(CAO) Chiều 10-10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Mai Phước Việt và Lê Bảo Thành – hai công chức Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV4 về hành vi “Buôn lậu”.
Hồ sơ vụ án thể hiện, qua công tác nắm tình hình, Cục Điều tra chống buôn lậu – tổng cục Hải quan phát hiện lô hàng xuất khẩu phi mậu dịch cá nhân theo tờ khai 97160037690/H21 ngày 23-3-2016 mở tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV4 (cảng ICD Transimaex) mang tên Lý Quốc Hưng có dấu hiệu nghi vấn.
Bước đầu, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV4 giám sát đồng thời mời Lý Quốc Hưng đến làm việc. Tuy nhiên do Hưng không đến nên Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định khám xét.
Đọc lệnh bắt đối tượng
Kết quả cho thấy gần 23 tấn Kệ công nghiệp bằng sắt tháo rời mới 100% trong Container số SKHU8101074 (hàng hóa có thuế xuất 0% theo tờ khai hải quan) thực chất là đồng phế liệu có thuế suất lên tới 22%. Giá trị lô hàng theo giám định khoảng 1,8 tỷ (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí vận chuyển).
Ngay lập tức, Cục điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án và vụ việc được Viện Kiểm sát Tối cao ra quyết định chuyển Cơ quan Cảnh sát Điều tra công an TP.HCM điều tra theo thẩm quyền.
Ngoài lô hàng bị chặn lại trên, còn 13 lô hàng khác khai hàng hóa là trục máy cán thép và kệ công nghiệp bằng sắt, thuế suất 0% nhưng thực tế trên vận đơn tại hãng tàu lại là phế liệu đồng và phế liệu kim loại hỗn hợp, thuế suất 22% đã rời Việt Nam.
Làm việc với cơ quan Công an, Lý Quốc Hưng cho biết chỉ làm nghề chạy xe ôm, không biết gì về những lô hàng xuất khẩu này. Kết quả trưng cầu giám định cũng kết luận chữ ký và chữ viết trên 14 tờ khai hải quan không phải của Hưng.
Một tháng sau, vào ngày 6-4-2016, Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp tục phát hiện một lô hàng 25,6 tấn đồng phế liệu trị giá 1,45 tỷ đồng được các đối tượng buôn lậu dùng thủ đoạn tương tự để thông quan.
Người đứng tên lô hàng lần này là Lê Thúy Huỳnh – bán bún bò tại nhà ở đường Bửu Đình, P.5, Q.6, TP.HCM. Bị cơ quan công an mời làm việc, chị Huỳnh cũng khẳng định không biết gì về việc xuất nhập khẩu hàng hóa.
(CAO) Do quen biết với một số người tại Nhật, "trùm" buôn lậu hàng cũ đã nhập hàng trăm container máy móc, thiết bị sản xuất trước năm 2000.
Hai đối tượng bị bắt
Tiếp nhận vụ án từ Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan chuyển, Cơ quan Cảnh sát Điều tra công an TP.HCM xác minh thêm được chị Huỳnh còn “được” các đối tượng buôn lậu cho đứng tên thêm 6 lô hàng đồng phế liệu đã trót lọt ra nước ngoài.
Sau khi làm việc với tất cả các bên liên quan, từ công ty cho thuê Container, công ty vận chuyển nội địa cho đến hãng tàu, cơ quan công an xác định đối với 14 lô hàng do Lý Quốc Hưng đứng tên tờ khai xuất khẩu, Mai Phước Việt là công chức Hải quan được giao nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hóa 100%.
Dù hàng hóa không đúng như tờ khai nhưng Việt vẫn xác nhận hàng hóa đúng với khai báo và ký cho thông quan. Với thủ đoạn tương tự, Việt cũng ký thông quan cho 7 lô hàng đứng tên Lê Thúy Huỳnh.
Theo nhận định của Cơ quan Điều tra, Mai Phước Việt là đồng phạm của chủ hàng, là đối tượng cầm đầu, chủ mưu trong nhóm công chức Hải quan của Chi cục hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV4, giúp sức tích cực cho chủ hàng thực hiện hành vi buôn lậu.
Lê Bảo Thành là công chức Hải quan được giao nhiệm vụ cùng Mai Phước Việt kiểm hóa 6 lô hàng đứng tên Lý Quốc Hưng (kể cả lô hàng bị bắt giữ). Sau khi kiểm hóa, Thành đồng lõa với Việt, ký cho thông quan.
Đối với lô hàng bị bắt đứng tên Lê Thúy Huỳnh, Thành cũng góp sức tích cực khi cùng Việt ký cho thông quan. Quá trình điều tra, Việt và Thành khai quanh co, không thành khẩn. Lời khai của Việt và Thành còn mâu thuẫn trong việc kiểm hóa các lô hàng vi phạm.
Ngoài Việt và Thành, Cơ quan Điều tra cho biết khả năng còn có các công chức hải quan khác tham gia tiếp tay cho đường dây buôn lậu. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng liên quan theo đúng quy định của pháp luật.