Bình Dương: Nhiều doanh nghiệp vi phạm trong mua bán, quản lý tiền chất ma tuý

Thứ Sáu, 08/04/2022 18:17

|

(CATP) Cơ quan chức năng đã phát hiện 16 doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong hoạt động mua bán, quản lý, sử dụng tiền chất ma tuý, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 16 doanh nghiệp với số tiền 500 triệu đồng.

Là một tỉnh phát triển năng động nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động, sản xuất kinh doanh liên quan đến việc mua bán, sử dụng tiền chất ma tuý trong các lĩnh vực hợp pháp như y tế, công nghiệp.

Tuy công tác quản lý tiền chất đã được quan tâm thực hiện, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm trong mua bán, sử dụng tiền chất ma tuý, dễ dẫn đến việc tội phạm lợi dụng sản xuất trái phép chất ma tuý ngay trong nước.

Với vị trí thuận lợi cùng chính sách trải thảm đỏ mời gọi, thu hút đầu tư, hiện nay Bình Dương đã đầu tư xây dựng được 31 khu công nghiệp (KCN) và 12 cụm công nghiệp, giúp địa phương này phát triển rất năng động với một kết cấu hạ tầng mới, hiện đại, góp phần từng bước thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đây cũng là địa bàn giáp ranh với TPHCM, Đồng Nai và Bình Phước. Do là tỉnh phát triển công nghiệp nên tại Bình Dương có nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan đến việc mua bán, sử dụng tiền chất ma tuý trong lĩnh vực hợp pháp như y tế, công nghiệp; đặc biệt có những loại tiền chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất, điều chế chất ma tuý như Acetone, dung môi Toluene A-18, Methyl Ethyl Ketone, Acid Sulfuric, Acid Hydrochloric, Pseudoephedrine, Acid Acetic, Acetaminophen…(trong lĩnh vực công nghiệp), Ephedrine (trong lĩnh vực y tế).

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hoá chất là tiền chất với số lượng lớn để gia công sản xuất các mặt hàng như: keo, hoá chất, chất dung môi trong sản xuất sơn, chế biến gỗ, ngành da giày, điện, điện tử… và điều chế, sản xuất thuốc tân dược.

Các chất ma tuý tổng hợp (MTTH) được điều chế ra từ tiền chất ma tuý; tiền chất là chất xúc tiến trong quá trình sản xuất ma tuý, không có tiền chất thì không thể có MTTH. Tuy nhiên, đa số các tiền chất được sử dụng hợp pháp trong y học, công nghiệp, trong nghiên cứu khoa học và trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Điều đó đặt ra yêu cầu phải có biện pháp quản lý, kiểm soát tiền chất để được sử dụng đúng mục đích. 

Kiểm tra lô thuốc thú y có chứa ma tuý ketamine
Các đối tượng Chu Việt Long, Chu Hải Xuân trong vụ chiết xuất ketamin từ thuốc thú y

Từ năm 2011, thực hiện Quyết định số 52/2011/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh tổ chức phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý trên địa bàn.

Ngoài việc tham gia tổ liên ngành cùng phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý, Công an tỉnh Bình Dương cũng tổ chức tập huấn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có các hoạt động này; tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi lợi dụng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để sản xuất MTTH bất hợp pháp; tiến hành kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý.

Qua theo dõi, nắm tình hình, Công an tỉnh Bình Dương đã xác định, trên địa bàn có 22 doanh nghiệp kinh doanh tiền chất, 165 doanh nghiệp có sử dụng tiền chất công nghiệp để hoạt động sản xuất nhựa, sơn, keo, mực in, chế biến gỗ, sơn gỗ, giày dép, chế biến mủ cao su, sản xuất, gia công hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất linh kiện điện tử, xi mạ, dệt nhuộm…

Đa số các doanh nghiệp trên đều thực hiện quy định về cất giữ, bảo quản hoá chất theo quy định và sử dụng tiền chất đúng mục đích. Trong lĩnh vực y tế có 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, khám chữa bệnh sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất. Trên địa bàn tỉnh cũng có 80 doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiền chất, chủ yếu phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp…

Nhìn chung, thời gian qua, công tác quản lý tiền chất ma tuý đã được quan tâm thực hiện. Từ năm 2017 đến nay, hằng năm, Công an tỉnh Bình Dương đã chủ trì, tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Công an, Công thương, Y tế, Hải quan tiến hành kiểm tra tổng số 22 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan đến việc mua bán, sử dụng tiền chất ma tuý trong những lĩnh vực như y tế, công nghiệp.

Kết quả đã phát hiện 16 doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong hoạt động mua bán, quản lý, sử dụng tiền chất ma tuý, đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 16 doanh nghiệp với số tiền 500 triệu đồng.

Việc kiểm soát tiền chất ma tuý rất quan trọng, nhằm ngăn chặn từ đầu đối với các vi phạm pháp luật có liên quan 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Số lượng cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý rất nhiều, nhưng cán bộ làm công tác kiểm soát lại ít, chưa kể có cán bộ còn hiểu về lĩnh vực này chưa sâu, thường xuyên thay đổi vị trí công tác và công việc chuyên môn nên chưa tập trung cao cho công tác này.

Việc mua bán tiền chất nội địa rất khó kiểm soát, nhất là đối với các cửa hàng bán hoá chất nhỏ lẻ. Cơ quan cấp phép nhập khẩu tiền chất không gửi thông báo cấp giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần đối với các doanh nghiệp cho các cơ quan chức năng ở địa phương nắm, kiểm soát…

Trong thời gian tới, Công an tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng “gắn” những kẽ hở trong công tác này tại địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang