuy nhiên, khi Lộc bị bắt, toàn bộ số tài sản này đã được Lộc đem thế chấp ngân hàng hoặc sang nhượng cho người khác. Phải chăng đây là thủ đoạn bị cáo Lộc để tẩu tán tài sản?.

Dư luận và các bị hại mong chờ một phát quyết nghiêm minh của Tòa án, nhằm bảo vệ tài sản chính đáng của các bị hại, đồng thời ngăn ngừa tội phạm chung.

Bình luận (0)

Lên đầu trang