Tài xế xe ôm công nghệ cần làm gì để tránh bị cướp?

Thứ Ba, 08/10/2019 14:20

|

(CAO) Không nhận khách vãng lai ngoài ứng dụng “app” và chú ý đề phòng trước những biểu hiện bất minh của khách, tham gia học và thực hành các bài học tự vệ thường xuyên là một trong những giải pháp có thể giúp tài xế xe ôm công nghệ phòng tránh những rủi ro gặp cướp trên hành trình mưu sinh.

Liên tiếp những vụ cướp xe ôm công nghệ xảy ra khiến nhiều người cảm thấy bất an. Vụ cướp xe ôm công nghệ xảy ra gần đây nhất vào ngày 26-9 khiến anh N.C.S. (18 tuổi, tài xế Grab) bị hai đối tượng Đinh Văn Giáp (24 tuổi) và Đinh Văn Trường (19 tuổi, cùng quê Yên Bái) giết chết tại khu vực phố Tân Phong (P.Thụy Phương, Hà Nội) là một ví dụ.

Giáp và Trường thực nghiệm lại hiện trường vụ giết anh S.

Theo đó, với ý định giết người, cướp tài sản từ trước, hai đối tượng này nhắm tới tài xế xe ôm công nghệ để “ra tay”. Tối 26-9, chúng thấy anh N.C.S đang đứng đợi khách ở khu vực cổng sau bến xe Mỹ Đình nên đến yêu cầu chở về khu vực giáp ranh giữa phường Cổ Nhuế 2 với phường Thụy Phương với giá 60.000 đồng.

Trên đường đi, lấy lý do đi sai đường nên các đối tượng này đã nhiều lần thay đổi điểm đến nhưng tài xế vẫn không cảnh giác. Khi đến bãi đất trống tại khu vực phố Tân Phong, hai đối tượng này đã dùng dao đâm nạn nhân tử vong rồi cướp chiếc xe Exciter cùng một số tài sản tẩu thoát. Đến ngày 1-10, hai đối tượng này mới bị cơ quan công an bắt giữ và khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Vụ giết người cướp tài sản trên cùng nhiều vụ cướp khác tương tự từng xảy ra trước đó khiến nhiều người cảm thấy bất an về những nguy hiểm mà tài xế xe ôm công nghệ phải đối mặt trên hành trình mưu sinh. Trên nhiều diễn đàn, các tài xế xe ôm công nghệ không chỉ chia buồn với mất mát của gia đình đồng nghiệp mà còn chia sẻ nhiều câu chuyện để nâng cao cảnh giác.

Anh Phạm Mi Sên, một tài xế chạy Grab cho rằng hầu hết các vụ cướp xe ôm công nghệ đều xảy ra khi bắt khách vãng lai ngoài ứng dụng “app”. Vì vậy, không nên chỉ vì một chút lợi nhỏ muốn “lấy trọn tiền cuốc xe” mà bắt khách ngoài “app” để tránh rủi ro.

“Kiếm tiền là để lo cho cuộc sống, chứ không phải liều cả mạng sống chỉ để kiếm tiền. Hãy chọn lựa cho mình con đường để có thể “Về Đích” an toàn chứ không phải con đường dễ đi. Vì đôi khi nó sẽ dẫn chúng ta đến những nơi ... xa lắm!”, anh Phạm Mi Sên đưa ra lời khuyên.

Đại diện Grab thăm hỏi, động viên gia đình tài xế không may gặp rủi ro

Chia sẻ về các chương trình đạo tạo kỹ năng an toàn cũng như các tính năng hỗ trợ cho đối tác lái xe của Grab, nữ tài xế GrabBike Đào Thị Hiền, Đội Thủ đô cho biết đã tham gia GrabBike được 3 năm nay và đến thời điểm này chưa gặp phải tình huống bất trắc nào đe dọa an toàn. Chị Hiền cho biết, ngay khi vừa đăng ký tham gia Grab, chị đã được tham gia một lớp học kỹ năng lái xe an toàn rất bài bản ở Trung tâm đào tạo lái xe của Honda ở Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, hàng tuần đều nhận được tin nhắn của Grab thông báo về lớp học trang bị kỹ năng phòng về vào sáng thứ Bảy hàng tuần ở Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội. Lớp học do 2 võ sư giảng dạy, và đều hỗ trợ miễn phí cho các đối tác lái xe của Grab. Rồi phải tham gia lớp học sơ cấp cứu, có mời các nhân viên y tế có đầy đủ chuyên môn về giảng dạy…

Bên cạnh đó, mỗi tháng 1 lần, đội Thủ đô của chị Hiền sẽ tổ chức họp định kỳ một lần để chia sẻ các tính năng mới, các tình huống trên đường để trao đổi, mỗi người tự rút ra kinh nghiệm cho mình.

“Không những vậy, trên mỗi ứng dụng của các đối tác tài xế như bọn tôi còn có các tính năng hỗ trợ an toàn như tính năng S.O.S. Nếu cảm nhận cuốc xe có bất ổn thì tài xế nhấn vào tính năng này, ngay lập tức vị trí cụ thể của lái xe sẽ được gửi về Grab, cùng với đó sẽ kết nối cuộc gọi tới 113”, chị Hiền chia sẽ thêm. Được biết, Đội Thủ đô của chị Hiền còn duy trì 2 số hotline hỗ trợ các thành viên 24/24h.

Những buổi tập huấn của Grab nhằm trang bị cho tài xế các kỹ năng để tránh gặp rủi ro và nguy hiểm

“Với cá nhân mình và kinh nghiệm 3 năm tham gia GrabBike, tôi cho rằng, các lớp đào tạo, huấn luyện kỹ năng tự vệ cùng các tính năng an toàn trên ứng dụng cho đối tác tài xế của Grab rất thiết thực, bổ ích, và cũng đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì bản thân các đối tác tài xế vẫn phải tự mình phòng là chính”, chị Hiền nhấn mạnh.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết an toàn cho mỗi chuyến xe luôn là mục tiêu hàng đầu. Do đó, ngoài việc triển khai các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, Grab còn thường xuyên nhắc nhở, cập nhật các khu vực có tình hình an ninh phức tạp cũng như triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao an toàn cho đối tác tài xế và hành khách.

Ngày 7-10, Grab cho biết vừa ký kết bản ghi nhớ với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM về việc phối hợp chặt chẽ nhằm phòng chống tội phạm trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, Phòng CSHS sẽ hỗ trợ Grab trong việc tuyên truyền pháp luật, tập huấn kỹ năng phòng vệ và nhận biết đối tượng phạm tội cho các đối tác tài xế Grab. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm nâng cao kỹ năng để các đối tác tài xế Grab chủ động ứng biến trong những tình huống nguy hiểm, từ đó an toàn hơn mỗi ngày khi hợp tác với Grab.

“Việc phối hợp làm việc giữa hai bên không chỉ góp phần đảm bảo tình hình trật tự an ninh xã hội mà còn bảo vệ an toàn tốt hơn cho đối tác tài xế và khách hàng của Grab”, ông Jerry Lim nói.

Đại diện của Grab cũng cho biết thêm thời gian qua đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền cho đối tác tài xế Grab về phương thức, thủ đoạn của tội phạm; cách nhận dạng đối tượng phạm tội và cách xử lý các tình huống nhằm tăng khả năng phòng, chống tội phạm và giảm thiểu rủi ro cho đối tác tài xế và khách hàng của Grab.

Bình luận (0)

Lên đầu trang