Chậm trễ siết kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Hệ quả nhãn tiền

Thứ Năm, 07/04/2022 11:50  | Quang Hà

|

(CATP) Vài năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ có sự phát triển nhanh để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của doanh nghiệp (DN), thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư mạnh vào loại hình này vì TPDN đang trở nên hấp dẫn hơn so với tiền gửi tiết kiệm, do lãi suất cao hơn so với lãi suất huy động có kỳ hạn tại ngân hàng. Tuy nhiên, việc chậm trễ "trám" các lỗ hổng của kênh huy động vốn này đã gây không ít hệ quả.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2021, các DN bất động sản (BĐS) đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD (gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng); lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8 - 13%/năm. Tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp BĐS chiếm 36% tổng giá trị phát hành TPDN. Trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) dẫn số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) thì tính đến ngày 7-1-2022, thị trường TPDN đã tăng 42% 1.033 đợt với tổng khối lượng phát hành trong nước năm 2021 lên tới 658.009 tỷ đồng, tương ứng quy mô trung bình mỗi đợt phát hành là 636 tỷ đồng/đợt (gấp 2.8 lần so với năm 2020).

Tổng số đợt phát hành ra quốc tế có 4 đợt với xấp xỉ 1.425 tỷ USD (tương ứng quy mô trung bình 356.25 triệu USD/đợt). Theo VBMA, dư nợ TPDN chiếm khoảng 12% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, tăng khoảng 11.2% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, nhóm ngành BĐS chiếm 232.337 tỷ đồng, chiếm 36,9%; nhóm ngành ngân hàng chiếm 230.443 tỷ đồng; chứng khoán chiếm 23.565 tỷ đồng...

Có thể thấy, nhóm ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất về khối lượng phát hành, với gần 40% khối lượng trái phiếu được phát hành vào quý 4, nhằm huy động vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng cuối năm và tuân thủ các quy định theo Basel II. Nhóm ngành trái phiếu DN BĐS chiếm 35%, tiếp tục tăng mạnh về quy mô khi thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng trong năm qua.

Hành vi đấu giá đất ở Thủ Thiêm lên cao rồi bỏ cọc của bị can Đỗ Anh Dũng đã tác động lớn đến thị trường BĐS TPHCM

Riêng tại TPHCM, theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TPHCM thì thị trường phát hành TPDN năm 2020 tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tổng giá trị TPDN đã phát hành thành công trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 350.883 tỷ đồng, tăng 68,1% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các DN BĐS đứng thứ 2 (sau ngành tài chính - ngân hàng) có giá trị phát hành đạt 63.155 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,4% tổng giá trị phát hành. Trong đó, có đến 12 Tập đoàn, DN BĐS có tổng giá trị phát hành trái phiếu trên 3.000 tỷ đồng/đơn vị; có 4 Tập đoàn BĐS lớn có tổng giá trị trái phiếu từ trên 8.000-12.000 tỷ đồng/đơn vị).

Việc các DN phát hành trái phiếu, trong đó các DN BĐS có những đợt phát hành lớn đã gây không ít băn khoăn và ý kiến quan ngại khi cho rằng, thị trường trái phiếu DN có nhiều bất cập như chưa có các tổ chức tư vấn uy tín (tương tự như Fitch Ratings) đánh giá, xếp hạng tín nhiệm DN, để đảm bảo minh bạch thông tin và góp phần bảo vệ nhà đầu tư.

Chính vì chưa có các tổ chức tư vấn uy tín đánh giá, xếp hạng DN nên mới có việc các DN là Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông (Công ty Cung điện Mùa đông), Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (Công ty Soleil) thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) thực hiện được 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7-2021 đến tháng 3- 2022 theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ.

Theo SSC, các công ty trên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, vì vậy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của 3 DN này.

Có thể thấy, việc 3 DN nói trên phát hành thành công số trái phiếu trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng đã cho thấy một lỗ hổng rất lớn của thị trường TPDN. Với những điều kiện phát hành khá dễ dãi nên hàng loạt DN thua lỗ vẫn huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng. Đa số TPDN trên thị trường đều không có tài sản đảm bảo. Số trái phiếu DN được bảo đảm cũng chủ yếu bằng dự án hình thành trong tương lai hoặc bằng cổ phiếu.

Không những thế, dòng tiền từ những đợt phát hành TPDN này chảy về đâu, có gây lũng đoạn thị trường BĐS hay không cũng khó có thể kiểm soát, bởi thực tế TPDN là công cụ dễ dàng đảo nợ. DN khi nợ có thể phát hành đợt sau để lấy tiền trả nợ đợt trước nên không dễ để kiểm soát được dòng tiền có vào đúng dự án như những cam kết của DN hay không.

Trong điều kiện vay tiền từ phát hành trái phiếu quá dễ dàng thì việc Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi sao Việt khi tham gia đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm với giá khởi điểm 2.942 tỷ đồng, giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá khởi điểm là hoàn toàn có thể hiểu được những toan tính của chủ đầu tư.

Được biết, hiện nay sau khi bị "tuýt còi", Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết đang làm việc với đơn vị tư vấn luật và các bên liên quan để rà soát lại toàn bộ hồ sơ 9 đợt phát hành trái phiếu này. Trường hợp phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn này sẽ làm việc với DN phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan để hoàn trả toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, với biến cố này, các khách hàng sẽ phải thầm trách các cơ quan quản lý, bởi nếu tìm ra và siết chặt các "lỗ hổng" trên thị trường TPDN từ sớm thì có lẽ thị trường này không mang đến nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư chứng khoán, BĐS.

Bình luận (0)

Lên đầu trang