Xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm:

Viện Kiểm sát đề nghị trả hồ sơ điều tra lại

Thứ Tư, 08/03/2017 18:05  | Thanh Hoà

|

(CAO) Ngày 8-3, tại phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm và đồng phạm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đột ngột đề nghị trả hồ sơ để Bộ Công an làm rõ nội dung vụ án, đánh giá chính xác hành vi vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án.

Trước vành móng ngựa, nhiều bị cáo nguyên là Giám đốc, Trưởng chi nhánh,… thuộc OceanBank cho rằng, việc chi lãi ngoài vì lợi ích ngân hàng, không vì lợi ích cá nhân. Nếu không chi số tiền này, OceanBank sẽ đổ vỡ. Hệ quả của việc vỡ ngân hàng là không chỉ ảnh hưởng tới 2.000 nhân viên của OceanBank mà còn ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng nói chung.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc khối bán lẻ) bị cáo buộc đã chỉ đạo nhân viên khối bán lẻ tổng hợp, kiểm tra các khoản tiền chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng cá nhân.

Sau đó, Thu Ba ký xác nhận hoặc trình TGĐ phê duyệt, chuyển cho bộ phận kế toán, hạch toán chuyển tiền cho các chi nhánh, phòng giao dịch để chi lãi ngoài cho khách hàng với tổng số tiền thực chi là hơn 84 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn của các luật sư tại tòa, bị cáo Thu Ba cho rằng, với vai trò GĐ khối bán lẻ, bị cáo chỉ được ký xác nhận, không đủ thẩm quyền ký phê duyệt một nội dung công việc nào.

“Khi bị cáo làm việc là công việc của toàn hệ thống. Với nhiệm vụ được giao, bị cáo đã cố hết sức để hoàn thành với mục đích để Oceanbank được tốt nhất. Đặc biệt trong những năm 2011, 2012, OceanBank khó khăn, bị cáo cùng những người khác đã cố gắng duy trì hoạt động tốt để OceanBank có được lãi chứ bị cáo không nghĩ, làm công việc đúng chức năng, nhiệm vụ lại phải gánh chịu về sai phạm hình sự, để phải đứng trước tòa hôm nay. Bị cáo muốn HĐXX có cái nhìn thấu tình đạt lý để bị cáo có cơ hội cống hiến” - bị cáo Thu Ba trần tình.

Bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên GĐ khối khách hàng cá nhân) cũng khai rằng, khi biết việc chi tiền chăm sóc khách hàng, bị cáo nghĩ đơn giản là vì doanh số của đơn vị, và đây là việc mà tất cả các ngân hàng đều làm. Là người làm công ăn lương, bị cáo không hưởng lợi cá nhân mà chỉ vì lợi ích của ngân hàng.

Nguyễn Thị Thu Hương (nguyên GĐ Oceanbank, chi nhánh Hải Dương) cũng thừa nhận: bị cáo nhận thức được việc làm của mình là vi phạm Thông tư 02 của NHNN. Nhưng tại thời điểm đó, không phải riêng chi nhánh Hải Dương mà các ngân hàng cũng làm vậy.

"Thời điểm đó, tại chi nhánh Hải Dương, xe ô tô ùn ùn đến lấy tiền từ chi nhánh. Nếu không chi tiền chăm sóc khách hàng, khách hàng mang tiền đi thì chi nhánh sẽ đổ vỡ. Nếu không có lợi nhuận thì toàn ngân hàng sẽ đổ vỡ" - bị cáo Hương khai.

Hương thừa nhận trong 3 năm liên tiếp, nhờ có khoản chi lãi ngoài mà chi nhánh Hải Dương lãi trên 191 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi: "Bị cáo có biết, hành vi của bị cáo sẽ bị xử lý hình sự?", Bị cáo Hương đáp: "Nếu biết bị xử lý hình sự, bị cáo sẽ không làm".

Còn bị cáo Nguyễn Thị Nga - nguyên kế toán trưởng, Trưởng ban tài chính kế hoạch OceanBank khai việc chi chăm sóc khách hàng là mục đích cứu OceanBank. Cũng theo bị cáo Nga, số tiền 1.567 tỉ đồng mà cơ quan tố tụng cho rằng là thiệt hại của OceanBank, xét về khía cạnh kế toán, đây chỉ là số tiền chi ra chứ chưa phải kết quả cuối cùng nên không phải thiệt hại.

Nếu không chi số tiền này, OceanBank sẽ đổ vỡ. Hệ quả của việc vỡ ngân hàng là không chỉ ảnh hưởng tới 2.000 nhân viên của OceanBank mà còn ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng nói chung. Bị cáo Nga khẳng định, thực tế, trong các năm 2012 – 2014, OceanBank liên tục làm ăn có lãi.

Các bị cáo trả lời thẩm vấn tại tòa

Đến chiều ngày 8-3, khi các luật sư đang tiếp tục với phần xét hỏi, để làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đại diện phần vốn góp 20% của PVN tại Oceanbank, đột nhiên vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, có rất nhiều vấn đề không thể làm rõ tại tòa, đề nghị trả hồ sơ để Bộ Công an làm rõ nội dung vụ án, đánh giá chính xác hành vi vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án. Ngay sau đó, HĐXX đã nghỉ để hội ý.

Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động, tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Nguyên nhân do vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, ban Tổng GĐ Oceanbank trong các thời kỳ, lãnh đạo các khối nghiệp vụ từ hội sở đến chi nhánh. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu, đã gây thiệt hại có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hành vi này của Thắm được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng. Hành vi này của các bị can gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền gần 69 tỷ đồng. Với vai trò chủ mưu, Hà Văn Thắm đã chủ trương chỉ đạo việc chi lãi suất ngoài nhằm huy động vốn của khách gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank.

Hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm đã cố ý làm trái quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ và USD theo từng thời kỳ. Hành vi này của các bị cáo gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền trên 1.500 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang