(CAO) Ngày 30-3 tại TP.HCM, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.
Tham dự có đại diện các cơ quan thực thi sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán một số nước; đại diện các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đại diện Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc, ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nêu rõ “cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội”.
Tại hội thảo, Cục Quản lý thị trường có tham luận về tổng quan về công tác phối hợp giữa Quản lý thị trường với doanh nghiệp trong đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đại diện các cơ quan thực thi: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng Cục Hải quan trình bày về công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, công tác phối hợp giữa lực lượng thực thi và doanh nghiệp, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả phối hợp...
Các đại biểu dự hội thảo
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ về công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ và công tác phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp...
Đáng chú ý, tại hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh – Giám đốc truyền thông và đối ngoại của Công ty TNHH L’oreal Việt Nam cho biết, thị trường mỹ phẩm hiện nay tại Việt Nam có tới 75% là giả và nhập lậu (chủ yếu qua đường hàng không), chỉ có 25% là hàng thật. Do đó, sẽ làm thất thu thuế cho nhà nước. Nước hoa, son môi, kem dưỡng da... tại các chợ thì 100% là hàng giả. Hàng chính hãng chỉ phân bố tại các trung tâm thương mại cao cấp (?!). Phát biểu này khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về số liệu trên lấy từ đâu, liệu có đáng tin cậy?
Cũng tại hội thảo, Văn phòng luật Vnip, đại diện công ty Lacoste nói, nhãn hiệu “con cá sấu” của hãng này tại Việt Nam đã bị làm giả với các nhãn hiệu: Larosee, Lacost... Điều này là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, muốn cơ quan chức năng xử lí thì phải có kết quả giám định của Viện khoa học Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, một số cửa hàng không có nhượng quyền nhưng vẫn dùng nhãn hiệu chính hãng. Năm 2017, có ba triệu sản phẩm làm giả bị phát hiện và bắt giữ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, hơn tám nghìn sản phẩm giả mạo bị phát hiện. Các sản phẩm đó là giày, quần áo...